Không ít lần, công chúng đã vạch trần, cơ quan chức năng đã xử phạt người nổi tiếng, nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật. Nhưng dường như mọi hình phạt vẫn chưa đủ sức răn đe.
Siết chặt KOL và KOC
Vụ việc của Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục và hoa hậu Thùy Tiên sẽ là "án điểm" để răn đe tình trạng quảng cáo bát nháo hiện nay, công chúng đồng tình với động thái này của cơ quan chức năng, bởi trong thời gian qua các nghệ sĩ quảng cáo mỹ phẩm, thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng, thuốc chữa ung thư... đăng trên Facebook, YouTube, TikTok nhan nhản, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trước khi xảy ra câu chuyện của Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục, hoa hậu Thùy Tiên, một làn sóng người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, nói quá công dụng sản phẩm từng bị khán giả phát giác, chỉ trích, như: NSND Hồng Vân, MC Quyền Linh, nghệ sĩ Trung Dân, diễn viên Nam Thư, Kiều Minh Tuấn, Diệu Nhi, hoa hậu Mai Phương Thúy, ca sĩ Phương Mỹ Chi, Cát Tường... Hầu hết những người nổi tiếng chỉ lên tiếng xin lỗi, nhận trách nhiệm khi công chúng phát giác, phản ứng mạnh.

Bê bối của Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục, hoa hậu Thùy Tiên khiến công chúng bức xúc. (Ảnh chụp màn hình livestream)
Dẫu vậy mức phạt cũng quá rẻ. Đơn cử như diễn viên Angela Phương Trinh, cô chỉ bị phạt 7,5 triệu đồng vì những bài viết quảng bá cho việc dùng địa long chữa COVID-19 hay ung thư. Dư luận đã từng lên án mạnh mẽ, giới chuyên môn từng nêu quan điểm "cơ quan chức năng cần quyết liệt và có động thái mạnh mẽ hơn trong việc xử phạt, chấn chỉnh thực trạng nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật".
Ngày 21-2 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2025/NĐ-CP, trong đó quy định rõ các biện pháp xử phạt đối với những cá nhân và tổ chức tham gia quảng cáo không minh bạch. Theo khoản 3, Điều 47 của Nghị định số 24, các cá nhân có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL, KOC) có thể bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng nếu không công khai việc họ nhận tài trợ để quảng bá sản phẩm. Điều này nhằm bảo đảm rằng người tiêu dùng có thể nhận biết rõ ràng nội dung quảng cáo và tránh bị tác động bởi những lời giới thiệu có thể không khách quan.
Các doanh nghiệp tài trợ cho KOL, KOC cũng không nằm ngoài phạm vi xử phạt. Nếu không minh bạch về việc trả tiền hoặc tài trợ để người có ảnh hưởng quảng cáo sản phẩm, các công ty này cũng sẽ phải chịu mức phạt từ 20 - 30 triệu đồng. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp sử dụng KOL, KOC để lách các quy định về quảng cáo. Khoản 2, Điều 53a của Nghị định số 24 cũng quy định mức phạt nặng hơn (từ 100 - 200 triệu đồng) đối với các tổ chức vận hành nền tảng số trung gian nếu vi phạm quy định về hiển thị đầy đủ và minh bạch thông tin sản phẩm. Việc siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo của KOL, KOC được xem là một bước tiến quan trọng để nâng cao trách nhiệm của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Dư luận cho rằng mức phạt thật nặng dành cho người nổi tiếng, nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật là cần thiết, điều này sẽ khiến các KOL, KOC phải cân nhắc kỹ hơn khi nhận lời quảng bá sản phẩm, đồng thời công khai rõ ràng về việc họ có nhận tài trợ hay không.
Cơ hội làm mới niềm tin
Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Lê Hải Bình đánh giá việc người nổi tiếng tham gia quảng cáo là một hiện tượng thường thấy trong cuộc sống. Gần đây, với sự phát triển của mạng xã hội, những người có ảnh hưởng, ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng thực hiện quảng cáo trên mạng xã hội ngày càng trở thành xu hướng phổ biến.
