Y nghiệp là lẽ sống.- Tốt nghiệp bác sĩ năm 1978, anh tình nguyện vào quân y, nhưng theo sự phân công của nhà trường anh được giữ lại làm cán bộ giảng. Hạt mầm tốt đẹp lại được gieo trồng trên mảnh đất tươi tốt, anh nhanh chóng trở thành một bác sĩ giỏi trong lĩnh vực bệnh học, nhất là về bướu xương và phần mềm. Ý thức muốn điều trị tốt cho bệnh nhân, người thầy thuốc không thể chỉ đóng khung trong phòng xét nghiệm mà còn phải tham gia vào lâm sàng, nên bác sĩ Lê Chí Dũng vừa tích cực giảng dạy, xây dựng Bộ môn Giải phẫu bệnh của Đại học Y Dược, vừa học tập, tham gia điều trị tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện (BV) Bình Dân, dưới sự hướng dẫn của các thầy Hoàng Tiến Bảo, Võ Thành Phụng, Lê Kính.
Năm 1983, Lê Chí Dũng là một trong những bác sĩ đầu tiên chuyển đến BV Trần Hưng Đạo để xây dựng Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình TPHCM (nay là BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM). Trải qua nhiều vị trí công tác, từ bác sĩ điều trị, Phó Khoa Chi trên rồi Phó Khoa Bệnh học Nội khớp cho đến Trưởng Khoa Bệnh học Cơ-Xương-Khớp hiện nay, anh luôn là con chim đầu đàn của một chuyên ngành mới là “Bệnh học Cơ-Xương-Khớp”, có uy tín ở trong nước lẫn quốc tế. Cho đến nay đã có trên 100 công trình của anh được đăng tải và báo cáo trong các hội nghị chuyên ngành trong và ngoài nước. Các đề tài nghiên cứu của anh đều được đánh giá cao vì có giá trị thực tiễn. Chẳng hạn nghiên cứu “Ghép xương đồng loại trong điều trị các bệnh cơ-xương-khớp” góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng mô và ngân hàng xương ở TPHCM, ứng dụng công nghệ ghép mô đồng loại trong lĩnh vực cơ-xương-khớp. Nghiên cứu tâm đắc nhất của anh là “Điều trị bảo tồn chi các ung thư xương và phần mềm”, đã mở ra một hướng mới trong điều trị các loại bệnh mà trước đây thường phải đoạn chi, tháo khớp, góp phần nâng cao tỉ lệ sống cho bệnh nhân... Anh tâm sự: “Thật vui và cảm động khi được đi tham dự các buổi tiệc cưới của những bệnh nhân bị ung thư đã được chữa khỏi, lành lặn cả tay chân và niềm hạnh phúc đó càng thăng hoa khi một thời gian sau các bệnh nhân đó đến thăm bác sĩ bồng bế theo con nhỏ... Niềm hạnh phúc long lanh trong ánh mắt của đôi vợ chồng trẻ là món quà quý giá nhất mà không có bất kỳ một món quà vật chất nào có thể so sánh được”. Mối quan hệ lúc đầu là bệnh nhân-thầy thuốc bây giờ trở nên thân thiết.
“Bệnh nhân nghèo quá, lại bị bệnh ác tính, nhiều trường hợp thật thương tâm, chua xót, làm sao mà nghĩ đến chuyện trục lợi trên bệnh nhân được”. Ngồi bên tách trà vào một chiều cuối tuần tại ngôi nhà anh trên đường Ba Tháng Hai, bác sĩ Lê Chí Dũng đã nói với tôi như thế về những bệnh nhân của mình. Anh nói: “Đã bị ung thư thì giàu đến mấy cũng chỉ có nghèo. Bệnh khác thì còn hy vọng chữa lành, nhưng ung thư xương thì khó lắm. Có nhiều người bán cả nhà cửa, ruộng nương đem tiền lên thành phố chỉ mong chữa lành bệnh cho con cháu, người thân của mình. Vậy mà... nhiều khi đành bó tay! Nghĩ đến cảnh các em bé ngây thơ bị ung thư xương mình khám ngày hôm nay, nay mai có thể không còn nữa, mà thấy lòng xót xa. Bên cạnh sự sống - chết, mọi điều khác kể cả danh vọng, tiền bạc đều trở nên nhỏ nhoi”.
