xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người thầy kính yêu: Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang và những dự án vì cộng đồng

Tuyết Mai

Những ngày qua, người gây "bão mạng", lấy đi nước mắt của nhiều người là một nhà giáo nhận nuôi tất cả trẻ sống sót sau vụ lũ quét ở Làng Nủ, đến khi các em 18 tuổi

Thầy Nguyễn Xuân Khang là người đứng đầu hệ thống giáo dục Marie Curie (Hà Nội) nhưng trên hết là một người thầy kính yêu trong lòng của biết bao thế hệ học trò và cả nhiều người không phải là học trò trực tiếp của thầy.

Muốn cũng không có

Thầy Khang chia sẻ những ngày qua, khi cả nước hướng về đồng bào các địa phương miền núi phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, thầy cũng có nhiều đêm không ngủ. Nhiều lần rơi nước mắt dù chỉ cập nhật tình hình qua báo đài, nhất là trận lũ quét gây tang thương ở Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).

Thế nhưng chỉ khóc thôi ư? Cần phải làm gì để nguôi ngoai? Thế là thầy nghĩ ra cách mà thầy có thể làm là nhận nuôi các trẻ còn sống sót, bù đắp cho các em, để các em được ấm no và học hành tử tế.

Ý nghĩ ấy thôi thúc thầy Khang.

Thầy kết nối với nhóm phóng viên đang tác nghiệp tại hiện trường để nhờ họ trao đổi với UBND và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Yên, nhờ giúp tổng hợp danh sách đầy đủ những trẻ em từ 15 tuổi trở xuống của 39 hộ gia đình bị lũ quét ở Làng Nủ.

Người thầy kính yêu: Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang và những dự án vì cộng đồng- Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Xuân Khang với một danh sách học sinh Làng Nủ bị lũ cuốn. Ảnh: TRUNG KIÊN

Không phải chỉ là những trẻ mồ côi mà chỉ cần những đứa trẻ còn sống sót sau trận lũ kinh hoàng ấy, thầy Khang đều nhận nuôi đến năm 18 tuổi, bằng cách mỗi tháng cấp 3 triệu đồng cho mỗi cháu, chuyển khoản trực tiếp cho bố mẹ hoặc người đỡ đầu các cháu.

Điều cần nhất mà thầy Nguyễn Xuân Khang thường nhắc nhở bản thân và mỗi người đồng hành với dự án của mình vẫn là "ngọn lửa nồng nàn trong tim".

Hiện vẫn còn nạn nhân mất tích sau vụ lũ quét. Vì thế, danh sách các cháu được nhận nuôi vẫn đang chờ hoặc sẽ bổ sung sau khi việc tìm kiếm có kết quả cuối cùng. Nhưng chỉ nhìn vào danh sách của một trường trong số những trường có trẻ em Làng Nủ theo học, thầy Khang bật khóc: "Có muốn nuôi nhiều cũng không có mà nuôi đâu!". Danh sách có 20 học sinh đến từ Làng Nủ thì có tới 13 em "đã mất", chỉ còn 7 em may mắn sống sót, bị thương do lũ cuốn.

Thầy Khang chia sẻ: Cuối tháng 9 sẽ có "Làng Nủ tạm thời" - nơi ở tạm cho bà con trước khi dọn đến "Làng Nủ mới", thầy sẽ cử cán bộ của Trường Marie Curie lên nơi ở tạm, trực tiếp làm những việc cần làm để có thể triển khai thực hiện "Dự án nuôi trẻ em Làng Nủ sống sót sau lũ quét", từ tháng 10-2024.

Thầy cũng giữ nguyên tắc khi thực hiện dự án này, đó là: không vận động và không nhận đóng góp của bất cứ ai, trong và ngoài nhà trường. Trong lúc chờ có danh sách trẻ em dưới 15 tuổi còn sống sót và nơi ở mới cho bà con Làng Nủ, thầy Khang tình cờ xem phóng sự về học sinh Nguyễn Văn Hành (lớp 12 Trường THPT số 1 Bảo Yên, huyện Bảo Yên) chỉ còn lại một mình sau trận lũ quét qua thôn Làng Nủ.

