xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà văn - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc: Tôi luôn đi giữa hai bờ sương khói

Nhật Lam

Nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã từng khuyên chị: “Nếu không làm đạo diễn, sẽ có người khác làm. Nhưng nếu không viết kịch, khó kéo một nhà văn nào về với sân khấu. Hãy đầu tư vào cái mà người ta cần...”

. Sự nghiệp:

. Viết văn từ năm 1968 với bút danh Ngọc Minh.

. Tốt nghiệp đạo diễn sân khấu năm 1980

. Đã xuất bản: Tiểu thuyết Trinh Tiên (đoạt giải Văn học Tuổi 20 Báo Tuổi Trẻ năm 1996); các tập truyện ngắn: Ngọn nến bên kia gươm, Một mình bước tới, Người mẫu, Cạn duyên.

. Viết và dựng gần 100 vở kịch, cải lương...

. Đã đoạt nhiều HCV toàn quốc.

- Tác giả các vở đang công diễn như: Vàng hay bạc nhái, Hãy yêu nhau đi, Hãy khóc đi em, Giữa hai bờ sương khói, Sắc xuân gửi lại,...

img
Nhà văn - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc qua mắt họa sĩ Lê Đại Chúc

Luôn vội vã, nồng nhiệt, sẵn sàng có mặt ở bất cứ đâu người ta cần mình và cả những nơi mình cảm thấy cần, lôi hết “ruột gan” để sống với nghề là tính cách của Nguyễn Thị Minh Ngọc. Chị có mặt “trên từng cây số” và mỗi nơi chị dừng chân đều để lại ít nhiều dấu ấn: viết văn, viết kịch, dựng vở, đóng kịch, đóng phim, dạy học,... Vừa qua, chỉ trong một tháng, chị dồn dập trình làng hai tác phẩm sân khấu: Vở kịch Giữa hai bờ sương khói (sẽ diễn tại Nhà Văn hóa Thanh niên vào tối 25-11) đem lại cho chị giải kịch bản xuất sắc tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (tháng 10-2004) và vở cải lương Sắc xuân gửi lại (sẽ diễn tại rạp Hưng Đạo vào các tối 19, 21 và 28-11).

. Phóng viên: Giữa hai bờ sương khói - một vở kịch được viết nhanh, dựng vội nhưng dư âm của nó lại lan rộng và lan xa sau khi gây hứng thú cho khán giả trong hội diễn tại Hải Phòng. Điều gì đã đem lại sự thành công này?

- Nhà văn - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc: Đúng là vở kịch này được gọi đi tham dự hội diễn một cách bất ngờ, gấp gáp song ý tưởng của vở về ranh giới mong manh giữa sương và khói lại là tính chất của cuộc đời tôi. Cả hai vật thể mong manh này không tồn tại cố định để người ta có thể phân chia rạch ròi mà nó luôn di động. Sau khi vở Giữa hai bờ sương khói ra mắt tại Hội diễn toàn quốc 2004, có khán giả đã lên sân khấu ôm diễn viên: “Cám ơn miền Nam!”. Tôi thật sự ấm áp về điều đó.

. Chị muốn nói điều gì ở vở cải lương Sắc xuân gửi lại khi giới thiệu một quân vương với ba người tình?

- Đây là vở viết nhằm giữ cho chương trình Thắp sáng niềm tin được thắp sáng liên tục sau khi vở Cung đàn nào cho em đã được công diễn. Mười lăm gương mặt huy chương vàng Trần Hữu Trang khắp các tỉnh đã bỏ sô tụ về chịu lãnh lương rất thấp để được làm nghệ thuật đúng nghĩa. Nhân vật quân vương Cổ Trúc đã yêu cả ba người phụ nữ: Tuyết Mai, Hạ Lan, Thủy Cúc nhưng vì không tìm thấy một tình yêu đúng nghĩa nên cuối cùng đã chết dưới tay người tình. Nếu chỉ có cái đẹp bề ngoài không thôi thì sẽ không thể hòa hợp được với nhau và trong việc hoàn thiện nhân cách để lãnh thêm những trọng trách lớn, bên cạnh cái tâm, cái trí, còn có cái dũng. Và cái dũng nếu quá lên một chút sẽ chuyển thành cái ác.

. Chị đã từng được gọi là người giữ lửa cho cải lương, chị có thể nói điều gì về ngọn lửa ấy?

- Cải lương được sinh ra từ tâm huyết của những người theo Tây học xưa kia, muốn có một môn nghệ thuật sân khấu cho riêng VN như Năm Châu, Lê Hoài Nở, Trần Hữu Trang, Bảy Nhiêu,... Cải lương lúc ấy hưng thịnh vì nó đáp ứng đúng nhu cầu người xem. Thời đại ngày nay tràn ngập các phương tiện giải trí hiện đại, cải lương vẫn rề rà, không chuyển mình kịp theo đúng với đặc tính của nó là luôn sửa đổi cho đẹp hơn nên không đáp ứng được theo quy luật cung cầu. Tôi nghĩ nên đưa các điệu lý vào giảng dạy ở bậc tiểu học giúp cho trẻ em VN thấy có nhu cầu gần gũi với âm nhạc dân tộc. Đầu tư cho cải lương trước hết phải đầu tư cho khán giả cải lương. Điều này cần được Nhà nước bao cấp. Nếu thả nổi thì sẽ phải nhận lấy cái giá của sự thả nổi.

