Thành kính:Tôi không có ý định sùng bái ông như “Vua Phật”, tôi chỉ nhớ lại những tháng năm mà chúng tôi từng sống, từng biết, từng cảm nhận về một con người Nam Bộ đã sẻ chia tình nghĩa cho miền Bắc, cho con người đất Bắc trong 20 năm tập kết, và dưới bom đạn chiến tranh. Tôi mãi mong lúc nào ông cũng vẫn là bác Ba của tôi. Xin thành kính dâng một nén hương viếng hương hồn ông đang phiêu diêu sau 49 ngày, thanh thản nhập về cõi Niết Bàn.
Như là tiền định, tháng 8-2002, lúc đi công tác ở Sóc Trăng, tôi tranh thủ đi Rạch Giá thăm bác tôi - “Phật sống” Lưu Công Danh, vì đã 11 năm qua tôi chưa gặp lại. Có linh cảm đây là lần gặp cuối cùng.
Khi gặp gỡ, ai cũng có cảm giác được diện kiến một con người huyền thoại, đầy sức thôi miên, ngưỡng mộ. Ông lúc đó đã hầu như không nói được nữa, đôi mắt sâu thẳm, lấp lánh tia nhìn khiến ai cũng bị thu hút và rúng động.
Bác tôi Lưu Công Danh
Cho phép tôi được gọi ông bằng bác, như ngày xưa tôi vẫn gọi, tuy không có quan hệ họ hàng ruột thịt. Chuyện cũng khá dài. Ngày ấy (khoảng 35 năm về trước, lúc tôi còn là một cậu bé Hà Nội 12 tuổi), khi mới được gặp ông, tôi như bị hút hồn vào những câu chuyện về miền Nam, về Nam Bộ đúng như những gì trong tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, mà ngày ấy chúng tôi mê mẩn, đặc biệt là những câu chuyện đi “thỉnh kinh” ở Tây Trúc, nửa hư nửa thực. Ông hay qua nhà tôi chơi từ năm 1968 lúc mới nghỉ hưu. Như một sự tình cờ, ông cảm thấy ở nhà tôi như ở gia đình, mặc dù lúc nào ông cũng khắc khoải nhớ Nam Bộ khôn nguôi. Ông nhận bố mẹ tôi làm em kết nghĩa, và chúng tôi là cháu. Cả nhà tôi đều yêu quý ông, gọi là bác Ba. Chúng tôi đi sơ tán ở Xuân La, Từ Liêm - Hà Nội vì máy bay Mỹ ném bom dữ quá (1966-1972), sau đó ông cũng về ở cùng chúng tôi từ 1973-1975. Ngày ấy ông giúp chúng tôi tu sửa ngôi nhà gạch mộc, tranh tre nứa lá, nơi 6 anh, chị, em chúng tôi ở, giữa khu vườn rộng trồng toàn chuối. Chỉ trong 4 - 5 ngày, ông một mình với cái xẻng to, lưỡi sắc, cán dài, đã đào xong cái ao trong vườn. Chúng tôi nuôi cá rô phi và thả rau muống, nuôi vịt. Lúc ấy ông đã ở tuổi “cổ lai hy”, song cực khỏe, thân hình như một lực sĩ. Ông thường chở tôi trên chiếc xe đạp có khung bằng “đuya-ra” từ thời Pháp sang bãi bồi sông Hồng bắt cóc về làm thịt ăn.
Thật là kỳ lạ, ngày ấy mấy ai biết thịt cóc ngon và bổ dưỡng đến như thế nào. Chúng tôi đều bị suy dinh dưỡng cũng như bao trẻ em trong thôn vậy. Thế mà nhờ món cháo thịt cóc bằm nấu đậu xanh hoặc nấu mì cán (bột mì ăn độn hàng tháng chúng tôi tự cán thành sợi), và nhất là món bánh xèo đặc phong vị Nam Bộ với lá bằng lăng non, chúng tôi đã có da có thịt hẳn lên. Tôi xác nhận gan cóc (bỏ mật đi) và mỡ cóc ăn rất ngon. Bây giờ tôi vẫn làm thịt cóc nhanh như ảo thuật. Trẻ con trong làng cũng vậy, có mấy đứa bị hen suyễn ông chữa bằng nhựa chuối thật mát tay. Khỏi hẳn, hoa trái trong vườn bà con đem đến biếu tạ ơn ông quá nhiều, lũ trẻ chúng tôi chén thoải mái. Có nhiều bí quyết trong phép dinh dưỡng và dược dưỡng, chữa bệnh của ông cho đến giờ tôi vẫn không hiểu nổi, vì không có duyên phận học ông, mặc dù ông thường nói khi về Nam ông sẽ xin cha mẹ tôi cho tôi được về theo để ông truyền nghề (nghề thuốc và nghề võ nữa, bởi ông rất giỏi võ). Qua ông, tôi mới học được thói quen tắm nước lạnh buổi sáng và ăn rau diếp cá như ông. Đôi khi ông cũng kể chuyện đã được gặp và tháp tùng Bác Hồ, chuyện ông thời kháng chiến chống Pháp, thời tiễu phỉ ở Hà Giang...
