Đầu tháng 12 vừa rồi, người Trung Quốc (TQ) mới biết chiến công thầm lặng của ông Đặng Phổ Phương, con trai ông Đặng Tiểu Bình, khi Liên Hiệp Quốc (LHQ) công bố quyết định trao tặng ông giải thưởng LHQ về bảo vệ nhân quyền. Bản thân ông Phổ Phương cũng hết sức ngạc nhiên khi nhận được thư của LHQ báo tin vui này. Sự kiện quan trọng này đến thật có ý nghĩa khi gia đình ông Phổ Phương chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông Đặng Tiểu Bình vào năm 2004.
Nạn nhân của cách mạng văn hóa.- Ông Đặng Phổ Phương năm nay 59 tuổi cũng là người tàn tật, phải gắn bó với chiếc xe lăn từ 35 năm nay. Cũng như cha, ông là nạn nhân của cuộc cách mạng văn hóa trong những năm 60 của thế kỷ trước.
Năm 24 tuổi, ông Phổ Phương đã bị Hồng vệ binh hành hạ què cả đôi chân.
Từ số phận cay đắng của mình, ông Phổ Phương tình nguyện dốc sức cứu giúp những người tật nguyền cùng cảnh ngộ. Hiện nay ông là Giám đốc Quỹ Vì người khuyết tật TQ (CDPF) đặt trụ sở tại Bắc Kinh. Khi trao tặng giải thưởng, đại diện LHQ ca ngợi ông Đặng Phổ Phương “đã có nhiều năm tháng cố gắng không mệt mỏi thúc đẩy quyền con người của những người tật nguyền ở TQ thông qua luật pháp và các chương trình hành động từ thiện”.
Ông Đặng Phổ Phương đón nhận niềm vinh dự một cách khiêm tốn. Ông nói: “Về việc bảo vệ quyền của người khuyết tật, tôi muốn dùng từ nhân đạo hơn là từ nhân quyền. Chủ nghĩa nhân đạo thể hiện tình yêu thương con người. Nếu chúng ta mở rộng chủ nghĩa nhân đạo tới các lĩnh vực chính trị và luật pháp tức là thể hiện nhân quyền”. Ông còn nói phần thưởng LHQ trao cho ông cũng là sự thừa nhận nhân dân TQ đã có đóng góp trong lĩnh vực nhân quyền.
Tàn nhưng không phế: Trở thành người tàn tật trong một giai đoạn đầy bi kịch của Trung Quốc, ông Đặng Phổ Phương cố gắng không mệt mỏi, vượt qua mọi khó khăn để cải thiện đời sống người khuyết tật Trung Quốc
Thầm lặng, hữu ích.- Công lao của ông Đặng Phổ Phương thật không nhỏ. Từ những năm 80, ông đã đề xướng thành lập hàng loạt trung tâm phục hồi chức năng và lập một quỹ đặc biệt cứu trợ 60 triệu người khuyết tật ở TQ. Năm 1988, ông thành lập Quỹ Vì người khuyết tật TQ. Ông tích cực vận động TQ thông qua sắc luật đầu tiên bảo vệ và thúc đẩy các quyền công dân của người khuyết tật. Bắt đầu có hiệu lực từ năm 1994, luật này bảo đảm các quyền được học hành, làm việc, được khám và chữa bệnh của người khuyết tật và khuyến khích họ hòa nhập với cộng đồng và xã hội.
Kể từ năm 1983 đến nay, hơn 8,8 triệu người khuyết tật ở TQ đã được hưởng các dịch vụ phục hồi chức năng, tỉ lệ con em người khuyết tật được đi học từ 5% tăng lên 74%. Số trường đặc biệt dành cho người khuyết tật từ 500 tăng lên 1.600 trường.
Được hỏi về ảnh hưởng của cha đối với công việc của ông, ông Đặng Phổ Phương nói: “Tất nhiên, nhân thân của tôi đã giúp ích rất nhiều. Nếu không có nguồn gốc gia đình như tôi, làm sao chúng tôi có thể làm được nhiều việc như thế trong một thời gian ngắn?”.
Tuy nhiên, ông Phổ Phương đã cố thoát khỏi cái bóng của người cha, một mình lặng lẽ làm mọi việc thiện. Giờ đây ông cảm thấy hơi tiếc, như ông nói, nếu như khi còn sống ông Đặng Tiểu Bình (mất năm 1997) lên tiếng bảo vệ quyền lợi người khuyết tật thì vấn đề được giải quyết thuận lợi hơn nhiều. Ông nói: “Nếu được yêu cầu, chắc chắn cha tôi đã giúp giải quyết được nhiều việc”.
Ông Đặng Phổ Phương không muốn nhắc lại quá khứ bi thảm của cha và của cả ông nữa trong những năm cách mạng văn hóa đầy tai họa do sự lộng hành của đám Hồng vệ binh quá khích. Chính chúng đã làm ông bị tàn phế từ 35 năm qua khi ông 24 tuổi. Ông nói: “Người ta phải đối diện với nỗi bất hạnh và phải chấp nhận nó, phải phấn đấu vượt lên số phận chứ không thể cam chịu. Không thể để mất niềm hy vọng”.
Ông Đặng Phổ Phương thừa nhận tình hình chung của người khuyết tật ở TQ vẫn chưa đáng hài lòng. “Bởi vì vẫn còn nhiều việc chưa làm hơn những việc đã làm. Những người tật nguyền vẫn chưa được hưởng nhiều quyền mà họ đáng được hưởng”. Ông dẫn chứng trong số 60 triệu người khuyết tật, có 6 triệu người vẫn chưa đủ cơm ăn áo mặc. Ít nhất có khoảng 10 triệu người vẫn phải sống trong cảnh nghèo đói. Ông nói: “Chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn về những vấn đề thủ tục. Trong khi tỉ lệ người thất nghiệp đang tăng lên thì người khuyết tật tìm được việc làm quả là không dễ. Hơn nữa, có nhiều việc làm người ta không muốn dành cho người khuyết tật”.
Đồng cảm và trách nhiệm.- Về phần mình, Quỹ Vì người khuyết tật của ông Đặng Phổ Phương đã cho người khuyết tật vay vốn 800 triệu nhân dân tệ mỗi năm (1.472 tỉ đồng VN) để làm ăn kiếm sống. Quỹ này đang vận động Chính phủ TQ áp dụng những chính sách ưu đãi đối với người khuyết tật và trích thêm nhiều kinh phí hơn nữa trong ngân sách hằng năm trợ giúp các hoạt động từ thiện. Ông kể một câu chuyện cảm động: Khi một trung tâm phục hồi chức năng đang được xây dựng, có một người khuyết tật nói với ông: “Tôi hy vọng được nhìn thấy trung tâm xây dựng xong trước khi tôi chết”. Ông Đặng Phổ Phương nói: “Đối với tôi, ước nguyện đó của người khuyết tật thúc giục chúng ta phải gắng hết sức mình làm tròn bổn phận cứu giúp họ”.
Bình luận (0)