Thế mà giờ đây, những tấm phim mà TS-BS Nguyễn Thị Minh Huệ, Phó trưởng Khoa Xạ trị - Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy, săm soi không thể hiện dấu tích nào của căn bệnh nan y ấy!
"Anh Đặng Vũ Minh Trí không phẫu thuật được vì đã di căn hạch. Chúng tôi quyết định dùng phương pháp hóa - xạ trị đồng thời, rồi thuyết phục anh tham gia một nghiên cứu đa quốc gia, đa trung tâm để tiếp tục điều trị bằng liệu pháp miễn dịch" - TS-BS Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy, nhớ lại.
Sự kết hợp đó đã tạo nên kỳ tích. "Tôi cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh, vẫn đi làm bình thường" - anh Trí cảm kích.
Một ca bệnh gây kinh ngạc khác là bà T.H., hiện vẫn sống khỏe mạnh sau hơn 1 thập kỷ chiến đấu với ung thư vú di căn xương. 10 năm trước, hệ xương bị hủy hoại khiến người phụ nữ 80 tuổi này phải di chuyển bằng xe lăn. Hy vọng sống chỉ còn tính bằng tháng nhưng sau khi tham gia nghiên cứu khoảng nửa năm, bà bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường.
"Đây là bệnh nhân sống lâu nhất trong toàn bộ trường hợp nghiên cứu đa quốc gia, đa trung tâm mà chúng tôi tham gia. Bà khỏe mạnh, vẫn chăm sóc gia đình bình thường. Kết quả chụp phim không còn thấy bất thường ở xương, khối u vú cũng không còn" - TS-BS Nguyễn Ngọc Bảo Hoàng, Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy, cho biết.
20 năm trước, khi lĩnh vực ung bướu mới được Bệnh viện Chợ Rẫy quan tâm đầu tư, việc điều trị một trong "tứ chứng nan y" này hãy còn trong một màn sương. Nhiều ca bệnh ngày nay có thể chữa được, khi đó chắc chắn là án tử.
Gắn bó với Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy từ khi còn rất trẻ, TS-BS Lê Tuấn Anh luôn tâm tư về những ca bệnh mà hành trình tìm lại sự sống cho bệnh nhân gặp phải những giới hạn về khoa học. Cùng các cộng sự, ông quyết tâm phá vỡ rào cản đó.
Chỉ trong gần 10 năm nay, danh tính TS-BS Lê Tuấn Anh và các bác sĩ khác của Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy đã xuất hiện trong ít nhất 22 nghiên cứu đa quốc gia, đa trung tâm. Hơn 10 nghiên cứu mà họ chủ trì và tham gia đã xuất hiện trên các tạp chí khoa học quốc tế, bao gồm nhiều tạp chí y học danh tiếng. Khoảng 40 nghiên cứu khác của họ cũng hiện diện trên các tạp chí trong nước…
TS-BS Lê Tuấn Anh bày tỏ: "Bệnh nhân xem bác sĩ điều trị như phao cứu sinh. Nếu không nỗ lực, chúng tôi có thể bỏ qua cơ hội sống của họ. Ung thư vẫn còn là một ngành mới, vì vậy nghiên cứu khoa học có thể thay đổi được cục diện và kết cục điều trị cho bệnh nhân".
Theo ông, trước đây, khi gặp bệnh khó là người ta nghĩ tới chuyện ra nước ngoài chữa trị - điều mà không phải bệnh nhân nào cũng có điều kiện. Ngày nay, nhiều bệnh nhân như thế có thể được điều trị tốt ngay ở quê hương. Ngoài ra, nghiên cứu cũng là cách để phát triển bản thân, phát triển chuyên ngành, tạo nguồn nhân lực kế thừa.
Trong khi đó, TS-BS Nguyễn Ngọc Bảo Hoàng khẳng định: "Nghiên cứu khoa học là trách nhiệm của bác sĩ. Bất kỳ bác sĩ nào cũng mong muốn điều trị cho bệnh nhân tốt hơn. Chỉ có nghiên cứu mới giúp tạo nên phác đồ mới, nâng cao chất lượng điều trị".
