Văn Tâm cầm bút rất sớm, từ năm 20 tuổi ông đã xuất bản 2 vở kịch ngắn: Ánh sáng và bóng tối, Giải tán. Tốt nghiệp ĐH Tổng hợp khóa đầu tiên sau kháng chiến (cùng khóa với Ninh Viết Giao, Cao Xuân Hạo, Bạch Diệp, Hà Thúc Chỉ...), ông được giữ lại làm trợ giảng ở khoa văn ĐH Sư phạm. Là một con người say mê văn chương, ngay từ học phổ thông ông đã lấy văn chương làm nghiệp dĩ. Văn Tâm đặc biệt say mê Vũ Trọng Phụng và ở kho sách nhà ông, tư liệu về Vũ Trọng Phụng đầy đủ nhất, với mong muốn sẽ có một tác phẩm nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng. Năm 1957 bằng những đồng tiền vay mượn, Văn Tâm cho xuất bản tập tiểu luận mà ông tâm đắc nhất: Vũ Trọng Phụng, nhà văn hiện thực. Đây là một công trình nghiên cứu đầy đủ nhất về Vũ Trọng Phụng từ khi ông mất (1939), đánh giá đúng tài năng, giá trị thật của một văn tài làm nên sự nghiệp văn chương lẫy lừng trong khi chỉ ngụ ở trần gian này có 27 năm. Hãy tưởng tượng, ở thời điểm hiện nay (đầu thế kỷ 21), Vũ Trọng Phụng được đánh giá như thế nào, thì gần 40 năm trước Văn Tâm đã nhìn ông với thái độ đó.
Nhưng oái oăm thay, cũng chính với tác phẩm tâm đắc ấy, cuốn sách mà Văn Tâm phải mượn GS Đào Duy Anh 100 đồng, cụ Phạm Thị Khách (mẹ của nhà văn Vũ Trọng Phụng) 100 đồng, bán xe đạp để in, đã gây cho ông một “tai nạn nghề nghiệp” đáng tiếc. Do hoàn cảnh lịch sử nhạy cảm lúc đó nảy sinh những định kiến hẹp hòi, bảo thủ, tập tiểu luận về Vũ Trọng Phụng của ông bị những cái nhìn nghi kỵ, cho là “thiếu khách quan”, “sai lầm” về phương pháp luận... “Tai nạn” đó buộc Văn Tâm phải rời khỏi Trường ĐH Sư phạm, về công tác ở Sở Giáo dục Hà Nội.
Không đầu hàng số phận, Văn Tâm âm thầm nghiên cứu, đổi bút danh để đến năm 1964, với bút danh Tầm Dương, ông xuất bản một tiểu luận khác: Tản Đà, khối mâu thuẫn lớn. Ông phát hiện những mâu thuẫn làm nên một Tản Đà tài hoa, yêu nước; ông tôn Tản Đà như vị chủ soái trên văn đàn 1900 - 1945, vị trí tưởng như là tất nhiên mà không đơn giản như vậy. Nhưng rồi cũng với thời điểm lịch sử tế nhị lúc ấy, tác phẩm rơi vào im lặng, lạnh lùng.
Văn Tâm gác bút, lại âm thầm nghiên cứu, đọc và dạy học. Ông trở thành nhà giáo dạy văn nổi tiếng ở Hà Thành. Và nhờ nghề dạy văn, phần nào làm “đã” cơn khát văn chương nơi ông. Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú mà Nhà nước tặng ông như một điều tất nhiên.
Bặt đi gần 30 năm, khi làn gió đổi mới bắt đầu thổi, ông tỉnh giấc, bắt đầu cuộc phục sinh. Hàng loạt bài viết của ông về thơ mới, ca trù, thơ Bác Hồ, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng... ra đời. Năm 1991 ông gia nhập Hội Nhà văn VN, năm 1992 với tác phẩm Góp lời thiên cổ sự của ông được tặng thưởng của Hội Nhà văn VN, cho thấy sức phục sinh của ông đầy tiềm lực. Nhiều tác phẩm của ông ra đời trong niềm phấn khích sáng tạo: Giảng văn văn học lãng mạn, Đoàn Phú Tứ - con người và tác phẩm, Thơ VN 1930 - 1945, Nhớ Phùng Quán...
Từ cuộc đời lận đận của mình, ông như cảm thông sâu sắc với những nhà văn, nhà thơ chưa được đánh giá đúng mức, vậy nên ông thích viết về Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Đoàn Phú Tứ, Phùng Quán, Hữu Loan, Hoàng Cầm. Ông là người phát hiện ra “khối mâu thuẫn” lớn của Tản Đà mà sau này nhiều giáo trình ở bậc đại học vận dụng; chất thiền, tính siêu thực trong kịch của Đoàn Phú Tứ... Ông xứng đáng với danh hiệu là “người rũ bụi đường văn học” (chữ dùng của nhà văn Xuân Cang trong tác phẩm Tám chữ hà lạc và quỹ đạo đời người).
Đang sáng tạo sung sức, năm 1996 căn bệnh tai biến mạch máu não đã hạ gục ông. Liệt nửa người, đi lại, nói năng rất khó khăn, vậy mà với sự chăm sóc tận tình, chu đáo của người vợ hiền (bà Cao Thị Xuân Cam, ái nữ của GS Cao Xuân Huy), ông vượt qua số phận, để năm 2001 cho ra đời tập tiểu luận, chân dung văn học Vườn khuya một mình. Một tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh bệnh tật như vậy cho nên nó có giá trị đặc biệt. Một lần nữa, ông vượt qua số phận để sáng tạo và những ý tưởng sáng tạo trong hoàn cảnh ấy được viết ra từ máu.
Cuộc đời Văn Tâm lận đận nhưng chỉ trong nghiệp văn, còn cuộc sống của ông được đền bù xứng đáng. Ông mê nghệ thuật, mê văn chương, yêu ca trù, chèo, thích chơi tranh một cách sành điệu, mê đồ cổ, tất cả, duy nhất, chỉ vì cái đẹp. Ông còn có một người vợ tuyệt vời, một người bạn hiền thảo. Những ngày cuối đời của ông, bà Cam đọc sách Phật, sách Thiền cho ông nghe để ông thanh thản tâm hồn.
Và ông ra đi, thanh thản vào cõi vĩnh hằng.
Bình luận (0)