Khẩn trương gia cố vị trí sạt lở
Chiều 25-5, lãnh đạo UBND phường Mũi Né (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cho biết chủ đầu tư dự án Sentosa Villa Mũi Né vẫn đang huy động máy móc, nhân công để giải quyết hiện trạng sạt lở bên trong dự án.
Ít ngày qua, khu vực Mũi Né không xuất hiện mưa lớn, tạo điều kiện để chủ dự án thực hiện gia cố đê, san lấp khu vực lở đất và nắn dòng, tránh xói mòn khi có mưa trở lại.
Khu vực bên dưới đồi, người dân, các đơn vị kinh doanh dịch vụ vẫn còn dọn dẹp nhà cửa, hàng quán sau đợt cát tràn từ trên cao.
Nhà hàng Đại Dương Xanh (đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Mũi Né, TP Phan Thiết) là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của vụ sạt lở đồi cát khuya 21-5. Hiện khu vực phục vụ ăn uống của nhà hàng này đã hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, một dãy phòng nằm trong khuôn viên nhà hàng hiện vẫn còn tràn ngập cát đỏ, chưa giải quyết xong. Nhiều thiết bị, vật dụng trong nhà hàng cùng máy phát điện trị giá 600 triệu đồng đã bị hư hỏng do cát đỏ tràn vào.
"Hiện chủ đầu tư dự án Sentosa Villa Mũi Né mới chỉ hỗ trợ dọn dẹp cát tràn ở một số nơi. Riêng thiệt hại tài sản do sự cố này thì chưa được đề cập, hỗ trợ bồi thường" – đại diện nhà hàng Đại Dương Xanh nói.
"Xác định nguyên nhân để thực hiện đền bù"
Ngoài nhà hàng này, sự cố sạt lở phía đồi khiến lũ cát tràn xuống 2 điểm tại đường Huỳnh Thúc Kháng (phường Mũi Né) và đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Hàm Tiến) còn gây ra nhiều thiệt hại khác.
Theo thống kê ban đầu của TP Phan Thiết, sạt lở tại Mũi Né làm ngập 2 xe chở khách (một chiếc 52 chỗ và một chiếc 16 chỗ); 4 xe máy; cát tràn vào nhà hàng Đại Dương Xanh, quán Viễn Phương. Nước và cát tràn làm sập một tường nhà.
Tại phường Hàm Tiến, cát tràn khiến 5 xe máy bị vùi lấp; ít nhất 5 căn nhà bị chôn lấp.
"Thiệt hại về tài sản, nhà cửa như thế nào thì thành phố đang thống kê rà soát. Sau khi thống kê cụ thể sẽ có tính toán hợp lý" - ông Phan Nguyễn Hoàng Tân, Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, nói về việc khắc phục hậu quả vụ sạt lở.
Được biết, vào năm 2021, một đợt sạt lở tương tự cũng xảy ra bắt nguồn từ dự án GoldSand Hill Villa đổ xuống đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Mũi Né. Một số đơn vị kinh doanh bị thiệt hại do cát tràn phải khởi kiện dân sự đối với chủ dự án để thực hiện đền bù.
Đối với vụ việc sạt lở cát xảy ra rạng sáng 21-5, luật sư Tạ Phương (Văn phòng luật sư Trung Hòa thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng để xác định được trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này cần xác định rõ nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở.
Theo luật sư Phương, Điều 605 Bộ luật dân sự 2015 có quy định: "Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải bồi thường".
"Nếu tình trạng sạt lở cát này do quá trình xây dựng dự án nào thì chủ đầu tư dự án đó chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng của mình gây nên. Và ngược lại, nếu do công trình công cộng của TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận không đảm bảo gây nên thì tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm liên đới cùng với chủ thầu thực hiện các công trình này" – luật sư Tạ Phương cho biết.
Trước đó, rạng sáng ngày 21-5, cát đỏ với khối lượng lớn tràn từ dự án Sentosa Villa Mũi Né xuống đường Huỳnh Thúc Kháng (phường Mũi Né). Cùng lúc, cát từ khu vực phía đồi cũng tràn xuống đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Hàm Tiến) kéo dài gần 200m.
Tại điểm sạt lở thuộc đường Nguyễn Đình Chiểu, UBND TP Phan Thiết cho biết vị trí này không có dự án. Tuy nhiên, có một đoạn cống mà thành phố chưa đầu tư xong khiến áp lực nước từ phía đồi chảy mạnh, dẫn đến sạt lở.
Tại điểm sạt lở ở Mũi Né, theo Sở Xây dựng Bình Thuận, "việc sạt lở cát là do Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn trong quá trình đầu tư xây dựng dự án Sentosa Villa Mũi Né chưa tuân thủ các quy định về phòng chống thiên tai".
Bình luận (0)