Làng Chè Đông (còn gọi là Trà Đông) thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa từ lâu đã nổi tiếng với nghề đúc trống đồng truyền thống. Thế nhưng, ít ai biết rằng trước đó làng nghề này đã thất truyền, nhưng nhờ nhiều thế hệ người dân trong làng, đặc biệt là nghệ nhân Nguyễn Bá Châu (SN 1962, người con làng Chè Đông) đã nhiều năm tìm tòi khắp nơi, gây dựng lại làng nghề truyền thống của làng.
Nghề đúc trống đồng tưởng đã thất truyền
Theo nghệ nhân Nguyễn Bá Châu, làng nghề đúc trống đồng có từ xa xưa, thế nhưng trải qua thời gian, nghề đúc trống đồng mai một rồi dẫn tới thất truyền. Khi lớn lên, ông Châu nghe kể nhiều về nghề này, cộng với việc được chứng kiến nhiều chiếc trống đồng có họa tiết hoa văn chứa đựng cả một nền văn minh, trong khi trong làng không còn ai giữ được nghề khiến ông Châu có ý tưởng khôi phục, làm "sống lại" lại làng nghề một thời vang bóng của cha ông.
Từ ý nghĩ đó, năm 1998, ông bắt đầu nghiên cứu, mày mò khắp nơi, từ các làng nghề đúc đồng trong Nam, ngoài Bắc để học cách thức đúc đồng của họ. Thế nhưng, trong 2 năm đầu tiên, ông Châu thử nghiệm đều thất bại do các họa tiết hoa văn, kiểu dáng, âm thanh của trống đồng không hề có khuôn mẫu, hay cách thức làm trống nào cha ông để lại.
Sau nhiều lần thất bại, đến năm 2000, ông Châu vui sướng khi thực hiện thành công chiếc trống đồng đầu tiên từ phiên bản trống đồng Ngọc Lũ (Hà Nam). Từ đó, tạo tiền đề cho nghề truyền thống của làng dần được khôi phục. Để đúc thành công chiếc trống đồng đầu tiên này, ông Châu đã phải chuẩn bị nhiều tháng trời, từ khâu tìm đất sét rồi pha trộn, đến khâu tạo khuôn, trang trí họa tiết… rất tỉ mỉ. Bởi, theo ông Châu, nếu các khâu chuẩn bị không tốt, dưới độ nóng của đồng lên tới hàng ngàn độ C, chỉ cần một chi tiết sai sót là mọi công sức thành công cốc.
"Hôm đúc thành công chiếc trống đồng, anh em rất vui sướng, bà con đến xem rất đông, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng về tận nơi chúc mừng, động viên. Bản thân tôi rất vui và hạnh phúc khi là người đầu tiên gây dựng lại nghề truyền thống đã thất truyền" - ông Châu kể.
Từ sau ngày đúc thành công chiếc trống đồng đầu tiên, ông Châu đã tự nguyện giúp đỡ, hỗ trợ người dân trong làng cùng nhau vực lại làng nghề. Trong suốt 5 năm (từ năm 2000 - 2005, ông Châu đã truyền dạy lại cho rất nhiều người dân trong làng, dần dần nhiều người đã tự làm được trống đồng. Từ một nghề tưởng như đã thất truyền, nhưng nhờ sự táo bạo, dám nghĩ, dám làm của ông Châu, nghề đúc trống đồng truyền thống làng Chè Đông đã được khôi phục thành công, đến nay trong làng có hơn 10 gia đình theo nghề, đưa nghề trống đồng ngày một phát triển, vươn xa.
Xác lập nhiều kỷ lục Guinness
Sau nhiều năm lăn lộn với nghề đúc trống đồng, nghệ nhân Nguyễn Bá Châu dần khẳng định được tên tuổi. Năm 2008, ông quyết định thành lập công ty sản xuất, kinh doanh sản phẩm đúc đồng để nâng tầm thương hiệu làng nghề. Không chỉ tìm tòi, nghiên cứu nhiều mẫu trống đồng ở khắp nơi, ông châu còn sản xuất nhiều sản phẩm tinh xảo từ đồng như tượng phật, tượng chân dung, lư hương…
Ông Châu cho rằng nghề đúc đồng thủ công truyền thống không đơn thuần là làm theo quy trình sẵn có, vì một lần đúc xong trống đồng lại phải thực hiện một khuôn mẫu khác, nên nó luôn đòi hỏi những người thợ phải thổi hồn vào từng sản phẩm, phải chú tâm, cẩn thận chau chuốt từng chi tiết. "Làm ra các sản phẩm từ đồng, đặc biệt là trống đồng có rất nhiều các họa tiết hoa văn, không chỉ yêu cầu người thợ phải có tay nghề vững, kỹ thuật chính xác mà quá trình làm việc phải tập trung cao độ. Từ đó mới tạo ra được những tác phẩm có độ chính xác cao, có hồn cốt"- ông Châu chia sẻ.
Nhờ tài năng của mình, năm 2017, ông Nguyễn Bá Châu đã được giao trọng trách đúc 1.000 pho tượng mẹ Âu Cơ làm quà tặng các nguyên thủ, chính khách của 21 nền kinh tế đến dự Hội nghị Cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng hồi tháng 11-2017. Đây cũng là sự kiện giúp ông có được kỷ lục Guinness Việt Nam khi là người thực hiện đúc tượng Mẹ làm quà tặng Hội nghị cấp cao APEC với số lượng nhiều nhất.
Ngoài kỷ lục trên, trong hành trình làm nghề, giữ nghề của mình, nghệ nhân Nguyễn Bá Châu đã xác lập thêm nhiều kỷ lục Guinness Việt Nam như: Kỷ lục về chiếc trống đồng Ngọc Lũ lớn nhất Việt Nam bằng phương pháp thủ công truyền thống. Trống đồng kỷ lục này cao 1,6 m, rộng 2,4 m hiện đang trưng bày tại khu dã ngoại huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Đôi tượng thần đèn ngồi quỳ và chiếc trống đồng hai mặt đánh kêu như trống da đã được xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam. Hai hiện vật này đang được lưu giữ tại chùa Đông Sơn và Thiền viện trúc lâm Hàm Rồng (Thanh Hóa). Ông cũng chính là người đúc thành công trống đồng đánh kêu như trống da hiện đang đặt tại đền mẹ Âu Cơ (đền Hùng - Phú Thọ).
Không chỉ xác lập kỷ lục, ông Châu cũng chính là người phá kỷ lục của chính mình khi đúc một chiếc trống đồng lớn nhất Việt Nam vào năm 2008. Chiếc trống đồng được ông Châu và các cộng sự thực hiện trong thời gian 6 tháng, với sự tham gia của khoảng 30 người. Chiếc trống có đường kính mặt 2,35 m, cao 1,87 m, nặng gần 4 tấn.
Ngày 30-3-2018, trống đồng đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (kỷ lục Guinness Việt Nam) chính thức công bố kỷ lục về "Người thực hiện phiên bản trống đồng Ngọc Lũ bằng phương pháp thủ công truyền thống lớn nhất Việt Nam" (phá kỷ lục). Chiếc trống đồng hiện được trưng bày ngay bên đường làng Chè Đông (xã Thiệu Trung).
Dù là người góp công lớn khôi phục lại làng nghề đúc trống đồng, nhưng nghệ nhân Nguyễn Bá Châu vẫn luôn đau đáu và mong muốn những sản phẩm trống đồng của làng Chè Đông sẽ được nhiều bạn bè trên thế giới biết tới và đón nhận. Bởi theo ông, nghề đúc trống đồng nó không chỉ là làng nghề đơn thuần, nơi đó còn chứa đựng cả một nền văn minh, văn hóa, hồn cốt của dân tộc.
Bình luận (0)