- Luật sư TRƯƠNG VĂN TUẤN, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, trả lời: Căn cứ theo quy định tại điều 625 Bộ Luật Dân sự (BLDS) năm 2015, người có quyền lập di chúc là người từ đủ 18 tuổi, minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc cá nhân từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi nếu được cha, mẹ, người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Đồng thời, tại khoản 6, điều 638 BLDS năm 2015 quy định, di chúc của người đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó thì sẽ có giá trị như di chúc được công chứng, chứng thực.
Do đó, trường hợp người thân của bạn đang chấp hành hình phạt tù vẫn có quyền lập di chúc. Mặc dù pháp luật dân sự quy định có những trường hợp lập di chúc không cần phải công chứng, chứng thực, tuy nhiên để bảo đảm tính khách quan, pháp lý của bản di chúc, người thân của bạn nên yêu cầu người phụ trách cơ sở đó (quản giáo) làm chứng, xác nhận.
Mặt khác, để di chúc đó được hợp pháp cũng cần phải đáp ứng một số điều kiện về hình thức lẫn nội dung tại điều 630 BLDS năm 2015: Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Như vậy, di chúc được lập trong thời gian chấp hành hình phạt tù của người thân bạn thỏa các điều kiện trên thì sẽ được xem là một di chúc hợp pháp. Trường hợp không thỏa được các điều kiện dẫn đến di chúc không hợp pháp thì di sản thừa kế của người thân bạn sẽ được chia theo pháp luật.
Bình luận (0)