Theo Thứ trưởng Lê Hải Bình, để điều chỉnh các hoạt động quảng cáo này, chúng ta đã có Luật Quảng cáo. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn các quảng cáo trên mạng xã hội, Bộ VH-TT-DL và Bộ Thông tin và Truyền thông trước đây đã có nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát và xử lý các tồn tại, hạn chế trong hoạt động này. Với thực tiễn ngày càng có nhiều cái mới, Bộ VH-TT-DL đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo và dự kiến bổ sung một số điều cụ thể liên quan đến người nổi tiếng tham gia quảng cáo. Trong đó nổi bật là người tham gia quảng cáo trên mạng phải chịu trách nhiệm trước luật pháp nói chung và Luật Quảng cáo nói riêng liên quan đến sản phẩm mình quảng cáo. Thứ hai, phải chịu trách nhiệm, có xác minh, minh bạch cụ thể về sản phẩm mà mình quảng cáo.
Nhận định việc cơ quan quản lý sẽ tăng chế tài xử phạt hoặc cấm người nổi tiếng tham gia quảng cáo trên mạng xã hội, nếu họ vi phạm hoặc quảng cáo sai sự thật, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội, cho rằng việc dự kiến tăng chế tài xử phạt, thậm chí cấm người nổi tiếng tham gia quảng cáo trên mạng xã hội hay hạn chế họ xuất hiện trên truyền thông nếu vi phạm là bước đi cần thiết.
"Chúng ta đang sống trong một thế giới nơi lòng tin ngày càng trở thành thứ tài sản quý. Người nổi tiếng không chỉ là nghệ sĩ, diễn viên hay ca sĩ… họ là những người góp phần định hình hành vi tiêu dùng, giá trị sống và thậm chí là thái độ của một bộ phận xã hội. Nếu họ sử dụng danh tiếng để quảng bá cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc, cho những thông tin sai lệch, không chỉ người tiêu dùng bị tổn thương mà cả nền văn hóa, đạo đức xã hội cũng bị xói mòn theo thời gian.
Trước câu hỏi việc hạn chế người nổi tiếng xuất hiện trên mạng xã hội có giảm bớt được tình trạng quảng cáo sai sự thật hay không, PGS Bùi Hoài Sơn khẳng định hạn chế người nổi tiếng xuất hiện trên mạng xã hội nếu họ vi phạm, không chỉ là một biện pháp răn đe, mà còn là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với chính những người đang nắm trong tay quyền lực mềm khổng lồ trong xã hội hiện đại.
Theo ông, mạng xã hội ngày nay không còn đơn thuần là nơi chia sẻ cảm xúc cá nhân - nó đã trở thành một "sân khấu" khổng lồ, nơi người nổi tiếng có thể tác động đến hành vi tiêu dùng, xu hướng văn hóa và thậm chí cả nhận thức xã hội chỉ bằng một bài viết, một video hay một hình ảnh. Khi những "sân khấu" này không còn bị giới hạn bởi khuôn khổ kiểm duyệt truyền thống, thì trách nhiệm đạo đức và tính minh bạch trong phát ngôn càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
"Hạn chế sự xuất hiện của người vi phạm trên mạng xã hội - đồng nghĩa với việc tạm rút đi "microphone" mà họ đang sử dụng để truyền tải thông tin - có thể tạo nên một khoảng lặng cần thiết. Khoảng lặng đó là để người nghệ sĩ nhìn lại trách nhiệm của mình, để công chúng có cơ hội làm mới niềm tin và để truyền thông lấy lại chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đã từng bị xói mòn bởi những cú "like", "share" vô trách nhiệm.
PGS-TS TRẦN YẾN CHI (Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM):
Cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự
Quảng cáo sai lệch công dụng sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng, là hành vi vi phạm pháp luật. Theo điều 8 của Luật Quảng cáo, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính. Và khi hành vi gian dối được thực hiện một cách có tổ chức, có yếu tố lợi nhuận và có nguy cơ ảnh hưởng rộng đến người tiêu dùng, thì việc xem xét trách nhiệm hình sự là hoàn toàn có cơ sở. Đây là tội danh không yêu cầu phải xảy ra thiệt hại thực tế mới bị xử lý. Chỉ cần có hành vi gian dối, cung cấp thông tin không đúng sự thật về sản phẩm với mục đích thương mại, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, và có nguy cơ thiệt hại, thì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
NSƯT LÊ THIỆN:
Phải có biện pháp hạn chế hoạt động nghệ thuật
Bộ VH-TT-DL cần rà soát tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo. Trong đó, cần thiết bổ sung một số điều cụ thể liên quan đến người nổi tiếng, nhất là nghệ sĩ khối biểu diễn tham gia quảng cáo sản phẩm sai sự thật trên mạng xã hội. Bộ VH-TT-DL cần đề xuất điều chỉnh hoạt động của những người nổi tiếng và các nghệ sĩ tham gia quảng cáo sai sự thật trên mạng, thậm chí có biện pháp hạn chế hoạt động nghệ thuật và hạn chế xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội, trên sân khấu chuyên nghiệp.