Công tác tại một khoa ít hấp dẫn và thu nhập thấp, lại phải thường xuyên đối mặt với muôn vàn khó khăn, chịu nhiều áp lực tâm lý nặng nề, nên anh phải thường xuyên động viên chính mình và tập thể khoa vượt qua thử thách, khó khăn, thể hiện tinh thần thương yêu người bệnh. Biết anh tài hoa, không ít đồng nghiệp và bạn bè từng khuyên anh bỏ lĩnh vực “bướu xương” của người nghèo chuyển sang làm “thẩm mỹ” cho người giàu, vừa nhiều tiền lại vừa nhẹ nhàng, nhưng anh đã tâm sự: “Nếu ai cũng chọn điều trị các ca bệnh dễ dàng hay lo cho người giàu thì những người nghèo lại bị bệnh nan y ai sẽ lo đây. Vả chăng, giúp đỡ được cho họ cũng là cách làm cho cuộc đời đẹp hơn”. Thường xuyên tiếp xúc với những mảnh đời bất hạnh, nên bác sĩ Lê Chí Dũng đã vận động mạnh thường quân, đặc biệt qua báo-đài, giúp đỡ hằng năm khoảng 100 triệu đồng cho những hoàn cảnh khó khăn bị ung thư cơ-xương-khớp.
Tuy nhiên, sức ép của nền kinh tế thị trường, sức mạnh, sức công phá của đồng tiền không chừa một ai, kể cả nhân viên ngành y, làm cho không ít người chao đảo. Chứng kiến điều này, bác sĩ Lê Chí Dũng không khỏi băn khoăn. Anh nói: “Đã đến lúc phải ban hành nghĩa vụ luật ngành y vừa để bảo vệ cán bộ ngành, vừa để xử lý các trường hợp sai phạm như nhiều nước trên thế giới.
Đã đi theo ngành y thì phải chấp nhận khổ cực, hết lòng vì bệnh nhân. 12 điều y đức hiện nay rất quan trọng và cần thiết nhưng mới chỉ là biện pháp hành chính, áp đặt. Vấn đề cốt lõi là nếu không có tấm lòng với người bệnh thì người ta sẽ khó lòng thực hiện được y đức. Y đức phải xuất phát từ cái tâm, từ sự tự nguyện, chứ không phải là bị buộc phải theo”. Để xây cái tâm cho người thầy thuốc trong bối cảnh hiện nay, theo bác sĩ Lê Chí Dũng, cần giảng dạy lịch sử y học phương Tây và y học nước nhà trong các trường đào tạo nhân viên y tế, để từ đó sinh viên thấy được đóng góp của tiền nhân và bản chất của ngành y. Anh nói: “Một tấm gương sáng, một đức hy sinh vì nghề nghiệp bằng 10 bài giảng về y đức”. Tấm gương sáng của anh chính là thầy Hoàng Tiến Bảo, một trong 2 cựu giáo sư Y khoa Đại học đường Sài Gòn được Nhà nước phong tặng giáo sư trong đợt đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất. Anh nhớ lại: “Những tháng gần ngày miền Nam giải phóng, không như nhiều người khác bỏ chạy ra nước ngoài, thầy chuyển vào ở hẳn trong BV Bình Dân để có điều kiện chăm sóc cho các nạn nhân chiến tranh. Vào những năm đầu tiên sau giải phóng, khó khăn về lương thực, có ngày thầy chỉ ăn một củ khoai nhỏ để đứng mổ suốt 8 tiếng đồng hồ”.
Mong tưới mát cho đời.- Sinh ra trên mảnh đất nghèo khó nhất nước và chịu nhiều đau thương chiến tranh, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh bất hạnh trong nghề nghiệp, Lê Chí Dũng đã trải lòng mình với thơ văn, âm nhạc như một phương cách để nâng cao tinh thần lạc quan, yêu đời và qua đó truyền tinh thần này cho người bệnh và đồng nghiệp. Có lần anh nói với tôi: “Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Giám đốc BV Ung Bướu, đàn anh của tôi từng ví mình như lục bình vừa trôi, vừa trổ bông. Tôi sinh sau anh Hùng, thấy đời mình như dòng sông, dù may mắn được chủ động hơn anh, nhưng cũng mong làm trọn kiếp tưới mát cho đời”. Trong album ca nhạc Giai điệu trái tim thực hiện vào năm 2003, bác sĩ Lê Chí Dũng mở đầu bằng lời ngỏ như tâm nguyện sống của mình: “Đời người như một dòng sông, có lúc dịu êm, nhiều khi dậy sóng. Nhưng vẫn mãi trôi, đi qua những bến bờ tưới mát và ươm mầm cho cuộc sống ...”.
Bình luận (0)