Bác sĩ tích cực tham gia nghiên cứu đồng nghĩa với việc nhiều bệnh nhân đang ở bờ vực sinh tử tiếp cận được các loại thuốc mới, tiến bộ mới. Nghiên cứu cũng giúp bác sĩ chứng minh những con đường mới lạ, tiên phong mà họ chọn để đi là đúng và hiệu quả. Một số loại thuốc, bao gồm loại mà bệnh nhân T.H. từng dùng, đã được BHYT chi trả, mở ra cơ hội cho rất nhiều bệnh nhân khác.
Theo các bác sĩ, kỳ tích thực ra là kết quả của lao động trí tuệ, việc phối hợp đồng đội, sự nỗ lực và yêu thương. Để những người như anh Trí, bà H. đủ điều kiện tham gia nghiên cứu, trước tiên phải đưa họ ra khỏi tình thế nguy ngập ban đầu.
Ví dụ, phương pháp hóa - xạ trị đồng thời mà anh Trí được tiếp cận là lối đi tiên phong mà TS-BS Lê Tuấn Anh và cộng sự đã lựa chọn hơn 10 năm trước. Lúc đó, hóa trị và xạ trị là 2 phương pháp điều trị ung thư được sử dụng riêng biệt, có thể cái trước, cái sau.
"Tuy nhiên, bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt hơn, bướu tan nhanh, cải thiện tỉ lệ sống sót khi được kết hợp hóa - xạ trị ngay từ đầu" - Giám đốc Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy nhận định.
Theo TS-BS Nguyễn Thị Minh Huệ, sau hóa - xạ trị đồng thời, bệnh của anh Trí không còn tiến triển, u phổi không tăng kích thước. Từ đó, anh mới có thể được điều trị tiếp bằng liệu pháp miễn dịch. Nhiều bệnh nhân khác cũng được cứu sống ngoạn mục như thế.
Phó trưởng Khoa Xạ trị - Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy tâm niệm trong nghiên cứu khoa học, bác sĩ phải đồng hành với bệnh nhân. Sự kết nối chặt chẽ với nhà nghiên cứu giúp bệnh nhân thêm kiên trì, cố gắng tuân thủ các hướng dẫn - điều rất cần trong hành trình chiến đấu với ung thư.
TS-BS Nguyễn Thị Minh Huệ hồi tưởng lúc chị phải cho anh Trí biết rằng tình trạng của anh nếu bình thường thì chỉ sống thêm được 8-9 tháng. Liệu pháp miễn dịch hy vọng có thể giúp bệnh nhân kéo dài sự sống, nếu may mắn thì 12 tháng…
Theo TS-BS Lê Tuấn Anh, kỳ vọng lớn nhất của các bác sĩ, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy là có được trung tâm xạ trị proton - vấn đề được đề cập gần đây.
Để có được trung tâm xạ trị proton thì cần đầu tư lớn, về nhân lực lẫn vật lực. Trung tâm này sẽ là "vũ khí" quan trọng giúp bác sĩ tận dụng tối đa tiềm lực khoa học, cứu được những bệnh nhân trước đây vô vọng. Xạ trị proton nhắm chuẩn mục tiêu hơn, tiêu diệt tế bào bệnh triệt để, ngừa tái phát tốt hơn lại bảo vệ được tế bào lành, từ đó cải thiện ngoạn mục cơ hội sống cho bệnh nhân.
Lúc đó, việc nghiên cứu ung thư phổi gần như giậm chân tại chỗ. Đã qua rất nhiều năm, cả thế giới không ai tìm được liệu pháp nào cải thiện cơ hội sống còn cho bệnh nhân. Thế nhưng, đã 8 năm trôi qua, bệnh nhân của chị trở thành bằng chứng sống cho sức mạnh của khoa học.
"Việc bệnh nhân có kết quả điều trị ngoạn mục không chỉ nhờ bác sĩ mà còn nhờ hệ thống xét nghiệm, chẩn đoán sớm; nhờ sự chăm sóc của điều dưỡng, sự phối hợp đa chuyên khoa… Có lúc bệnh nhân mệt mỏi, cần sự giúp đỡ đặc biệt. Khi đó, mọi người, mọi khâu trong quá trình điều trị phải luôn song hành với bệnh nhân. Tôi nghĩ chính điều đó tạo nên kỳ tích" - TS-BS Nguyễn Ngọc Bảo Hoàng nhìn nhận.
Bình luận (0)