Tính cho đến nay, sau bốn tuần công chiếu trên địa bàn phía Nam, bộ phim Khi đàn ông có bầu đã đạt doanh thu trên 10 tỉ đồng. Một con số vượt xa Gái nhảy trước kia trong cùng thời gian, đồng thời gợi nhớ về bộ phim truyện nhựa Em và Mai-cồ (Michael) cách đây 10 năm, cũng đã đạt doanh thu cao nhất ngành chiếu bóng năm 1994. Ít ai ngờ, người chủ sản xuất của hai bộ phim trên từng là một học sinh nghèo, ngồi ở góc phố vá xe đạp kiếm tiền ăn học chỉ với ước muốn được làm nghệ thuật. Đó là nghệ sĩ hài Phước Sang mà chức danh đầy đủ hiện nay là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư giải trí Phước Sang. Anh đang sở hữu ba sân khấu kịch, một trung tâm giải trí văn hóa Quốc Thanh, một hãng phim và một nhà hàng tiệc cưới Nhân Đôi...
Bầu sô nhỏ tuổi nhất.- Vốn là thành viên nòng cốt của phong trào văn nghệ Trường Mạc Đĩnh Chi, từng diễn kịch câm, kịch hài trong đội kịch Nhà Văn hóa quận 6 nên năm 15 tuổi, Phước Sang dễ dàng đậu thủ khoa vào lớp diễn viên khóa 9 Trường Nghệ thuật Sân khấu 2. Gia đình nghèo lại đông anh em, để có tiền trang trải việc học, ngay năm đầu tiên, Phước Sang đã rủ vài bạn đồng môn xa nhà, ngày ngày vừa đến lớp học cách thăng hoa các vai diễn trên sân khấu, vừa đội nắng, dầm mưa ngồi vá xe ở góc đường. (Nhờ chứng kiến cảnh này mà sau đó, đạo diễn Lê Xuân Hoàng đã mời Phước Sang và Hoàng Sơn vào vai sinh viên đi vá xe trong bộ phim Vị đắng tình yêu).
Học xong năm thứ hai, Phước Sang bèn nghĩ tại sao không lấy nghề nuôi nghề bằng cách tổ chức sô cho cả lớp diễn thêm ngoài giờ học. Vậy là, anh đi liên hệ khắp nơi, từ cơ quan, xí nghiệp, đến nông trường, ở TPHCM và các tỉnh lân cận, hễ đâu cần thì anh điều lớp tới. Đèo nhau cót két trên những chiếc xe đạp cà tàng, vậy mà họ đưa nhau đi khắp nơi. Cứ học được chút gì là “hành” luôn chút ấy. Có được tiểu phẩm bài tập nào là mang ra phục vụ ngay. Cứ thế, họ vừa có tiền ăn học, vừa có cơ hội thực tập tay nghề. Tiền kiếm được bỏ vào một quỹ chi tiêu chung, đến khi ra trường, chia đều số quỹ dư, mỗi người còn lận lưng khoảng bốn, năm chỉ vàng - một tài sản không nhỏ vào thời điểm đó. Cả lớp diễn viên khóa 9 ấy sau khi tốt nghiệp được phân công về Vĩnh Long. Nhưng Vĩnh Long không phải là đất kịch nên lớp thất nghiệp, đành tan đàn xẻ nghé. Một số quyết sống chết với nghề, cùng Phước Sang dội ngược về TP, xin vào đoàn kịch nào người ta cũng không nhận, bèn tự cứu lấy mình bằng cách xin làm cộng tác viên cho Nhà Văn hóa Thanh niên. Được giao cho một cái kho để tự kiếm sống, Phước Sang cùng bạn bè dọn dẹp, sửa sang thành một điểm diễn, mời một vài nhóm hài đàn anh, đàn chị về hợp tác. Riêng nhóm hài của lớp gồm toàn người trẻ mới ra trường, lấy tên Tuổi đôi mươi. Thử diễn vài lần thấy cũng có người đến xem, cả nhóm bèn ngồi lại chọn tên cho điểm diễn, lấy ngay địa chỉ của nhà kho, số 135 Hai Bà Trưng đặt thành Sân khấu hài 135 Hai Bà Trưng. Có nhóm rồi, có sân khấu riêng rồi, nhưng vì “chưa ai biết mình là ai” nên tiền diễn được chỉ đủ chia nhau củ khoai, trái bắp. Phải đến năm thứ ba, khi nhóm Tuổi đôi mươi có những tiểu phẩm đoạt giải nhất liên tục trong ba lần Liên hoan Sân khấu hài TP như Xích lô, Chuyện tầm ruồng, Những kẻ không có trái tim, Hội thi nói láo... thì Sân khấu 135 Hai Bà Trưng mới được công chúng chú ý, được xem như là một “trung tâm hài”, nơi giao dịch, phân phối các tiết mục hài cho nhiều điểm diễn ở TP và các tỉnh, thành, trở thành cái nôi cho hầu hết các học viên sân khấu mới ra trường thất nghiệp về thực tập. Là một người năng động, luôn đề xướng nhiều ý tưởng mới, nắm bắt nhanh hơi thở của thị trường, được bạn bè tin tưởng nên từ một “bầu sô” bất đắc dĩ năm 16 tuổi, Phước Sang trở thành một người quản lý, tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp lúc nào không hay.
