icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dạ Ngân: “Không làm được thì đừng cố!”

(Thể thao & Văn hóa)

Chị đại diện cho một thế hệ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, "tình duyên lận đận, học hành dở dang”, vốn đọc không nhiều, ngoại ngữ lõm bõm.

Một người đàn bà gần 30 tuổi, đã có chồng và hai con, cuộc hôn nhân được chiến tranh thu xếp. Thế rồi thiếu phụ miền Tây gặp chàng lãng tử xứ Trung gần 50, đã có vợ và ba con. Thế rồi mối tình định mệnh" Nam – Bắc kéo dài suốt 11 năm trời. Hơn 40, người đàn bà ấy mới được sống cho mình. Tất tả ra Hà Nội, tất tả học hành và tất tả viết lách.

Văn chương của chị "lành lành", không gây sốc, không dữ dằn, không bạo liệt. Có lẽ vì thế mà cái tên Dạ Ngân cũng bị "lép" đi... Nhưng rốt cuộc, đâu lại vào đấy... Tiểu thuyết tự truyện Gia đình bé mọn của chị vừa được nhận giải thưởng (với số phiếu tuyệt đối) của Hội Nhà văn Hà Nội.

. Đọc Gia đình bé mọn, không thể không liên tưởng đến cuộc đời chị. Đấy cũng là một hạn chế khi nhà văn cứ phải tự "ăn" mình?

- Mỗi người có một tạng viết. Cái tạng của tôi chỉ là viết những gì đã đi qua cuộc đời mình, những gì đã quen thuộc với mình. Tôi nghĩ Gia đình bé mọn được dư luận chú ý vì tôi tiểu thuyết hóa thành công, chứ tôi thì đã nổi tiếng gì để đáng được tò mò như thế.

* Tôi thấy ở xã hội mình, không khí văn chương mình rất ưu ái nữ. Nhưng dường như các nhà văn nữ có cống hiến, đóng góp đến đâu thì lại chẳng có công trình nào, nhà phê bình nào nhìn nhận nghiêm túc mà chỉ thấy các bài điểm sách tán dương nhau...

- Đúng là tác giả nữ của mình còn thua xa các tác giả nữ trên thế giới. Đọc Vệ Tuệ mà xem, cô ấy còn rất trẻ, vậy mà viết về những khát vọng của chính mình, rất ghê gớm và đầy ám ảnh. Hơn nữa, văn chương lâu nay viết về phụ nữ phần nhiều đều không đúng, vì đều bỏ qua những khát vọng thầm kín về bản thân người phụ nữ. Trong Gia đình bé mọn có khát vọng sống, cả những khát vọng về tình dục. Tôi nghĩ, đó cũng là một nhu cầu bản năng. Vậy tại sao chúng ta lại không viết ra những điều đó thay vì thụ động và nhường nhịn như trước?

Riêng về giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, tôi nghĩ người ta muốn tôn vinh lao động tiểu thuyết, dù cuốn của tôi và Nguyễn Thế Hoàng Linh không phải là toàn bích. Có lẽ họ đồng thuận ở khuynh hướng của giải thì nhiều hơn.

. Nhưng tiểu thuyết của chị vẫn thuộc dòng hiện thực, dễ đọc, hơi mỏng mảnh - không chỉ ở số trang, số chữ...

- Đó là những trang viết gan ruột của một người từng trải, tái hiện một giai đoạn của những thân phận. Tôi cũng không định làm mới. Tuổi tôi bây giờ mọi thứ đã định hình rồi. Tôi không chạy theo các trào lưu nữa. Làm mới thi pháp tiểu thuyết là điều cực khó, đòi hỏi tài năng lớn, đẳng cấp văn hóa cao và cái nền triết học như thế nào đó nữa. Mình tự lượng sức mình. Cái gì không làm được thì đừng cố quá. Một tiểu thuyết gia phải đồng thời là một nhà xã hội học, một triết gia, tôi tâm niệm vậy thì có quá cẩn trọng không? Đọc các nhà văn trẻ, tôi ganh tị với họ. Thế hệ tôi không xuất hiện sớm như thế. Họ được học tới nơi tới chốn, họ được độc lập suy nghĩ, họ "nổi loạn" mà không bị ném đá như tôi...

Hơn nữa, tôi chỉ được đi Trại viết có 20 ngày. Mỗi ngày 1 chương! Vì không có thời gian. Nếu viết 30 chương thì chắc là không thể hoàn thành được. Bận rộn trăm thứ. Mà mỗi khi viết tôi phải "chay tịnh" thật sự, chay tịnh các mối quan hệ, chay tịnh trong ăn uống, chay tịnh cả với ông xã... Vả lại, tạng của tôi là rất “khảnh" viết.

. Vì thế mà chị không "nổi đình, nổi đám " cho lắm ?

- Tùy các nhà phê bình thôi. Mỗi sự xuất hiện đều phải có may mắn đi kèm. Có lẽ người ta không biết xếp tôi vào lớp nào (cười). Không thể xếp trước năm 1975, vì lúc đó tôi chưa viết. Đến năm 1985 tôi có Con chó và vụ ly hôn. Nhưng sau đó, năm 1987, Phạm Thị Hoài xuất hiện. Thế là người ta chỉ nhắc đến Phạm Thị Hoài. Thập kỷ 1990 xuất hiện Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ. Mỗi thập niên có một lớp tác giả. Nhưng tôi nghĩ văn chương phải là cuộc chạy marathon, đường dài mới biết được sức ngựa.

Bây giờ vốn sống của tôi quá đầy. Nhưng còn 2 năm nữa tôi mới về hưu. Con người công sở chưa xong thì chưa thể thong dong được. Bây giờ vợ chồng tôi cũng không có ngày thứ bảy, chủ nhật. Hai ngày ấy vợ chồng lại ngồi úp mặt vào tường để viết báo kiếm tiền. Mua một căn hộ chung cư cũ ở Sài Gòn để đi Nam về Bắc mà vẫn có thể tự do làm việc. Bao giờ cũng là những gánh nặng cơm áo gạo tiền vì cái thời hậu chiến vẫn chưa qua, như tôi đã viết.

Chị nói rằng, khi người đàn bà làm lại cuộc đời thì phía sau là sự đổ sập, một người đàn bà dù gan góc đến mấy thì vẫn rầu rầu và đơn thương độc mã, một người đàn bà dù khát khao hạnh phúc đến mấy thì cái hạnh phúc ấy cũng bé mọn và ngay bản thân mình cũng bé mọn trước cuộc đời...

- Đúng vậy, thân phận của mỗi con người rất nhỏ bé. Tôi luôn cảm thấy mình nhỏ bé đến bất lực. Bé mọn như thế mà tìm một sự yên ổn trong cuộc đời cũng trần ai, chẳng dễ dàng gì. Càng sống lâu càng thấy cuộc sống có quá nhiều ràng buộc, nhiều giả dối, nệ cổ, nhiều hà khắc. Còn tình yêu? Nó không lãng mạn lắm đâu mà hết sức trần trụi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo