Một lần đến thăm khu du lịch sinh thái Thuận Tình ở Hội An, tôi bị mê hoặc bởi chiếc bàn gỗ tự xoay đặt tại đây. Không cần động cơ, chỉ cần vài ba người chân trần, đứng xung quanh và đặt sấp bàn tay lên mặt bàn gỗ là chiếc bàn chuyển động theo chiều ngược kim đồng hồ. Hễ tất cả cùng ngửa tay thì chiếc bàn chuyển động theo chiều ngược lại. Khi đồng thanh hô “đứng” hoặc “chạy” thì chiếc bàn cũng tuân theo mệnh lệnh... Chưa có cá nhân, tổ chức nào lý giải được sự ma thuật ấy. Chúng tôi về làng mộc Văn Hà - chiếc nôi của những chiếc bàn xoay kỳ diệu đang lưu lạc khắp nơi - để mong tìm một lời lý giải...
Báu vật của làng...
Cách đây chừng 15 năm, chiếc bàn gỗ tự xoay đầu tiên được phát hiện ở huyện Tiên Phước, giới buôn đồ cổ xác định nó được làm ra bởi bàn tay của những nghệ nhân làng mộc Văn Hà, thế là ra sức săn lùng. Sau đó, chiếc bàn này đã thuộc về một đại gia chơi đồ cổ trong tỉnh. Đầu năm nay, dư luận tung tin về một chiếc bàn xoay khác tại nhà ông Huỳnh Tuyên ở thôn 8, xã Tam Thành, người người kéo về với nhiều mục đích khác nhau khiến chủ nhân của nó phải mang chiếc bàn đi... giấu biệt! Ý thức được giá trị của chiếc bàn, những người săn tìm trả bao nhiêu chủ nhân của nó vẫn không bán. Trong vai những người mua đồ cổ với cái giá ban đầu được đưa ra khá hấp dẫn, chúng tôi nhanh chóng được tận mục sở thị chiếc bàn tại nhà ông Huỳnh Tuyên. Giống như anh em song sinh với chiếc bàn xoay tại khu du lịch Thuận Tình, chiếc bàn của ông Tuyên còn kỳ diệu hơn vì nghe được cả... tiếng nước ngoài! Chẳng hạn, khi chiếc bàn đang chạy, tất cả cùng hô “stop” (dừng) thì bàn đứng lại ngay, hoặc hô “start” (bắt đầu) thì bàn rậm rịch chuyển động, kêu lên ken két. Khi tháo mặt bàn ra để xuống đất, 4 người cùng đặt tay lên thì bàn cũng chạy dù có chậm hơn. Chiếc bàn này được đánh giá là bàn xoay tự chạy nhạy nhất do thợ mộc Văn Hà làm ra cách đây hàng trăm năm. Chủ nhân chiếc bàn còn cho biết thêm một điều kỳ bí: Chiếc bàn chỉ chạy khi những người đặt tay lên nó là những người “nhẹ vía”, còn “nặng vía” như ông M. ở xóm dưới, khi đứng chung vào, dù có la làng chiếc bàn cũng “đứng... như Từ Hải”!
Ngoài chiếc bàn mà ông Huỳnh Tuyên đang sở hữu, Văn Hà còn có 3 chiếc bàn khác, trở thành báu vật của làng. Chiếc thứ nhất của bà Huỳnh Thị Đãi, ở thôn 5, vừa bán cho một doanh nghiệp ở Tam Kỳ. Chiếc thứ hai thuộc về ông Nguyễn Toàn, dù còn chạy rất ì ạch nhưng vẫn “có giá”. Chiếc thứ ba của một người dân làng Văn Hà cũng đã được một doanh nhân đưa lên vùng cao nguyên Lâm Đồng phục vụ cho du khách. Người làng Văn Hà dù tiếc nuối những sản vật quý báu của tiền nhân để lại, nhưng nghèo quá, không thể để mãi trong nhà làm... cảnh, nên hễ có cơ hội là bán ngay để đỡ đần cuộc sống nông nghiệp vất vả...
Nghệ nhân cuối cùng...
Chưa có một sự lý giải thuyết phục nào từ giới khoa học đối với những chiếc bàn gỗ tự xoay. Qua tìm hiểu của chúng tôi từ Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản – Di tích Quảng
Chiếc bàn gỗ tự xoay tại nhà ông Huỳnh Tuyên. Ảnh: T.D
Gia phả họ Đinh ở Văn Hà cùng tấm sắc phong của triều đình cho nghệ nhân làng này giúp chúng tôi khẳng định một điều: Truyền nhân đời thứ 5 của thợ mộc Văn Hà – ông Đinh Thẩm - chính là “tác giả” cuối cùng của những chiếc bàn xoay kỳ diệu. Cách lý giải rất nông dân của ông, rằng là “có một thứ cấu khí âm dương nào đó giữa mặt bàn (bằng gỗ mít) và bàn tay con người sinh ra nhiệt, tới một mức độ nhất định sẽ tạo chuyển động quanh trục bàn...” dẫu còn mơ hồ, nhưng tạm chấp nhận vì hiện chưa có lời giải thích nào khác. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi còn rỉ tai ông Thẩm: “Tôi đặt bác đóng cho một cái bàn tự xoay y chang như thế, bác có làm được không?”. Người chạm trổ nổi danh đất Văn Hà cười khà khà, nói chắc như đinh đóng cột: “Được chứ sao không! Hồi trẻ, tôi đã từng đóng 5 – 7 cái rồi, nay làm lại chắc chắn được”. Ông Thẩm dặn anh bạn tôi tìm cho ra những đoạn gỗ mít già, hoặc gỗ mít cũ, càng cũ càng tốt. Và ông Thẩm cũng không quên dặn dò những điều “thần bí”: “Chú thấy đó, không phải ai để tay lên bàn là bàn cũng xoay. Lỡ như chú... “nặng vía”, bàn không xoay được thì đừng trách tôi không thiệt cái bụng. Chú là người đầu tiên có ý tưởng này. Đương nhiên, không phải ai đặt bàn tôi cũng đóng”. Chúng tôi rời làng mộc với hy vọng rằng ông Đinh Thẩm sẽ làm ra được một chiếc bàn xoay kỳ bí cuối cùng - sản vật lưu giữ nét tinh hoa của một làng mộc có truyền thống hơn 200 năm nay đã tàn lụi.
Bình luận (0)