Những ngày này, trong lúc mọi người đang vui vẻ hưởng thụ kỳ nghỉ lễ thì TS Nguyễn Hồng Bỉnh lại đang tất bật kiểm tra công trình và hoàn tất thủ tục hồ sơ để chuẩn bị cho đợt nghiệm thu dự án “Công nghệ cải tạo đất, cát mặn, nước mặn tạo thành cốt liệu cho vữa và bê tông” vào ngày 12-5.
Nghiên cứu bằng tiền hưu trí
Tuy nhiên, để có được thành quả nghiên cứu như hôm nay, TS Bỉnh và cộng sự đã phải trải qua thời gian dài nghiên cứu trong điều kiện thiếu thốn kinh phí và sự không tin tưởng của mọi người. Khoảng cuối năm 1999, TS Nguyễn Hồng Bỉnh đã gõ cửa nhiều nơi để xin đăng ký đề tài làm vữa bê tông từ cát, nước biển. Và ông bị các nơi từ chối vì lý do... chưa ai nghiên cứu và không có tính khả thi! Không xin được kinh phí, nhóm của ông đã tự bỏ tiền túi để nghiên cứu. Nhớ lại khoảng thời gian đó, ông cho biết, mỗi người đã tự động đóng góp số tiền lương hưu ít ỏi của mình để cùng nghiên cứu đề tài.
Tiền ít, nên mọi thứ đều phải tính toán chi li. Từ cất công đi lấy đất cát, nước biển đến xin hóa chất ở một số bạn bè. Nguyên liệu thô đem về được ông và các cộng sự phối trộn, tạo kết dính. Không biết bao nhiêu lần cát ra đằng cát, nước ra đằng nước, nhóm vẫn không nản. Nhưng với phương châm: “Trong khoa học không có sự thất bại, chỉ có mình hiểu chưa tới, mình làm chưa tới. Mỗi người phải không ngừng sáng tạo, tìm tòi, dấn thân thì sẽ tìm ra đích đến”, nhóm kiên định với con đường đã chọn. Làm đi làm lại nhiều lần, năm 2000, họ cũng tạo được sản phẩm bê tông từ đất cát, nước biển đầu tiên. Ông thổ lộ: “Sản phẩm chúng tôi làm đông kết được tuy còn thô sơ, dễ vỡ nhưng mọi người mừng và sướng lắm. Riêng tôi không ngủ được mà chỉ muốn tìm chỗ vắng la thật to”.
Đôi dòng về tác giả Tiến sĩ Nguyễn Hồng Bỉnh sinh năm 1933 tại Bình Dương, năm 1972 bảo vệ tiến sĩ ngành thủy lợi tại Romania; 1976 - 1990: Giám đốc Sở Thủy lợi TPHCM; 1990-1996: Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TPHCM. Hiện nay: Nghỉ hưu và là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Xây dựng TPHCM; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Dịch vụ chuyển giao công nghệ. Một số công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu: Nghiên cứu động thái tiêu thoát nước ngầm; đắp đập ngăn mặn các sông rạch bằng cát thay cầu bê tông; nghiên cứu công trình hồ chứa nước Rạch Lá tạo nguồn nước ngọt cho các hộ dân ở Cần Giờ; nghiên cứu vấn đề tiêu thoát nước chống ngập và giải quyết ô nhiễm kênh rạch của TPHCM...
Nhờ bạn bè cho “ké” kiểm định chất lượng
Ra được sản phẩm nhưng tiền đâu để kiểm tra chất lượng sản phẩm? Chỉ tính sơ một lần kiểm tra, chi phí trả là 50.000 đồng. Một sản phẩm hoàn chỉnh, nhóm nghiên cứu cần kiểm tra vài trăm mẫu, tính sơ bộ sẽ tốn gần chục triệu đồng. Số tiền này khá lớn đối với nhóm nghiên cứu. Thấy và hiểu được công việc của ông, bạn bè tại Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi đã giúp phân tích kiểm nghiệm chất lượng. “Họ phân tích, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm đều không lấy tiền. Tôi mang ơn họ” - TS Bỉnh chân tình nói. Không chỉ làm bằng cát, nước biển ở Cần Giờ, họ còn tranh thủ những lần được mời đi tư vấn công nghệ để thu thập mẫu tận Vũng Tàu và Phan Thiết về nghiên cứu đối chiếu.
Vượt qua những khó khăn, cuối cùng nhóm đã tìm được công thức cấp phối hợp lý nhất cho 1 m3 vữa bê tông như sau: 1,2 m3 cát mặn; 180 lít nước biển (độ mặn 28,2 g/lít); 0,3 - 0,5 lít phụ gia CSSB (do nhóm nghiên cứu phối chế); 359 kg xi măng Holcim PCB40. Kiểm tra chất lượng, sản phẩm tiếp xúc với nước mặn mà không bị xói mòn, rỗ mặt chỉ cần sau 3 ngày đổ so với bê tông thường đổ xong 5-7 ngày không cho tiếp xúc với nước mặn. Cường độ chịu nén cao, có thể chịu được từ 160 kg/cm2 trở lên. Từ kết quả nghiên cứu này, những sản phẩm gạch lót nền, sân phơi... ra đời.
Gian nan triển khai ứng dụng thử nghiệm
TS Bỉnh cùng nhóm cộng sự lại tiếp tục ròng rã mấy năm trời xin đăng ký dự án sản xuất thử nghiệm. Cuối năm 2003, Hội đồng Khoa học TPHCM đã đồng ý cấp cho TS Nguyễn Hồng Bỉnh gần 50 triệu đồng để tiến hành dự án sản xuất thử nghiệm “Công nghệ cải tạo đất, cát mặn, nước mặn tạo thành cốt liệu cho vữa và bê tông”. Dự án được tiến hành trong năm 2004. Địa điểm được chọn là bãi biển Cần Giờ. Đến đây, nhóm lại gặp phải tình huống éo le: Dân đòi đền bù nếu sử dụng bãi biển xây dựng hạ tầng. Nhờ sự can thiệp của Sở NN-PTNT TPHCM, nhóm đã tiến hành làm một đoạn kè chắn sóng tại bờ biển ấp Đồng Hòa, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ. Đoạn kè dài 15 m, cao 1 m, bề mặt 2 m, đáy 3 m được làm hoàn toàn bằng cát, nước biển tại Cần Giờ phối trộn xi măng và phụ gia. Công trình được hoàn thành vào đầu tháng 3-2004. Qua khảo sát của vài đoàn các nhà khoa học, đoạn kè vẫn không bị tác động của nước biển làm rỗ bề mặt hay bị bào mòn, vỡ. Độ chịu nén cao, đo được từ 160 - 200 kg/cm2. TS Bỉnh khẳng định: “Chúng tôi rất tin tưởng vào kết quả, nguyên lý chúng tôi nghiên cứu về bê tông bằng cốt liệu từ nước mặn”.
Bình luận (0)