Nghe Hành nói: "Có lẽ em phải bỏ học để kiếm sống", thầy Khang lập tức tìm cách liên lạc với cô giáo của em, nhờ cô khuyên Hành tiếp tục học hết lớp 12 và có thể học lên nữa, thầy sẽ nuôi em ăn học.

Người thầy kính yêu: Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang và những dự án vì cộng đồng- Ảnh 2.

Thầy Nguyễn Xuân Khang với học sinh. Ảnh: NGUYỄN LÂM

"Em Hành mất bố, nay lũ quét lấy đi người mẹ. Không gì bù đắp được tổn thất tinh thần. Nhưng giúp em tiếp tục học tập thì thầy Khang làm được" - thầy Khang nói.

Việc kết nối cho Hành nói chuyện trực tiếp với thầy Khang được thực hiện nhanh nhất có thể và trong cuộc điện thoại nghẹn ngào ấy, thầy xin nhận Hành làm cháu nội, động viên cháu cố gắng lên và "cần gì cứ nói với ông".

Khi nghe cô giáo của em nói em sẽ được đón về ký túc xá của trường và "chỉ cần có 3 triệu đồng mỗi tháng là thoải mái chi tiêu rồi ạ", thầy chốt ngay mỗi tháng sẽ cho Hành 3 triệu đồng.

Khi Hành vừa được cô giáo mở giúp tài khoản, thầy Khang đã chuyển ngay số tiền sinh hoạt phí tháng 9 - tháng đầu tiên nhận nuôi Hành, cùng với một khoản tiền nhờ cô mua cho Hành một chiếc điện thoại để thi thoảng ông cháu trò chuyện.

Sẵn sàng nhận việc khó

"Dự án nuôi trẻ em Làng Nủ sống sót sau lũ quét" của thầy Khang gây xúc động mạnh trong dư luận nhưng không quá bất ngờ với nhiều người đã quen biết thầy hoặc theo dõi những việc thầy làm lâu nay.

Khi xây dựng kế hoạch nuôi trẻ em sống sót ở Làng Nủ, cũng là lúc thầy đang bộn bề với việc thực hiện cùng lúc 4 dự án lớn với kinh phí cả trăm tỉ đồng cho huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang). Dự án đầu chưa kết thúc thì thầy đã bắt tay thực hiện dự án sau… mà dự án nào cũng đòi hỏi rất nhiều tâm sức, tiền của.

Khởi đầu là dự án trồng 3 - 4 vạn cây xanh tại cánh rừng ở xã Khâu Vai (huyện Mèo Vạc), mở đầu vào năm 2021 và đang trong giai đoạn về đích cuối năm nay.

Người thầy kính yêu: Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang và những dự án vì cộng đồng- Ảnh 3.

Thầy Nguyễn Xuân Khang với học sinh trong một chương trình vui chơi. Ảnh: TRUNG KIÊN

Năm 2022, khi cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, huyện Mèo Vạc đối diện với thực tế gần như "trắng" giáo viên dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học nhưng không thể tuyển được ai. Biết chuyện, sau khi cân nhắc, bàn bạc, thầy Khang quyết định giúp đỡ bằng cách lập ra "Dự án dạy tiếng Anh cho học sinh Mèo Vạc", tuyển mới gần 20 giáo viên chỉ để dạy trực tuyến cho hơn 26.000 học sinh lớp 3 của gần 20 trường tiểu học ở Mèo Vạc, với tổng kinh phí khoảng 2 tỉ đồng/năm học. Dự án kéo dài trong 3 năm học, cho đến khi lứa học sinh này tốt nghiệp tiểu học.

Điều khiến thầy Khang vui nhất là mô hình thầy làm đã được nhiều cá nhân, đơn vị khác thấy ý nghĩa và cùng nhân rộng, dù mức độ và cách làm đơn giản hơn. Nhiều trường học ở Hà Nội, Nam Định, Lâm Đồng… sau đó cũng tình nguyện giúp dạy tiếng Anh trực tuyến cho các tỉnh miền núi phía Bắc cùng chung hoàn cảnh thiếu trầm trọng giáo viên như Mèo Vạc.

