Nhiều ý kiến tâm huyết đã được nêu ra tại tọa đàm "Báo chí, truyền thông tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh", do Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy phối hợp với Hội Nhà báo TP Hà Nội và Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức mới đây.
Cốt cách đặc trưng
Trong bài viết "30 năm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa folklore ở Hà Nội", giáo sư sử học Trần Quốc Vượng đã rút ra một số tính cách của người Hà Nội: "Có một bản lĩnh riêng: Sành sỏi, thông minh, can trường, khoáng đạt; một cách ứng xử giao tiếp riêng: ý nhị, tế vi, thanh lịch, tao nhã".
Tại tọa đàm nêu trên, nhà báo Lê Trần Nguyên Huy, Quyền Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận, nhấn mạnh hai chữ "thanh lịch" không biết từ bao giờ đã được mặc định như phẩm cách, giá trị riêng biệt, đặc trưng của người dân đất Thăng Long. Ông dẫn chứng nhà văn Vũ Ngọc Phan, một người Hà Nội gốc, từng lý giải: "Lịch" và "lịch sự" có nhiều nghĩa: vừa đẹp, thanh tú vừa lịch thiệp, nhã nhặn, từ tốn, lễ độ lại vừa lịch lãm, lịch duyệt, khôn ngoan... Người Hà Nội vốn thanh lịch trong cách ứng xử, nói năng. Theo nhà văn, dân Hà Nội xưa cũng có người đẹp, người xấu, người trang nhã, người thô tục như các nơi khác. Song, trong tiếp xúc, ít khi người Hà Nội xưa có thói thô lỗ, tục tằn.

Thiếu nữ Hà Nội với những chuyến xe hoa trên phố Phan Đình PhùngẢnh: HẢI BÁ
Nhà báo Lê Trần Nguyên Huy nhìn nhận từ bất kỳ góc độ nào, hầu hết nhà nghiên cứu, nhà văn hóa đều thống nhất rằng thanh lịch là phẩm chất, là cốt cách đặc trưng của người Hà Nội. Người Hà Nội tự hào về cốt cách ấy còn người yêu mến thủ đô Việt Nam thì xem đó là phẩm chất khiến họ thêm trân trọng người Hà Nội.
Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử cùng nhịp chảy của việc hội nhập, phát triển, đô thị hóa, trong bối cảnh gấp gáp mưu sinh và ồ ạt nhập cư, sự "tế vi, tao nhã" của người Hà Nội phần nào bị mai một, nếp sống văn minh đô thị nhiều khi không còn được chú trọng. Do vậy, từ năm 2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành "Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố" và "Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố".
Không phải ngẫu nhiên mà UBND TP Hà Nội quyết tâm xây dựng và triển khai thực hiện "Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố". Trước khi bộ quy tắc này ra đời, nhiều nhà nghiên cứu, người làm công tác văn hóa và kể cả người dân đều bày tỏ lo ngại, thẳng thắn chỉ ra rằng văn hóa Hà Nội "đang thực sự có vấn đề"; ứng xử của một bộ phận người dân thủ đô "đang lệch chuẩn".
Phát huy vai trò của báo chí, truyền thông
Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân từng lo ngại rằng bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, có lúc, có khi đồng tiền chế ngự đã làm phôi pha nét thanh lịch của người Hà Nội. Dù vậy, rất nhiều gia đình ở thủ đô vẫn gìn giữ nếp gia phong, vun đắp nét văn minh, thanh lịch. Nói như nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, Hà Nội "vẫn đáng để chúng ta tự hào".
Để việc ứng xử có văn hóa thấm sâu hơn nữa vào đời sống ở Hà Nội, rất nhiều việc cần phải làm và cần sự chung tay vào cuộc một cách quyết liệt, có trách nhiệm từ nhiều phía. Trong đó, cần chú trọng việc tuyên truyền mà báo chí, truyền thông có phần trách nhiệm quan trọng.
Theo nhà báo Lê Trần Nguyên Huy, trách nhiệm của báo chí là không chỉ lan tỏa những văn bản, quy ước liên quan. Quan trọng hơn, báo chí cần phải sâu sát thực tiễn mỗi nếp nhà, khu phố, mỗi môi trường công sở để thấy đâu là "bụi vàng cốt cách văn minh, thanh lịch" cần được nâng niu, gìn giữ, lan tỏa, phát huy; đâu là những điều còn tồn tại, cần gạn đục khơi trong…
Để tuyên truyền hiệu quả, không gì hơn là những câu chuyện người thật, việc thật. Các cơ quan báo chí cần tạo điều kiện hỗ trợ để phóng viên đi sâu, đi sát hơn nữa vào thực tế đời sống.
Hình thành, xây dựng, định hướng chuẩn mực văn hóa và thực hiện tốt các quy tắc ứng xử là công việc lâu dài, phức tạp. Muốn thành công, phải có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ngành, tổ chức, trong đó có lực lượng báo chí cả nước. Báo chí cần góp phần lan tỏa sâu rộng những hành vi ứng xử văn hóa, tạo hiệu ứng tôn vinh, làm theo trong cộng đồng, gia đình và toàn xã hội.
Nhiều ý kiến tại tọa đàm đều cho rằng báo chí, truyền thông góp phần quan trọng trong việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Để nâng cao vai trò của báo chí, truyền thông trong vấn đề này, cần đổi mới, đa dạng hóa phương thức, nội dung tuyên truyền; tận dụng ưu thế của khoa học - công nghệ, tạo sự quan tâm nhiều hơn của mọi giới, nhất là người trẻ, với hình ảnh công dân thủ đô, với "thương hiệu" người Tràng An thanh lịch, văn minh.
Bên cạnh đó, cần kết hợp truyền thông truyền thống với hiện đại; vừa sử dụng báo chí, đài phát thanh, truyền hình vừa tận dụng các nền tảng số như mạng xã hội Facebook, TikTok, Instagram, website, ứng dụng di động... để tiếp cận đa dạng đối tượng, nhất là giới trẻ, trong việc tuyên truyền xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch.
Thạc sĩ - nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô, cho rằng Hà Nội - thủ đô ngàn năm văn hiến - không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước mà còn là biểu tượng của tinh hoa dân tộc, nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, người Hà Nội luôn được nhắc đến với những phẩm chất tốt đẹp: thanh lịch, văn minh, nhân hậu, trí tuệ và trách nhiệm. Những giá trị ấy không chỉ tạo nên bản sắc riêng của thủ đô mà còn là niềm tự hào của mỗi người dân Hà Nội.
Bình luận (0)