Nghe tin bác Khương Mễ qua đời, tôi không nén nổi xúc động. Dẫu rằng sinh ly tử biệt là quy luật của muôn đời nhưng với tôi, một người thân ra đi là một mất mát không gì có thể bù đắp được. Hơn nữa, đối với tôi bác Khương Mễ như một người cha, người thầy, người đã dìu dắt tôi từ những ngày đầu đến với điện ảnh cách mạng, cho tôi một cơ hội được khẳng định mình để đến hôm nay tôi thật sự có vị trí trong lòng công chúng điện ảnh Việt Nam.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tôi cũng như nhiều anh em nghệ sĩ khác vẫn mang mặc cảm là nghệ sĩ của chế độ cũ, dù rằng những vai diễn điện ảnh ở Sài Gòn của tôi trước đó chỉ là những vai đánh võ trong các phim võ thuật như Long hổ sát đấu... Thế nhưng người mà bác Khương Mễ chọn để tham gia vào bộ phim cách mạng đầu tiên của điện ảnh miền Nam ngay sau ngày giải phóng chính là tôi, vai đại tá Hoàng trong phim Cô Nhíp do bác làm đạo diễn. Tôi còn nhớ hôm ấy bác đến nhà tôi qua lời giới thiệu của đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Quan sát tôi một lúc, bác ấy nói hình thức bên ngoài của tôi là rất đạt nhưng còn phải thử khả năng diễn xem sao. Tôi hỏi, bác định cho cháu đóng vai gì. Bác ấy cho biết là vai một đại tá ngụy. Tôi giật mình vì chưa hề đóng những vai này bao giờ, hơn nữa, đóng vai một đại tá ngụy đối với những anh em nghệ sĩ như chúng tôi lúc đó cảm thấy chẳng vinh dự gì. Đó là chưa kể đến nỗi lo bị công chúng ghét nếu vai diễn quá đạt. Lúc đầu tôi từ chối không dám nhận, nhưng bác ấy cứ động viên tôi đến thử vai. Dù chưa hiểu gì nhau nhưng tôi đã nhìn thấy trong sâu thẳm tận đáy lòng con người này một tình cảm chân thật và tốt bụng. Bác ấy không hề phân biệt giữa những người có công với cách mạng như bác ấy và chúng tôi. Và tôi đã diễn vai đại tá Hoàng với tất cả khả năng, lòng nhiệt thành của tôi để đáp lại những tình cảm mà bác ấy đã dành cho tôi. Sau phim Cô Nhíp, tôi còn có cơ hội làm với bác nhiều phim khác như Chiều sâu lòng đất, Bên lề 30-4… Nhưng chính vai đại tá Hoàng trong phim Cô Nhíp là bước ngoặt, là cánh cửa mở ra cho tôi có cơ hội bước tiếp trên con đường điện ảnh cách mạng những năm sau này. Từ vai đại tá Hoàng, tôi đến và thành công với vai Hai Lúa trong phim Vùng gió xoáy, vai ông Hai Cũ trong bộ phim cùng tên và hàng loạt những vai diễn chính diện, phản diện khác.
Ngày đó tôi cũng như anh em nghệ sĩ Sài Gòn cũ không hề biết gì về quan điểm, đường lối, chính sách cách mạng nên nói điều gì ra là sợ sai, đâm ra mặc cảm. Bác Khương Mễ hiểu được điều đó nên luôn đối xử với anh em nghệ sĩ điện ảnh Sài Gòn như tình anh em, chú cháu ruột thịt. Bác chỉ bảo cho từng người hiểu thế nào là điện ảnh cách mạng, hướng dẫn nghề nghiệp tận tình cho anh em, giúp anh em xóa dần đi những mặc cảm để cùng nhau đóng góp cho sự nghiệp chung. Ngay cả diễn viên Mộng Tuyền là vợ đại tá ngụy thứ thiệt vẫn được bác mời đóng vai vợ đại tá Hoàng trong phim Cô Nhíp. Nhờ vậy chúng tôi thấy mình được tôn trọng, cần phải hết lòng đóng góp cho sự nghiệp điện ảnh cách mạng. Chúng tôi cùng nhau đi làm phim trong những điều kiện rất khổ nhưng quý mến nhau vô cùng. Khi tôi và bác Khương Mễ làm phim Chiều sâu lòng đất là lúc đất nước đang trong thời kỳ khó khăn nhất, chúng tôi đi làm phim phải mang gạo nhà góp lại cho đoàn làm phim nấu ăn chung nhưng ai nấy đều vui. Bác luôn động viên chúng tôi “Làm nghệ thuật là phải chịu khổ cực mới thành công”. Chính bác ấy đã thổi niềm đam mê nghệ thuật của bác ấy vào chúng tôi. Và chúng tôi đã từng bỏ lại sau lưng gia đình vợ con để cùng bác, cùng các đạo diễn khác rong ruổi hằng tháng trời đi làm phim khắp nơi. Chúng tôi luôn ghi nhớ, quý trọng và tự hào về những ngày tháng đó...
Bác Khương Mễ ra đi, điện ảnh cách mạng mất đi một nhân tài, bạn bè đồng nghiệp mất đi một người thầy, người anh, người bạn quý mến và kính trọng.
Thắp ba nén nhang tiễn đưa linh cữu bác mà lòng cứ nghẹn ngào đau xót, nước mắt tuôn trào. Khóc bác đạo diễn Khương Mễ tôi như khóc một người cha - một người thầy!
Bình luận (0)