NSND THANH ĐIỀN:
Cần có tiêu chí quảng bá trên không gian mạng
Chỉ cần nội dung quảng bá sai lệch, được lặp đi lặp lại và phát tán rộng rãi, thì nguy cơ tuyên truyền sản phẩm kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến đời sống tiêu dùng của nhân dân. Tôi cho rằng cần phải xử lý hình sự người gây ra hậu quả, không nhất thiết đó là nghệ sĩ hay ngành nghề khác. Qua vụ việc bê bối của Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục, hoa hậu Thùy Tiên, cơ quan chức năng cần sớm siết tiêu chí về hoạt động quảng bá trên không gian mạng.
Luật sư NGUYỄN VĂN MÓT (Đoàn Luật sư TP HCM):
Có thể "cấm sóng"
Hiện nay, bất kỳ nghệ sĩ sở hữu một tài khoản mạng xã hội có lượng người theo dõi lớn đều có thể trở thành người ảnh hưởng và truyền thông độc lập. Tuy nhiên, thông tin đăng tải phải được có trách nhiệm. Nghệ sĩ là người của công chúng, tiếp tay cho việc quảng cáo sai sự thật là ảnh hưởng đến đời sống xã hội, cần tăng cường mức xử phạt thật nghiêm, kể cả "cấm sóng" - không được xuất hiện ở các chương trình biểu diễn trên mọi nền tảng.
PGS-TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI:
Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi
Cần điều chỉnh căn cơ từ góc độ pháp lý và nhận thức xã hội. Các hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM và cả nước kêu gọi mỗi người nghệ sĩ cần nâng cao trách nhiệm pháp lý đối với hành vi phát ngôn, chia sẻ nội dung, đặc biệt là khi có yếu tố thương mại. Không thể viện cớ "tôi có thói quen chia sẻ hộ", "tôi không biết rõ nguồn chỉ làm vì thấy thần tượng quảng cáo" để miễn trừ trách nhiệm.
Thanh Hiệp ghi
Trung Quốc, Hàn Quốc quản lý livestream ra sao?
Khi việc quảng cáo qua các phiên livestream (phát sóng trực tiếp) bùng nổ với số doanh thu tăng cao, Trung Quốc cũng đưa ra "bộ quy tắc" để thắt chặt quản lý, tránh những trường hợp quảng cáo sai sự thật, quảng cáo "lố" chất lượng sản phẩm… Theo quy định hiện hành, người bán hàng qua livestream cần xác minh thông tin thật về họ thông qua số điện thoại hoặc các phương tiện khác. Người đứng ra quảng bá sản phẩm qua livestream cũng được xác minh qua giấy tờ tùy thân hoặc các phương tiện khác. Nhà cung cấp dịch vụ phát sóng trực tiếp cũng phải xem xét thông tin danh tính thật của người bán hàng, giấy phép kinh doanh… Những người nổi tiếng sử dụng hình ảnh cá nhân của mình để tiếp thị hay quảng bá hàng hóa, dịch vụ… phải chịu trách nhiệm, nghĩa vụ như người đại diện thương hiệu theo pháp luật. Nếu họ vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm, có thể đưa vào danh sách đen, không còn cơ hội quay lại livestream.
"Bộ quy tắc" của Trung Quốc có 6 chương và 44 điều. Trong đó, thông tin về hàng hóa, dịch vụ bán hoặc quảng bá qua livestream phải được công bố thông tin trung thực, chính xác, bảo vệ quyền được biết và quyền lựa chọn của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm sản phẩm và kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, dịch vụ phát trực tiếp; chủ động thực hiện các cam kết sau bán hàng theo quy định của pháp luật và hợp đồng, xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Ở Hàn Quốc, những người làm nghề phát sóng trực tiếp còn được gọi là BJ (Broadcast Jockeys). Họ thường là người trẻ tuổi nổi tiếng trên mạng hoặc các nghệ sĩ đã từng dính bê bối, qua thời hoàng kim… chuyển hướng sang livestream bán hàng trên các nền tảng AfreecaTV, YouTube, Naver, Kakao… Thông thường, các BJ đều sẽ trực thuộc sự quản lý của các nền tảng, chịu những chế tài, quy định từ các nền tảng này. Nếu vi phạm quy định, bị công chúng phàn nàn…, họ bị xử lý mức độ khác nhau và có thể bị nền tảng cấm tài khoản, không được tiếp tục làm nghề.
Minh Khuê
Bình luận (0)