. Là một cô giáo với trên 20 năm giảng dạy (biên kịch, đạo diễn, kỹ thuật biểu diễn, MC...) ở nhiều nơi, chị nghĩ gì về các sinh viên của mình?

- Tôi trôi giạt vào nghề đi dạy bởi ngày xưa là một học sinh cá biệt, làm cho một số thầy cô thú vị nhưng cũng không ít thầy cô phiền lòng. Năm lớp 12 (12B3 Phan Thiết) tôi viết một vở kịch mang tên Giữa đá và cỏ, đề cập đến sự hoài nghi về tư cách của người thầy khiến tôi bị đề nghị đuổi học. Và thế là tôi quyết tâm làm cô giáo. Tôi thấy sinh viên VN ngày nay nhiều người quên sử dân tộc mà lỗi không phải do họ mà do phương pháp giảng dạy đã xóa đi cái nhìn khách quan về lịch sử. Ở các sinh viên nghệ thuật, nội lực sáng tạo nơi họ rất có tiềm năng song không được khơi dậy đúng mức. Đó là sự lãng phí lớn. Môi trường chung quanh đã làm lấp đi lý tưởng làm nghệ thuật cao đẹp của họ.

. Khoảng 10 năm trở lại đây, chị đã có rất nhiều chuyến đi nước ngoài để giới thiệu sân khấu VN. Điều gì khiến chị lo nghĩ nhất qua những chuyến đi này?

- Chuyến đi đầu tiên là vào năm 1993, tôi được mời tham dự Đại hội Phụ nữ viết kịch toàn thế giới ở Adelaide (Úc). Từ đó, tôi đã đi trên 10 nước: Anh, Pháp, Đức, Na Uy, Thụy Điển, Tanzania, Philippines, Canada, Mỹ, Jordan... Tất cả đều đi theo lời mời và tôi đã giới thiệu với họ về sân khấu VN. Đi nhiều thì vất vả nhiều, nhất là gặp khó khăn về kinh tế nhưng cái khổ lớn nhất lại nằm ở... tinh thần. Bạn bè nói tôi sao được đi nhiều vậy! Tôi nghĩ đi được nhiều tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, có lợi cho sân khấu nước nhà.

. Nhiều người tự hỏi chị lấy đâu ra sức lực để làm hết chừng ấy việc?

- Khuyết điểm của tôi là không biết nói không trước những lời yêu cầu. Đó là thái độ không tử tế với chính mình vì sức đâu mà chạy đường trường mãi được. Có người cho tôi là người đàn bà không có tuổi tác nhưng thật ra trong tôi đang ẩn chứa khá nhiều bệnh. Cơ quan nội tạng đều có vấn đề, nhưng thường ôm một đống thuốc bên mình mà luôn quên uống, nhờ ham việc mà lướt qua. Tôi ở chung với mẹ và không phải lo nuôi dưỡng ai nên không bị bức bách về kinh tế. Nhiều lúc cũng cảm thấy mệt mỏi, chán nản nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là mình còn sống. Còn hơn những bạn bè đã “chết” trong cuộc sống nghệ thuật hoặc “chết” trong cuộc sống thật. Còn sống đã là điều may mắn.

. Hình như trong dự tính của chị sắp tới, sẽ có một đám cưới?

- Tôi đang cùng nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh viết một kịch bản về lịch sử cận đại, tạm gọi là vở Khói sông Gianh để tưởng nhớ hương hồn những người đã chết oan ở hai bờ sông Gianh. Tôi lăn lộn với nghề được đến giờ này là nhờ nghiệp tổ và cuộc sống trần thế luôn đem lại cho bản thân mình sự bất ổn, song tôi luôn thấy mình chưa làm được gì đối với những người đã chết oan. Muốn nói giùm họ cũng thật khó, bởi biết mình nói đúng hay sai! Mà nói để cho người sống chứ không phải người chết nghe. Một dự định khác nữa là nếu không có gì thay đổi, vào ngày 7-1-2005 tôi sẽ lên xe hoa với một kỹ sư điện ở xa quê. Ba mươi năm rồi anh chưa một lần về VN và sắp tới sẽ có mặt ở quê nhà trước hôn lễ hai ngày. Hoa Hạ đã xung phong làm đạo diễn cho đám cưới của chúng tôi. Có người hỏi tôi có yêu không, tôi trả lời rằng nếu không thì một người chưa một lần được mặc áo cưới như tôi sẽ không phải phí thời giờ. Tôi đang rất hạnh phúc vì có được người đàn ông của riêng mình và vừa được khán giả ở một nơi xa xôi như Móng Cái nhận ra và chìa nón, chìa áo xin chữ ký trong chuyến đi du lịch vừa qua mặc dù mình chẳng phải là ngôi sao. Thái độ trân trọng đó là nguồn động viên rất lớn đối với tôi, bù đắp cho những tổn thương mà mình đã từng gặp phải, giúp tôi thêm tin vào cuộc sống này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo