Trên con đường đất đỏ quanh co dẫn đến Trường Tiểu học Atiêng, xã Tây Giang, TP Đà Nẵng, người đàn ông dáng gầy gò, nước da sạm nắng rảo từng bước quen thuộc qua những con dốc cheo leo, mây bảng lảng quấn quanh vách núi. Mười năm rồi, thầy Nguyễn Vũ vẫn đi trên cung đường ấy, như một hành trình không chỉ để đến lớp mà còn là để đến gần hơn với những ước mơ trẻ thơ đang nảy mầm nơi vùng cao đầy gian khó.
Trăn trở về tương lai trẻ vùng xa
Sinh năm 1987, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Thăng Bình, TP Đà Nẵng), thầy Nguyễn Vũ đã có hơn 15 năm công tác trong ngành giáo dục. Người ta nhớ về anh không phải qua thời gian công tác bao lâu, mà là 10 năm "bám bản" không ngơi nghỉ tại vùng đất Tây Giang. Nơi đây địa hình hiểm trở, cuộc sống người dân còn nhiều thiếu thốn và học trò đa phần là con em đồng bào các dân tộc thiểu số như Cơ Tu, Tà Ôi, Ve, H're…

Thầy Nguyễn Vũ. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Không xuất thân từ gia đình làm nghề giáo nhưng niềm yêu thích bục giảng đã sớm nhen nhóm với Nguyễn Vũ từ thời thơ ấu, nhờ hình ảnh người thầy dạy phổ thông với phong thái điềm đạm và ánh mắt luôn chan chứa yêu thương. "Thầy dạy rất cuốn hút và thường động viên học trò theo đuổi ước mơ. Chính sự tận tâm đó âm thầm gieo vào tôi hạt mầm nghề giáo" - thầy Vũ nhớ lại.
Bước ngoặt thực sự đến với thầy Vũ là trong một chuyến đi tình nguyện ở vùng cao khi còn là sinh viên. Hình ảnh các em nhỏ ngồi trên nền đất, đôi mắt trong veo dõi theo từng lời giảng của các anh chị tình nguyện viên đã khiến trái tim chàng sinh viên thắt lại. Anh tự hỏi: "Liệu mình có thể làm gì để giúp các em thay đổi tương lai?". Câu hỏi ấy như sợi dây dẫn lối, kéo anh đến với sự nghiệp gieo chữ.
Nhiều người từng thắc mắc vì sao thầy Vũ lại rời bỏ cơ hội giảng dạy ở đồng bằng để lên Tây Giang - một khu vực miền núi xa xôi, cách trung tâm hàng trăm cây số, đường sá gập ghềnh, mùa mưa lũ tràn, mùa khô nắng như rang lửa? Nhưng với thầy, "tri thức chỉ thực sự có ý nghĩa khi được sẻ chia ở nơi cần nó nhất".
Thế là người thầy trẻ lên đường. Vào những năm đầu, Tây Giang đón thầy Vũ bằng cơ sở vật chất tạm bợ: lớp học vách gỗ, nhà công vụ mái tôn lợp dột, không điện, không sóng điện thoại, thiếu nước sạch. Những bữa cơm đạm bạc với rau rừng, măng chua, cá suối trở thành quen thuộc.
Ngoài những khó khăn về cơ sở vật chất, rào cản ngôn ngữ và văn hóa cũng là thách thức đáng kể. Nhiều học sinh dân tộc thiểu số chưa thông thạo tiếng phổ thông khiến quá trình tiếp thu kiến thức mất nhiều thời gian và công sức hơn. Sự khác biệt trong phong tục, tập quán địa phương đòi hỏi giáo viên phải học cách thích nghi và tôn trọng để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với học sinh cũng như cộng đồng.
"Có hôm, trời mưa lớn, đường trơn trượt, tôi ngã lăn giữa đường. Nhưng nghĩ đến học trò đang chờ, tôi lại gượng đứng dậy, đi tiếp" - thầy Vũ kể.
"Vũ khí" mạnh nhất
Học trò Tây Giang đa phần là con em người dân tộc thiểu số, sống trong các bản làng xa trường, có em đi bộ hàng giờ mới tới lớp. Nhiều em đến trường bằng đôi chân trần, chưa từng có một đôi giày.
Thầy Nguyễn Vũ kể, có một cậu học trò khiến anh nhớ mãi. "Em ấy là anh cả trong nhà 6 anh em, ba mẹ đau ốm liên miên. Vậy mà ngày nào em cũng đến lớp, chưa hề vắng một buổi. Tôi hỏi vì sao kiên trì đến thế, em chỉ nói: "Em muốn học để sau này không phải khổ như ba mẹ". Câu trả lời mộc mạc ấy khiến tôi nghẹn ngào".
Thầy Vũ và các đồng nghiệp đã vận động mua tặng học sinh này đôi giày, vài bộ đồ mới và sách vở. Niềm vui của em khi nhận được quà khiến thầy Vũ thấy mọi vất vả của mình đều xứng đáng.
Câu chuyện ấy không phải cá biệt. Với thầy Vũ, mỗi học trò đều là một mầm non đặc biệt và nhiệm vụ của người thầy là chăm sóc, nâng đỡ những mầm non ấy lớn lên, bất chấp điều kiện khắc nghiệt.
Không chỉ dạy chữ, thầy Vũ còn đặc biệt quan tâm đến rèn luyện thể chất cho học sinh - điều tưởng như xa xỉ ở vùng cao. Là giáo viên cốt cán môn giáo dục thể chất của tỉnh Quảng Nam trước đây, thầy tích cực xây dựng những bài giảng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế. Năm 2020, thầy có sáng kiến được công nhận hiệu quả cấp tỉnh, giúp nâng cao hiệu suất và sự hào hứng của học sinh với môn học.
"Các em học sinh tiểu học vốn rất năng động, nếu phương pháp dạy khô khan thì dễ làm các em chán nản. Tôi luôn tìm cách đưa trò chơi dân gian, bài tập vui nhộn vào tiết học để các em vừa vận động, vừa học kỹ năng" - thầy Vũ tiết lộ.

