Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết tại đây vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân bị ngộ độc hoa chuông.
Nam bệnh nhân 39 tuổi, vào cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, da lạnh, tím tái toàn thân, vùng bẹn chảy máu, tràn khí màng phổi. Trong khi người đàn ông 29 tuổi nôn nhiều, yếu tứ chi, gọi hỏi không trả lời.
Bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn hoa chuông. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Hiện tại, nam bệnh nhân 39 tuổi phải thở máy, điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Người bạn cùng ăn hoa chuông trong bữa tối sau, khi được điều trị tích cực hiện đã tỉnh, sức khỏe tiến triển tốt.
Cây hoa chuông có tên gọi khoa học là Scopolamine, là loại cây thân thảo, có hoa trông giống như hoa loa kèn, có màu trắng và vàng. Loại cây này thường được nhiều người thường lấy về trồng làm cảnh.
Ngoài ra, hoa chuông cũng mọc dại tại nhiều nơi ở vùng núi phía Bắc và Đà Lạt. Tuy nhiên, tất cả các bộ phận của loài hoa này đều chứa độc tố, có thể gây ngộ độc cho người tiếp xúc.
Độc tính của cây hoa chuông là do một số loại alkaloid trong lá, hoa và hạt. Các hợp chất này có thể ức chế hệ thần kinh và ảnh hưởng đến tim, hệ tiêu hóa. Khi bị ngộ độc thường có biểu hiện: nhẹ thì đau đầu, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, nôn…
Trong trường hợp ngộ độc nặng, nạn nhân có thể bị rối loạn tri giác, có ảo giác, kích thích, vật vã, hôn mê, môi và tứ chi tím tái, suy hô hấp… và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không hái các loại hoa, cây rừng về ăn hoặc làm thuốc khi chưa hiểu rõ về độc tính của cây. Nên nhắc nhở trẻ nhỏ không tiếp xúc với hoa chuông hay tò mò ăn thử.
Trường hợp phát hiện có người không may ăn nhầm phải hoa chuông có dấu hiệu ngộ độc, đối với nạn nhân là người lớn còn tỉnh táo cần dùng các biện pháp sơ cứu gây nôn tại chỗ, sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Bình luận (0)