Khi việc dạy tiếng Anh cho học sinh Mèo Vạc bước vào năm thứ hai, cũng là lúc thầy canh cánh với nỗi lo khi kết thúc, Mèo Vạc lại khó khăn bởi vẫn thiếu giáo viên. Thầy tâm niệm tặng "con cá" lúc nguy cấp là rất cần nhưng để lâu dài và bền vững thì phải có "cần câu".

Nghĩ vậy, năm 2023, thầy Khang chủ động đề xuất với UBND huyện Mèo Vạc về việc phối hợp đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện với hình thức cử tuyển, kết hợp xã hội hóa, với tên gọi "Đào tạo giáo tiếng Anh cho Mèo Vạc". Trường Marie Curie sẽ hỗ trợ đào tạo 30 giáo viên cho huyện Mèo Vạc với dự tính tổng kinh phí 6 - 12 tỉ đồng.

Trong dự án này, huyện Mèo Vạc tìm học sinh là con em tại địa phương, trúng tuyển vào các trường đại học đào tạo ngôn ngữ Anh, bố trí cho các em về dạy học tại các trường trên địa bàn huyện sau khi ra trường. Trường Marie Curie hỗ trợ kinh phí đào tạo, ăn ở cho các em tối thiểu 5 triệu đồng/em/tháng (từ tháng 12-2023). Mức này có thể tăng lên đến 10 triệu đồng/tháng, tùy vào thành tích học tập của các em; số tiền được chuyển trực tiếp vào tài khoản của các em mỗi tháng thực học. Hiện nay, đã có 17 sinh viên tham gia dự án và sẽ tuyển thêm 13 sinh viên để đào tạo trong năm học sắp tới.

Khi dự án đào tạo giáo viên tiếng Anh vừa ổn, thầy Khang lại trăn trở bởi mong muốn trẻ em ở nơi cực Bắc của Tổ quốc cũng được học ở một ngôi trường khang trang, hiện đại không kém với trường học ở Hà Nội.

Ý nghĩ ấy thôi thúc thầy, đến nỗi trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, trong khi mọi người tập trung vui xuân thì thầy lại nhốt mình trong phòng làm việc, tự tay vạch ra kế hoạch cụ thể xây trường học tặng Mèo Vạc. Trường Marie Curie sẽ tài trợ khoảng 100 tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú mang tên Marie Curie - Mèo Vạc.

Trong giai đoạn chuẩn bị, thầy Khang đã cử đầu mối làm việc với UBND huyện Mèo Vạc, gồm 3 kiến trúc sư phối hợp khảo sát, thiết kế, lập hồ sơ dự án xây dựng công trình. Đây cũng là những kiến trúc sư đã thiết kế những cơ sở đẹp nhất, hiện đại nhất của Trường Marie Curie tại Mỹ Đình và Long Biên (Hà Nội).

Đến thời điểm này, UBND huyện Mèo Vạc đã cơ bản hoàn tất việc chọn địa điểm phù hợp để xây trường. Thầy Khang cùng các cộng sự vẫn đang gấp rút chuẩn bị các công việc tiếp theo để "ngôi trường trong mơ" cho trẻ em Mèo Vạc sớm hiện hữu.

Nói về các dự án vì cộng đồng của mình, thầy Khang luôn không muốn nhắc hoặc hướng sự chú ý đến việc mình sẽ chi bao nhiêu tiền, dù số tiền đó có khi là cả trăm tỉ đồng. Thầy cho rằng với người có nhiều tiền, tặng tiền có thể là cách dễ nhất; nhưng khi đã xây dựng thành các dự án, có mục tiêu, có kế hoạch thì chủ đầu tư sẽ phải có trách nhiệm đến cùng.

Sau khi biết những việc thầy làm, có bạn phóng viên hỏi: "Với việc làm đó, thầy muốn truyền đến học sinh của mình bài học gì?", thầy Khang trả lời: "Bài học thì từ chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã viết đủ, viết đúng. Thầy chỉ làm để học trò làm theo. Thế thôi".

Dù biết sẽ rất vất vả nhưng thầy hài hước nhận mình là "Anh trai vượt ngàn chông gai", nên sẵn sàng nhận việc khó. 

Người thầy kính yêu: Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang và những dự án vì cộng đồng- Ảnh 4.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo