Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) áp dụng từ ngày 1-1-2009 quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Đến tháng 1-2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN số 26/2012 có hiệu lực nâng mức giảm trừ người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.
Mức giảm trừ gia cảnh một lần nữa được điều chỉnh vào tháng 6-2020 đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Mức này được áp dụng cho đến thời điểm hiện tại, song rất nhiều ý kiến cho rằng đã quá lạc hậu nhất là khi lương cơ sở và lương tối thiểu vùng đã nhiều lần được điều chỉnh.
Bà Võ Thị Sáu, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Ampfield (KCN Tân Bình, TP HCM) cho biết ở nhiều doanh nghiệp, để đạt mức lương từ 11 triệu đồng trở lên, người lao động đã phải nỗ lực làm việc, tăng ca, thậm chí nhận hàng về làm tại nhà để gia đình có một cuộc sống tốt hơn.
Song, ngoài tiêu tốn một khoản cố định hằng tháng như tiền nhà trọ, điện, nước, điện thoại thì giá cả nhiều dịch vụ, hàng hóa cũng liên tục tăng khiến chi phí sinh hoạt tăng lên, Bên cạnh đó, việc phải đóng thuế TNCN, thì mức thu nhập ấy cũng chỉ giúp họ duy trì cuộc sống hiện tại mà không cải thiện được bao nhiêu, vẫn khó có thể tích lũy để sở hữu những tài sản giá trị như nhà đất.
Ngoài ra, mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người cũng không còn phù hợp, nhất là tại các thành phố lớn.
Bà Sáu dẫn chứng một công nhân có con ở độ tuổi mầm non thường gánh các chi phí như gửi trẻ ở các trường mầm non tư thục hoặc nhóm trẻ gia đình với chi phí từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng, nếu tính thêm cả các chi phí khác cho con thì 4,4 triệu đồng/tháng là không đủ. "Vì vậy, đa số người lao động đều mong muốn mức giảm trừ gia cảnh sẽ sớm được điều chỉnh phù hợp với thực tế đời sống" - bà Sáu kiến nghị.
Không chỉ người lao động, nhiều công chức, viên chức cũng mong muốn tăng mức giảm trừ gia cảnh càng sớm càng tốt. Chị Phạm Thị Minh Nhật (giáo viên tại một trường THCS ở quận 6) cho biết sau khi lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ 1-7 thì thu nhập của chị vừa đạt mức đóng thuế TNCN.
Bản thân chị chưa có gia đình, mẹ mất sớm, cha có lương hưu nhưng chỉ vừa đủ chi phí sinh hoạt cá nhân hàng tháng, vì vậy, chị Nhật có trách nhiệm hỗ trợ chi phí học tập, sinh hoạt cho cậu em trai vừa vào đại học, chi phí hàng tháng khá lớn. Với mức lương của chị, phải rất tiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống cho hai chị em, đó là chưa kể đến việc phải phụ cha các chi phí giỗ chạp, đám tiệc…
Luật sư Phan Thị Lan (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng từ ngày 1-7-2024, mức tiền lương ở cả hai khu vực hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp đều tăng lên song cùng với niềm vui tăng lương thì nhiều người lại lo lắng về vấn đề tăng các mức đóng BHXH, BHYT BHTN và đóng thuế TNCN.
Theo bà Lan 15 năm qua, mức lương cơ sở và lương tối thiểu vùng đã nhiều lần điều chỉnh song từ khi Luật Thuế TNCN có hiệu lực vào năm 2009 đến nay mức giảm trừ gia cảnh mới được điều chỉnh 2 lần là chưa theo kịp thực tế. Bà Lan cho rằng: "Ngoài kịp thời thay đổi mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với mức sống và tình hình thực tế nên chăng cần có quy định về định kỳ xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với từng thời điểm"
Bình luận (0)