Chiếc ghe chở đầy đất vượt sông Ruột Ngựa, tấp vào chân cầu Rạch Cây (quận 8-TPHCM). Trên bờ, ông chủ lò đất Trần Văn Tiếp (Năm Tiếp) đứng chờ sẵn với chiếc xe cút kít. Những thớ đất được chuyền lên xe, nhiều công nhân xúm lại đưa đất vào bãi để chuẩn bị làm lò.
Ông Trần Văn Tiếp với những chiếc lò đất vừa xuất xưởng
Giữ nghề truyền thống
Ở TPHCM, nói đến lò đất, nhiều người nghĩ ngay đến ông Năm Tiếp. Lò của ông không chỉ bền, đẹp, sắc màu tươi sáng mà cơ sở của ông là nơi duy nhất còn sót lại của nghề làm lò đất tại TPHCM. Ông Năm Tiếp cho biết ông đến với nghề làm lò đất đã ngót nghét 30 năm từ khi còn là đứa trẻ, chiều chiều tắm mình trên dòng sông ở bến Phú Định (quận 6- TPHCM). “Hồi đó, bến Phú Định có rất nhiều cơ sở sản xuất lò. Tôi cũng như bao như đứa trẻ trong vùng học nghề làm lò đất từ các cơ sở quanh vùng. Ngày ấy, dân trong vùng ai cũng biết làm lò bởi nghề này đem lại cơm ăn, áo mặc cho nhiều người”.
Nhưng từ khi bếp điện, bếp gas xuất hiện, nhiều cơ sở làm lò chuyển sang nghề khác. Xóm làm lò ở bến Phú Định cũng dần dần mai một. Điều này khiến ông Năm Tiếp trăn trở, lo lắng cho sự mất đi một nghề truyền thống. Sau mấy năm đi bộ đội, ông trở lại quê nhà, quyết tâm vực dậy nghề làm lò đất. Ông Năm Tiếp tâm sự: “Bấy giờ, bến Phú Định trở thành đô thị, không thể mở cơ sở. Tôi phải trở về mảnh đất ruộng của gia đình dưới chân cầu Rạch Cây, nơi có con sông Ruột Ngựa để mở cơ sở sản xuất lò. Cơ sở lò Sài Gòn được hình thành, quy tụ hơn 30 thợ vốn là những người có tâm huyết với nghề làm lò ở xóm cũ”.
Làm lò cũng lắm công phu
Ông Năm Tiếp dẫn tôi xem công đoạn làm lò. Hàng trăm chiếc lò được phơi trong khoảng sân rộng. Trong tiếng động cơ ầm ì, những người thợ nhanh nhẹn chuyển đất vào máy xay. Họ xay một lần rồi hai lần để cho đất thật nhuyễn. Cầm nắm đất trên tay, Năm Tiếp bóp mạnh, nói trong tiếng máy: “Lò phải làm từ đất sét. Nếu là đất bùn khi nung sẽ bị bể. Đất đưa về phải được xay nhuyễn, trộn với tro trấu theo tỉ lệ 7-3, để qua đêm cho dẽ mới đem đi nặn lò”.
Nói xong, ông lấy một cục đất, bắt đầu nhào nặn cho tôi xem. Qua bàn tay khéo léo của ông, thớ đất thô đã dần dần hiện lên hình dáng chiếc lò: đáy lò, miệng lò rồi cả chiếc lò đất đã thành hình. Cầm con dao cong cong có hình lưỡi liềm là dụng cụ chuyên dùng để làm lò, ông gọt lớp đất sần sùi bên ngoài. Chiếc lò trở nên mịn màng, nhẵn bóng. Rồi ông dùng miếng xắn, xắn mạnh vào lò. Miệng lò đã được mở ra. Ông giải thích: “Khi nấu củi thì phải gỡ bỏ miệng lò, còn dùng than đá thì miệng lò được giữ nguyên”. Những chiếc lò đất sau đó được mang ra phơi nắng cho khô trước khi đưa vào lò nung.
Ông chủ nghĩa tình
Đi dạo một vòng cơ sở, tôi rất ngạc nhiên khi thấy hàng ngàn chiếc lò đất lớn, nhỏ vừa ra lò chất đầy trước cửa, ngoài sân. Tôi ngập ngừng: “Ở đất Sài Gòn bây giờ, mấy ai còn dùng bếp lò...”. Ông cười: “Cô nhìn kìa, mấy chục công nhân phải làm việc liên tục mới kịp cung cấp hàng cho thị trường. Sản phẩm của tôi chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh”. Rồi ông chỉ cho tôi xem những chiếc xe từ các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Khánh Hòa... xếp hàng dài chờ lấy hàng. Lò Sài Gòn có mặt khắp mọi miền đất nước và được bà con Việt kiều, khách hàng nước ngoài đặt hàng xuất sang
Không chỉ giữ nghề truyền thống, ông chủ lò đất Sài Gòn còn có cái tình với những người thợ làm nghề. Anh Tạ Thành, cư ngụ tại đường Hậu Giang, quận 6-TPHCM, một trong những người thợ gắn bó lâu năm với nghề làm lò tại cơ sở, kể: “Cách đây vài tháng, con tôi bị bệnh. Gia đình rất khó khăn. Trong lúc túng quẫn, ông chủ đã cho tôi mượn tiền, cùng với lời động viên an ủi tận tình. Nhờ thế, con tôi vượt qua cơn bạo bệnh, gia đình bớt khó khăn. Mới đây, một công nhân chở đất bị ho, cảm sốt, ông không cho anh ấy làm việc nhưng vẫn trả lương đầy đủ. Cái tình của ông chủ khiến những người thợ như chúng tôi không thể nào rời khỏi cơ sở”. Còn ông Võ Văn Quyền ở đường Bùi Minh Trực, quận 8-TPHCM, một thợ làm nghề hơn 40 năm, tâm sự: “Tôi không chỉ quý tài của chú ấy mà còn nể phục vì sự yêu nghề. Nhờ chú ấy mà chúng tôi có công ăn, việc làm ổn định”.
Ông Năm Tiếp cho biết: “Ngoài việc làm ra những sản phẩm bền, đẹp, sắp tới, cơ sở của tôi sẽ chú trọng đến những sản phẩm đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của thị trường. Có như thế, lò đất Sài Gòn mới tồn tại và phát triển, không thể mai một trong tương lai”. |
Bình luận (0)