Thầy Nguyễn Vũ luôn tận tâm với học trò của mình. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Thầy Vũ còn dạy bơi miễn phí cho học sinh các trường ở địa phương, huấn luyện đội bóng mini tiểu học, giúp các em có sân chơi lành mạnh. Những nỗ lực ấy giúp học sinh vùng cao không chỉ khỏe mạnh, tự tin hơn mà còn thêm gắn bó với trường lớp.
Khi dịch COVID-19 bùng phát, vùng núi cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Học sinh nghỉ học kéo dài, thiết bị học tập thiếu thốn, kết nối internet yếu khiến việc dạy học càng gian nan. Không chùn bước, thầy Vũ đã tham gia chương trình "1 triệu sáng kiến - Nỗ lực vượt khó", tìm tòi giải pháp giảng dạy linh hoạt giữa mùa dịch. Thầy tận dụng mạng xã hội, gửi bài qua Zalo, phát phiếu bài tập tận nhà cho học sinh. Có lúc, thầy còn đi bộ đến từng gia đình để nhắc nhở các em học và giữ kết nối.
Sáng kiến của thầy Vũ không chỉ được ghi nhận trong chương trình "75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển" mà còn trở thành động lực lan tỏa tinh thần sáng tạo và vượt khó trong đội ngũ giáo viên vùng cao. "Làm thầy không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn là gieo niềm tin. Khi học trò tin mình, các em sẽ dũng cảm đi tiếp, dù đoạn đường có khó khăn đến đâu" - thầy tâm sự.
Theo thầy Vũ, sự kiên nhẫn và lòng yêu nghề chính là "vũ khí" mạnh nhất của giáo viên. Trong bối cảnh cuộc sống liên tục đổi thay, thầy vẫn tin rằng cốt lõi của giáo dục là tình yêu thương và sự thấu hiểu. "Nếu xem học trò như con em của mình, các em sẽ không ngại mở lòng và tiếp nhận tri thức" - thầy tin tưởng.
Nhiều nỗ lực sáng tạo
Thầy Nguyễn Vũ là Chiến sĩ thi đua tỉnh Quảng Nam năm 2020; được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2020; được Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam công nhận có thành tích xuất sắc tham gia chương trình "75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển" năm 2021 và chương trình"Một triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19" năm 2023.
Thầy Vũ là giáo viên cốt cán môn giáo dục thể chất của tỉnh Quảng Nam trước đây; huấn luyện viên môn bóng đá mini khối tiểu học được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Giang (cũ) đề đạt. Thầy còn dạy bơi miễn phí cho học sinh Trường Tiểu học Atiêng và Trường Tiểu học Xã Lăng...

Bình luận (0)