Tại cơ sở Anh Quang nằm ở 71/3 ấp Vạn Hạnh, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn - TPHCM, tiếng của những chiếc máy khoan, cắt, máy tiện, mài như hoạt động liên tục. Những mảnh xương, sừng được máy cắt, làm bóng liên tục ra lò, sau đó được ghép lại thành đèn ngủ, tranh, bình hoa, chim, thú... Nhiều năm qua, những người thợ ở đây đã không ngừng cải tiến để cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm đẹp từ những thứ tưởng đã bỏ đi.
Ông Vũ Hùng Quang đang làm cờ vua bằng xương
Một nghề công phu
Ông Vũ Hùng Quang, chủ cơ sở Anh Quang, cho biết: Nghề làm thủ công từ xương, sừng, móng có xuất xứ từ làng Non ở tỉnh Hà Nam. Thuở ấy, dân làng đã dùng các phế phẩm từ trâu, bò để làm vật trang sức như lược, trâm, hộp nữ trang, chim, thú. Đến khi những người Bắc vào Nam lập nghiệp, họ mang theo nghề truyền thống và lập ra làng nghề chuyên làm thủ công mỹ nghệ ngà sừng. Ông kể: “Cũng như bao người khác, ba tôi đã mang nghề vào Nam. Những thành viên trong gia đình đã quen thuộc với các công đoạn làm ra những sản phẩm thủ công ở vùng đất mới”.
Cho tôi xem hàng trăm sản phẩm mà ông đã thực hiện, trong đó có vòng đeo tay, nhẫn, dây đeo cổ, hộp đựng nữ trang, tranh, cờ, đèn ngủ... ông nói: Nguyên liệu cho hàng thủ công mỹ nghệ chủ yếu là từ xương ống, sừng, móng của trâu, bò, có khi thêm vỏ sò, ốc. “Việc chế tác sừng cũng lắm công phu. Sừng, móng tươi thu mua về phải phơi khoảng một tuần cho khô. Sau đó, luộc nguyên liệu thô trong dầu sôi cho mềm, đưa vào máy ép thủy lực, cán thành những miếng sừng mỏng”. Ngày trước, khi chưa có máy ép, người thợ phải dùng vồ gỗ nặng vài chục ký đập cho phẳng, tốn rất nhiều công sức.
Đi lên từ thất bại
Trong xưởng của ông, ngoài những sản phẩm vừa hoàn tất được chất vào thùng chuẩn bị đóng gói, tôi còn thấy nhiều mặt bàn, đèn ngủ, đồ trang sức để khắp nơi trong phòng. Đó là những sản phẩm được ông thử nghiệm bằng các loại keo, để từ đó, xem keo nào tốt nhất trước khi ứng dụng lên sản phẩm.
Chỉ chiếc bình cao được ghép từ những miếng xương nhỏ dùng đựng bút vẽ, ông kể lại lần thất bại không thể nào quên trong đời: Lần đó tôi nhận được đơn đặt hàng xuất sang Bỉ. Nhưng ở lô hàng đầu tiên, khách hàng “mắng vốn” xương bị bung keo, rớt thành từng miếng. Sau thất bại ấy, tôi nghĩ, phải tìm mọi cách khắc phục chứ không thể để mất uy tín”. Sau khi tìm hiểu, phân tích, ông biết nguyên nhân sự cố xuất phát từ keo và mày mò nghiên cứu ra loại keo mới. “Phải mất hơn một năm, tôi mới tổng hợp được một loại keo có thể ứng dụng trên bất kỳ sản phẩm nào, dù nhiệt độ nóng hay lạnh đều không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Từ đó, sản phẩm chinh phục khách hàng trở lại và mở rộng sang thị trường Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc...”- ông nói.
Đa dạng hóa sản phẩm
Để phục vụ sản xuất, cơ sở Anh Quang đã nhập máy móc, các trang thiết bị hiện đại như máy ép, cắt, tiện, mài... Nhờ vậy, những sản phẩm từ sừng, xương và móng ngày càng tinh xảo, số lượng nhiều hơn. Ngoài những mặt hàng như bình, đèn ngủ, đèn trang trí, hộp đựng nữ trang, cờ tướng, cờ vây, tranh, khung tranh, cơ sở còn sản xuất cả tay nắm cửa, ốc đính lên các loại tủ và những đường viền trang trí cho căn hộ. Hàng loạt sản phẩm từ xương, sừng và móng mới liên tục xuất hiện đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Cơ sở của ông cũng đã giải quyết việc làm khoảng 10 lao động với mức lương từ 2 triệu đến 3 triệu đồng/tháng.
Không chỉ dừng lại ở những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trong tương lai ông Quang còn nghĩ đến những sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội. “Tôi muốn dùng xương làm ra gạch ốp tường cao cấp. Sản phẩm này vừa mang tính thẩm mỹ, vừa có giá trị cao”- ông nói.
Ông Nguyễn Văn Tiểu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Chánh, cho biết: “Hiện xã có hơn 30 hộ làm nghề thủ công mỹ nghệ từ sừng và xương. Các hộ đã giải quyết công ăn việc làm hiệu quả cho nhiều lao động. Đặc biệt, nhờ nghề này mà nhiều hộ gia đình đã làm giàu, có cuộc sống ổn định”. |
Bình luận (0)