Bằng lối ngoa dụ, Ngọc Ánh kể lại: "Hồi còn trong nước, nhiều khi đi hát về mệt quá, tiền chỉ biết cột dây thun rồi quăng vô tủ, không có thời gian đếm. Cả tháng sau, mở tủ ra, phải 4 người đếm, đếm cả buổi mới hết". Rồi chị cười hề hề: "Chuyện khó tin phải không?".
Thật ra, chuyện cả tháng mới đếm tiền một lần là Ngọc Ánh đùa, nhưng chuyện chị chạy sô mệt nghỉ là hoàn toàn có thật. Điều làm nữ ca sĩ nhớ nhất trong sự nghiệp ca hát là có một năm 9h sáng mùng 1 Tết, chị bắt đầu ra khỏi nhà đi hát, đến giao thừa cuối năm đó, khi pháo đã nổ giòn giã ngoài đường, thân gái vẫn còn "dặm trường" từ tỉnh về thành phố. Chị đùa rằng mình đi hát đến 366 ngày.
Đó là vào thời làng ca nhạc Sài Gòn rất hiếm ca sĩ nhạc nhẹ, nếu có thì ít người đa phong cách như chị. Sau thế hệ của Bảo Yến, Nhã Phương, có thể nói, Ngọc Ánh là một trong những nữ ca sĩ thống lĩnh thị trường toàn quốc đình đám nhất thời gian từ năm 1990 đến 1999. Từ chương trình lớn đến hội nghị khách hàng, sân chơi cho sinh viên đến sân khấu chuyên nghiệp, từ sô thành phố đến sô tỉnh, từ Bắc chí Nam, Ngọc Ánh có mặt "trên từng cây số". "Đi hát, có hôm mua được mấy chỉ vàng (cát-xê cao nhất trong giới ca sĩ lúc bấy giờ), nhưng có hôm chẳng có đồng bạc nào, vui là chính", chị thú nhận.
Quen chạy sô tỉnh, Ngọc Ánh kinh nghiệm đến mức luôn chuẩn bị phương án hai cho những trường hợp không may xảy ra. Chị lái xe hơi, còn 2 người anh trai đi xe Dream kèm theo. "Đi đường tỉnh, xe hay cán phải đinh, lỡ xe hơi có bị xì lốp thì leo lên xe máy "phi" thẳng đến điểm diễn, không làm khán giả phải chờ, không mất uy tín với bầu sô", Ánh kể. "Đời đi hát, cả nghìn sô mỗi năm, không có manager, một mình làm hết, nhưng bảo đảm không bao giờ đi trễ một phút đó nghe!", chị khoe.
Thành công của ngôi sao này đầu tiên từ chất giọng thiên phú: dày, âm vực rộng. Chị hát rock, dance, lên cao, gào thét ra lửa, rồi điều chỉnh giọng cho mỏng, luyến láy ngọt ngào những khúc dân ca cũng trôi xuôi vào lòng khán giả. Nhiều bài hát sôi động đã gắn liền với tên chị như: Trị An âm vang mùa xuân, Nổi lửa lên em, Hổng dám đâu, No limit, Love is name of the game, Let's twist again...; có người nhớ ngay nhạc dân ca: Anh Ba Hưng, Chiếc áo bà ba, Chuyến đò quê hương, Cô vợ ăn hàng, Lý cây ổi, Lý ngựa ô, Lý quạ kêu... Những ai chứng kiến Ngọc Ánh từ ngày đầu đi hát còn biết cô ca sĩ hát rất nồng nàn: Mùa xuân bên cửa sổ, Hương thầm, Women in love... "Bài hát dở thì chê, nhưng thể loại thì không 'kỵ' bài nào cả. Mà hát nhạc nào ra nhạc đó đàng hoàng, không chơi 'ba rọi', nửa nạc nửa mỡ", chị nói.
