Vừa bán xong hơn 3 tấn thanh long chong đèn với giá 15.000 đồng/kg nhưng anh Nguyễn Văn Thắng (xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) không mấy vui vẻ. Lẽ ra, với mức giá tương đối cao này và sản lượng khá từ 400 trụ thanh long chong đèn, anh sẽ dư dả đón Tết. Thế nhưng, do gần phân nửa trái thanh long bị nấm trắng (nấm tắc kè) khi bắt đầu chín nên thương lái đã loại bỏ.
"Những ngày sắp thu hoạch, gần một nửa thanh long trên cả 400 trụ đều bị đốm trắng dày đặc. Các trái này thương lái không thu mua" - anh Thắng xót xa.
Cách vườn cây của anh Thắng không xa, bà Lê Thị Đào cùng con trai cũng phải cắt bỏ nhiều trái thanh long chuẩn bị chín vì dính nấm trắng. Bà Đào cho biết những ngày qua, trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam xuất hiện sương muối nhẹ, trời âm u khiến nấm bệnh xuất hiện nhiều trên trái thanh long.
"Vườn thanh long nhà tôi có khoảng 2,5 tấn chuẩn bị chín. Tuy nhiên, vài ngày qua, tôi quan sát thấy hơn 1 tấn trái đã bị nấm tắc kè. Thương lái khi vào vườn xem trái, thấy thanh long bị nấm cũng ép giá nhiều, chỉ còn 12.000 - 13.000 đồng/kg" - bà Đào rầu rĩ.
Theo các chủ vườn, trồng thanh long nghịch vụ chi phí cao hơn nhiều so với bình thường khi giá điện, phân bón, nhân công… đều tăng. "Vụ mùa này bị nấm tắc kè hoành hành, ảnh hưởng chất lượng trái thanh long khiến người trồng đứng ngồi không yên" - anh Nguyễn Văn Hùng, chủ vườn thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc, lo lắng.
Ông Huỳnh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, cho biết dịp Tết Nguyên đán 2025, toàn tỉnh dự kiến cung ứng khoảng 40.000 - 50.000 tấn thanh cho thị trường. Hơn 1 tháng qua, giá thanh long dù không tăng quá cao nhưng ổn định ở mức 15.000 - 18.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng có lợi nhuận khá. Tuy nhiên, việc thanh long bị nấm trắng đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của nhà vườn.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, nấm trắng chủ yếu xuất hiện và tấn công mạnh vườn thanh long vào mùa mưa, khi nhiệt độ từ 20 - 30 độ C. Độ ẩm càng cao càng tạo điều kiện thuận lợi cho nấm này lây lan mạnh. Nấm trắng lây lan theo gió và nguồn nước nhiễm khuẩn.
Qua theo dõi, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận nhận thấy bệnh nấm trắng xuất hiện nhiều ở những vườn thanh long thiếu vệ sinh, rậm rạp, sử dụng nhiều phân đạm hay bón phân chuồng chưa ủ hoai, dùng nhiều chất kích thích tăng trưởng...
Để xử lý nấm trắng hiệu quả, cơ quan chuyên môn khuyến cáo nhà vườn thanh long chú trọng vệ sinh sạch sẽ vườn trồng. Ngoài ra, cần xử lý ngay từ đầu, khi nấm mới xuất hiện và cây mới ra tàu non.
Bình luận (0)