Kẻ phiêu lưu tỉnh táo.- Khi Phước Sang nhận cái kho đầy bụi bặm mà Nhà Văn hóa Thanh niên TP giao cho như một nghĩa cử cứu trợ, không ai nghĩ có ngày anh làm ra được hàng trăm triệu đồng lợi nhuận, biến nơi bỏ hoang này thành một trung tâm hài kịch, sáng đèn suốt năm của TP. Nhìn vào Sân khấu 135 Hai Bà Trưng lúc ấy, có người cho rằng Phước Sang chẳng qua gặp may, nhằm lúc phong trào tấu hài đang lên nên đứng được. Nhưng khi hàng loạt chương trình “không giống ai” do anh tổ chức mà chương trình nào cũng thắng lớn thì người trong giới mới thật sự “tâm phục khẩu phục”. Tỉ như chương trình Tiếng hát danh hài được diễn ra liên tục tại các điểm: Nhà hát TP, rạp Thủ Đô, Nhà Văn hóa Thanh niên, rạp Hào Huê... Chỉ là việc làm khác đi một chút điều bình thường, lâu nay người ta vốn quen xem các danh hài diễn kịch, nay đến nghe họ hát. Mà điều đem lại sự thích thú cho công chúng là họ hát không tệ. Bởi không ít trong số họ vốn là dân cải lương, có người từng sinh hoạt trong đội ca thời thiếu nhi, có người từng vào đến chung kết các cuộc thi hát địa phương. Vậy nên chương trình kéo dài suốt cả tháng vẫn chưa hết khách. Rồi đến Nước mắt danh hài tại Nhà hát Hòa Bình, mời người ta đến xem các danh hài diễn bi kịch. Điều “trái khoáy” này cũng thu hút khán giả suốt nhiều tuần liền. Trong khi hầu hết các đoàn kịch ở TP phải giải tán vì không sống nổi thì mỗi năm đều đặn vào hai dịp hè và Tết, những vở kịch hoành tráng do Phước Sang hợp tác với Nhà hát Hòa Bình tổ chức đều luôn được công chúng hưởng ứng như Chuyến tàu hoàng hôn, Lò heo quay, Anh sui chị sui, Thương đâu gả đó... Rồi khi sân khấu có chủ trương xã hội hóa, Phước Sang đã lại thành công khi biến những rạp chiếu bóng sống dở chết dở như Vinh Quang, Nam Quang hoặc chết hẳn như Quốc Thanh thành những điểm diễn, điểm hoạt động văn hóa đông vui, lành mạnh.
Ở lĩnh vực điện ảnh, tuy là người bước lên toa tàu cuối trong số những nhà sản xuất tư nhân song lại là người thành công nhất khi chưa có một phim nào bị lỗ vốn trong số hơn 20 phim truyện vidéo, chưa kể sự thành công vượt bậc về doanh thu của hai bộ phim truyện nhựa Em và Michael và Khi đàn ông có bầu như đã nói ở trên. Và anh cũng là nhà sản xuất phim tư nhân duy nhất còn lại của thời phim mệnh danh “mì ăn liền” có đủ quyết tâm và tài lực bỏ vốn làm phim sau khi cầm được giấy phép thành lập hãng phim của riêng mình. Khi dốc tiền của vào đầu tư những chương trình sân khấu không giống ai cũng như khi bỏ vốn đầu tư phim ảnh, Phước Sang đã làm không ít bạn bè ngày xưa phải đứng tim vì sự phiêu lưu, lắm khi liều lĩnh. Nhưng rồi, thành công tiếp nối thành công, người cho rằng anh có cái duyên làm ăn, kẻ lại nghĩ anh có số may mắn. Còn anh, anh biết mình là một kẻ phiêu lưu tỉnh táo.
