Cứu tinh của voi bệnh nặng
Những ngày Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, vườn thú của ông Phan Đắc Mậu Đại (47 tuổi, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đón đông đảo du khách đến thăm đàn voi, hổ, gấu, cá sấu, chồn. Đây là vườn thú được ông Đại bỏ công sức và tiền bạc gầy dựng hơn 20 năm qua.
Ông Đại kể mình tốt nghiệp Trung cấp thú y năm 1997 và sau đó được nhận vào chăm sóc đàn thú tại một cơ sở du lịch ở Lâm Đồng. Sau đó, ông tiếp tục đi học và tốt nghiệp chuyên ngành Thú y của Trường đại học Nông Lâm TP HCM.
Nói về "duyên" với voi, vị bác sĩ thú y cho biết năm 2022, một khu du lịch ở TP Đà Lạt có chú voi bệnh nặng, sức khỏe suy yếu mà không tìm được phương án điều trị. Biết đến ông Đại, chủ voi cho người đến mời ông đến thăm khám với yêu cầu "chỉ cần cứu được voi, tiền bạc không quan trọng".
"Sau khi thăm khám, tôi nói sẽ chữa trị cho voi lành bệnh trong 5 ngày nhưng chỉ sau 3 ngày thì voi bắt đầu khỏe lại, ăn uống bình thường và hồi phục nhanh" - ông Đại kể. Cứu được voi, chủ voi liền trả cho ông Đại số tiền tương đương 7 cây vàng vào thời điểm năm 2002. Đây là số tiền lớn, vị bác sĩ thú y vay mượn thêm người thân mua nhà, đất ổn định cuộc sống tại xã Hiệp An.
Ba năm sau, nghe tin một con voi ở Đắk Lắk trong tình trạng ốm yếu, ông Đại sang tận nhà chủ voi để xem tình hình. Chủ voi sau đó có ý định bán voi, vị bác sĩ này trở về thế chấp nhà cửa và vay mượn đủ 100 triệu đồng, thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý để mua voi đưa về Đức Trọng.
Thế nhưng khi voi về tới Lâm Đồng thì khá hung dữ, không chịu tiếp cận với người lạ. Ông Đại lại đi tìm người chăm sóc cũ của voi thì mới biết con voi này bị mù, luôn đề phòng khi nghe thấy mùi lạ. Do vậy, ông Đại thuê luôn người này chăm sóc chú voi tội nghiệp. "Lúc đó mới biết chủ voi cũ đã cố tình lừa dối mình nhưng việc đã rồi nên mình chấp nhận, bỏ công chăm sóc cho voi phục hồi sức khỏe" - ông Đại chia sẻ.
Năm 2005, ông Đại nghỉ việc ở công ty du lịch để chuyển sang kinh doanh và bắt đầu thực hiện ý tưởng xây dựng vườn thú gia đình. Ông lại tiếp tục tìm đến tận nơi khi nhận được tin một đoàn xiếc muốn nhượng lại một con voi ốm yếu. Người bác sĩ thú y này không cầm được nước mắt khi thấy chú voi kiệt quệ, gầy yếu sau nhiều năm diễn xiếc.
Đưa về vườn mình, ông lên phát đồ điều trị, dinh dưỡng riêng, theo dõi diễn biến của voi rất nghiêm ngặt trong nhiều tháng liền thì voi mới hồi phục lại. Hai chú voi ban đầu này, sau thêm 5 con nữa hiện đang sống khỏe mạnh trong vườn thú của ông Đại.
Người sở hữu cặp hổ duy nhất ở Lâm Đồng
Cuộc đời gắn bó với thú quý hiếm của ông Đại chưa dừng lại ở đàn voi. Năm 2010, một vườn thú ở TP HCM muốn nhượng lại cặp hổ quý hiếm nặng hàng trăm kg. Vị bác sĩ thú y lại thế chấp đất đai để lo đủ số tiền 4 tỉ đồng, thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý để đưa cặp hổ về nuôi dưỡng.
Cặp hổ đang được nuôi dưỡng tại vườn thú của ông Đại.
Hiện nay, đây là cặp hổ đang được nuôi dưỡng duy nhất ở Lâm Đồng. Ngoài voi và hổ, vườn thú của ông Đại cũng đang nuôi đàn loài chồn gấu, cá sấu, vượn… với tổng số hơn 1.000 con, đều có giấy tờ pháp lý đầy đủ. Để chăm sóc đàn thú, vườn của ông Đại có 40 lao động với mức lương 7 triệu đồng/tháng.
Ngoài phục vụ cho du khách trong và ngoài nước tham quan động vật, ông Đại cũng đang sản xuất hai loại cà phê có giá cao là cà phê chồn và cà phê voi với giá 1,9 triệu đồng/kg. Nói về cà phê voi, ông Đại cho biết số lượng sản xuất chưa được nhiều, chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước chứ chưa xuất khẩu.
Bình luận (0)