Cứu chữa bệnh cho hàng ngàn người
Tôi có may mắn là ở với ông, cho nên cũng được gặp nhiều người con Nam Bộ nổi tiếng. Tôi nhớ đã được gặp bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng và tiến sĩ nông học Lương Định Của (năm 1974, ngay sau khi tôi đỗ thủ khoa Khoa Sinh học Đại học (ĐH) Tổng hợp Hà Nội). Lúc ấy tôi còn nhớ, khi đang cuốc đất, bác Của hỏi tôi đỗ khoa sinh thì chắc là thích trồng cây lắm phải không, bác cho tôi chừng 20 hạt dưa mới lai tạo được để gieo trồng thử. Hình như chỉ mấy tháng sau tôi nghe tin bác Của mất. Khi vào ĐH tôi mới hiểu ít nhiều về người anh hùng - nhà khoa học nổi tiếng ấy. Các vị ấy đến với bác Ba như tìm một chút chất Nam Bộ qua ly rượu trắng khá hiếm hoi ngày ấy, món canh chua, cá ướp muối sả chiên, ba ba câu ở sông Hồng... những kỷ niệm một thời trai tráng ngang tàng, cách mạng và nhất là những bài thuốc trị liệu độc đáo. Tôi biết rằng ông đã cứu chữa cho hàng ngàn người, chủ yếu là dân lao động nghèo. Kể cả những bệnh rất khó. Tôi còn nhớ khoảng 1974-1975, có cặp vợ chồng từ miền núi xa xôi đưa đứa con gái nhỏ 8 tuổi về Hà Nội chữa lao xương, mãi không thuyên giảm, nghe có người mách, liền tìm đến ông. Sau chừng 20 - 30 thang thuốc nam, thật đáng ngạc nhiên đoạn xương hư từ từ tụt ra khỏi lỗ mụn rò, kiểm tra X-quang thấy xương mới đã phát triển hoàn toàn bình thường (ngày ấy ông còn giữ đoạn xương hư trong bao ni-lông). Một năm bệnh nhân khỏi hẳn, trong thời gian đó ông nuôi cả gia đình anh chị ấy, cũng không lấy tiền thuốc.
Một bậc lão thành cách mạng và độ lượng
Sau giải phóng miền Nam, bác Ba về quê ngay. Khi tốt nghiệp ĐH, tôi nhận quyết định về công tác tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, những mong có nhiều dịp gặp bác Ba, và cũng vì mê say đất phương Nam từ ngày còn niên thiếu. Tôi vào đến Sài Gòn đầu tháng 4-1979, khoảng mươi hôm sau nhờ anh bạn chở ra Bến xe Miền Tây mua vé đi Rạch Giá, và tôi ở nhà bác Ba khoảng tuần lễ, rồi mới về Đà Lạt công tác. Dịp ấy bác Ba cho tôi ăn đủ món ngon đặc sản Nam Bộ, dẫn tôi đi chào giới thiệu khắp bà con, nhiều người nghĩ rằng tôi là con ông có thêm ở ngoài Bắc, tôi cười cười, còn ông thì nói: “Thằng con Hà Nội của tui đó, tui cho nó học xong ĐH rồi mới về Nam...”. Buổi tối dẫn tôi đi trong thị xã Rạch Giá mà ông còn cẩn thận lận cả súng lục trong người!
Từ những năm 80 đến 90 lại bị ngăn sông cấm chợ hết sức khó khăn, tôi được đi nước ngoài học tập, không có dịp thăm bác Ba. Cho đến năm 1991 tôi mới tranh thủ về Rạch Giá, thăm hỏi và biếu ông mấy món quà của bố mẹ tôi gửi vào. Khi ấy bác Ba vẫn rất tráng kiện, đi bộ và đi xe đạp đều khỏe, nói chuyện rất minh mẫn, đưa cho tôi mấy thang thuốc gửi chữa bệnh cho bố mẹ tôi.
Rồi cuốn theo công việc và gia đình, từ năm 1991 không có dịp nào đi Rạch Giá cho đến năm ngoái. Thỉnh thoảng tôi đọc được mấy bài trên báo nói về ông như một bậc lão thành cách mạng, độ lượng, chữa bệnh bằng những phương thuốc dân gian, và trùm lên là huyền thoại về một bậc “Phật sống” ở Việt Nam.
Ra đi ở tuổi 103
Dịp thăm ông vào tháng 8-2002 đượm buồn. Ông chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt lấp lóa, rất lâu sau ông mới hỏi (giọng đã quá yếu, rất khó nghe): “Thằng Dũng đi bộ đội về rồi phải không? Con Hà làm ăn có khá không?”. Tôi sững sờ vì nghe ông đột nhiên hỏi về em trai và em gái tôi (nhất là ông nhớ em trai tôi đi bộ đội từ năm 1974). Tôi không thể tin ông còn nhớ được như thế khi mà đã 102 tuổi rồi, khi mà đã gần 30 năm ông không có dịp gặp các em tôi. Điều đó có nghĩa là ông vẫn cảm nhận và ý thức được rất chu toàn. Thực vậy, ông còn hỏi tôi: “Đã vào Đảng chưa?”. Tôi và mấy anh em cùng đi thật sửng sốt. Tôi thưa lại đầy đủ mà vẫn còn kinh ngạc vì sự minh mẫn của ông.
Có mấy anh chị cùng cơ quan tôi nghe và đọc báo, rất muốn được có dịp thăm ông, cầu phúc Phật, đã cùng chúng tôi lên kế hoạch đi Rạch Giá vào tháng 6 này. Nào ngờ, ngày 31-5 vừa qua, ông đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, thọ 103 tuổi. Ai cũng sững sờ...
Bình luận (0)