Chữ “trinh” còn một chút này.- Cũng như bạn bè đồng môn, khi bước chân vào trường nghệ thuật, Phước Sang luôn mơ ước một ngày nào đó mình sẽ có được những vai diễn hay, để đời, được công chúng yêu thích. Nhưng ước mơ chính đáng đó đã bị hụt hẫng khi ra trường gặp lúc sân khấu bị khủng hoảng, đến “nghệ sĩ lớn còn thất nghiệp huống chi học viên mới ra trường”. Nhưng đã lỡ học không muốn làm nghề khác nên anh tâm đắc câu “có thực mới vực được đạo”: “Tôi muốn vừa kinh doanh vừa làm nghệ thuật, cái này hỗ trợ cái kia. Trong tôi, máu nghệ thuật mạnh hơn máu kinh doanh. Nếu chỉ muốn làm ăn lớn, tôi đã bỏ nghệ thuật từ lâu”. Thế nên mặc dù luôn bận rộn với công việc quản lý, Phước Sang thỉnh thoảng vẫn dành cho mình những khoảnh khắc được sung sướng với sáng tạo nghệ thuật. Không dám nhận vai dài, chỉ loáng thoáng để đỡ nhớ nghề, song gần đây, với hai vai Bùi Kiệm (Lục Vân Tiên) và A Coóng (Khi đàn ông có bầu), anh cũng đã để lại ấn tượng đẹp, sự duyên dáng khi hóa thân vào nhân vật.
Bí quyết thành công trong kinh doanh là gì? Phước Sang tiết lộ rằng đó là phải biết tìm ra cái mới. Những chương trình mang ý tưởng lạ, có sức hấp dẫn và xuất hiện đúng thời điểm luôn thu hút công chúng. Ngoài một số bạn bè “nối khố” thân thiết từ hồi lớp diễn viên khóa 9 và các học viên mới ra trường hằng năm anh cưu mang, Phước Sang luôn được nhiều nghệ sĩ hỗ trợ. Họ luôn sẵn sàng góp một tay khi anh cần. Họ đến với anh vì cái tình chứ không phải vì tiền. Vậy nên mới có chuyện một bộ phim quy tụ được cả 40 nghệ sĩ tên tuổi. Anh không nhận mình là “đại gia” mà chỉ là một người lao động bình thường. “Chừng nào ngồi một chỗ ăn không mới là đại gia, còn Phước Sang này phải làm việc không dưới 19 tiếng mỗi ngày”! Hằng ngày phải đọc hàng đống kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh, phải lên chiến dịch kinh doanh nhà hàng tiệc cưới, chiếu phim, diễn kịch... và hiện nay, trong khi bộ phim Khi đàn ông có bầu chuẩn bị tiến ra các tỉnh phía Bắc thì lịch quay hai bộ phim truyện nhựa Áo lụa Hà Đông và Đẻ mướn đã được anh lên kế hoạch, sẵn sàng cho đoàn phim lên đường vào tháng 3 và tháng 4 này. Vậy thì Phước Sang còn có gì buồn? Thừ người ra một hồi, anh xuống giọng: “Buồn vì số muộn màng, chưa vợ. Yêu ai cũng chân thành nhưng duyên số chưa đến!”.
. Dấu ấn: . Tốt nghiệp diễn viên Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (niên khóa 1984-1989). Thành lập Sân khấu hài 135 Hai Bà Trưng (1990), Sân khấu kịch Sài Gòn (1998), Công ty Cổ phần Đầu tư giải trí Phước Sang (2000), Sân khấu kịch Nam Quang (2002), Hãng phim Phước Sang (2002), Nhà hàng Nhân đôi (2004). Đã sản xuất hai phim truyện nhựa: Em và Michael (1994), Khi đàn ông có bầu (2004) và trên 20 phim truyện vidéo và nhiều phim vidéo ca nhạc, cải lương, hài... Một số vai diễn ấn tượng: Chàng trai đạp xích lô (tiểu phẩm hài Xích lô), Chu Bình (Lôi Vũ - kịch truyền hình), họa sĩ Nguyễn Vân (Bông cúc xanh trên đầm lầy - kịch truyền hình), A Coóng (Khi đàn ông có bầu - phim truyện nhựa), Bùi Kiệm (Lục Vân Tiên - phim truyền hình nhiều tập, Giải Mai Vàng 2004). |
Bình luận (0)