Sự công nhận của giới chuyên môn dành cho Ngọc Ánh cũng "nạc ra nạc, mỡ ra mỡ", như cách mà chị hát. Từ ngày bắt đầu lên sân khấu hát chuyên nghiệp (20 tuổi), cuộc thi tầm tầm như "Đơn ca mùa xuân của Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo" hay "Tiếng hát sinh viên toàn quốc", đến tầm cỡ như "Giọng hát vàng Asian", tên Ngọc Ánh đều ở ngôi quán quân. Thi cuộc này chị hát rock, cuộc kia chị hát pop-ballad, có khi còn đi thi luôn nhạc dân ca. Hiện giờ tại nhà của Ngọc Ánh còn lưu hàng trăm bằng khen, trong đó, hơn 90% đều là giải nhất. "Đi hát oanh tạc, mà đi thi cũng oanh tạc gớm", Ánh còn nhớ nhận xét của một đồng nghiệp dành cho chị.
Hào quanh nghề hát của Ngọc Ánh trong nghề hát nhiều đến nỗi nhiều khi ngồi ngẫm lại chị tự hỏi: "Sao ông trời cho mình nhiều vậy trời?". Cứ đi đến đâu là khán giả rần rần đến đó. "Lâu lâu mà không về Mỹ Tho, Tiền Giang hay lên Đồng Nai, ra Hà Nội là thể nào cũng có người điện thoại nhắc", chị nhớ. Nhìn khả năng của Ngọc Ánh, NSND Quang Thọ từng nhận xét: "Giọng cô này hát 20 năm nữa cũng chưa tàn".
Đêm 15-4, tại phòng trà Không Tên, TP HCM, Ngọc Ánh sẽ trình diễn buổi cuối cùng trong lần về nước này. |
Sự nghiệp đang thẳng tiến như vậy, đùng một cái, tin Ngọc Ánh lấy chồng, xuất ngoại lan truyền trong giới, rồi đến khán giả. Mọi người còn ngơ ngác trước quyết định này, nhưng ít ai biết từ khi đi hát kiếm tiền nhiều, ở trên đỉnh danh vọng, nữ ca sĩ đã tự nhắc lòng mình: "Nếu không lấy chồng thì chừng nào lấy? Giờ không có con thì chừng nào có? Nếu lỡ không có con được thì sao? Cái gì cũng có cái giá của nó".
Chị chấp nhận bỏ vinh quang để sang Mỹ. Ở đây, tuy không còn những ngày chạy sô "điên loạn" như tại quê nhà, không còn danh vị "số một", nhưng bù lại, chị có hạnh phúc gia đình và đứa con gái đầu lòng hết mực yêu mến.
Giờ đây, trở lại Việt Nam sau gần 8 năm, chị vừa muốn vơi đi nỗi nhớ con vừa mong tìm lại những tháng ngày sôi động với nghề xưa kia.
Gặp Ngọc Ánh sau một chương trình ca nhạc phòng trà ở TP HCM, thấy mắt chị còn đỏ hoe. Khán giả đêm đó ai cũng thấy nữ ca sĩ hát nhạc tình máu lửa và nhập tâm thế nào, vừa hát vừa chẳng biết giấu nước mắt vào đâu, rồi lúng túng giải thích: "Hát vậy mới phê" trước hàng trăm người. Ít ai biết rằng còn có thêm một lý do nữa, để sau khi bước xuống sân khấu, chị "òa", vui như trẻ thơ: "Khán giả còn thương mình quá".
Ngày về của Ánh không lộng lẫy, rình rang trên mặt báo như những đồng nghiệp hải ngoại khác, nhưng khi chị bước lên sân khấu, khán giả vẫn gọi tên từng bài hát quen thuộc như cách đây 8 năm. Họ vẫn "hú", "hét" trong mỗi khúc phiêu đầy chất phong trần, quyến rũ của chị. Biết là không làm được, nhưng lần gặp lại khán giả nhà đầu tiên, nữ ca sĩ tuyên bố máu lửa: "vui tới sáng", như cái kiểu "chịu chơi" đã trở thành thương hiệu.
Bình luận (0)