Không biết biệt danh Tuấn “chè” được người ta đặt cho ông Vũ Anh Tuấn từ bao giờ nhưng người đưa hương sen ý nhị vào những ấm chè đậm đà phong vị Việt chỉ nhớ mình đã trải qua hành trình 30 năm ròng để cố công lưu giữ thứ đặc sản tinh túy bậc nhất đất kinh kỳ Thăng Long này.
Bí quyết gia truyền
Chè sen là đặc sản không chỉ của riêng người Hà Nội nhưng chè sen của thủ đô nức tiếng cả nước bởi thơm ngon, tinh khiết hơn hẳn. Uống chén chè sen Hà Nội, hương vị đậm đà luôn phảng phất nơi đầu lưỡi, uống tới đâu cảm nhận được tới đó.
Người Hà Nội làm chè sen cực giỏi bởi ở vùng Hồ Tây có loại sen thơm nổi tiếng. Chè ở Tân Cương - Thái Nguyên phải được ướp hương sen Hồ Tây mới đồng điệu và đem đến mùi thơm thanh khiết nhất. Đất Thăng Long – Hà Nội xưa nay có nhiều gia đình ướp chè sen lừng danh. Ông Vũ Anh Tuấn may mắn được các bậc tiền bối truyền cho phương pháp ướp chè này.
Chừng này gạo sen được lấy ra từ 1.500 búp sen
Thấm thoắt mà đã 30 năm, Tuấn “chè” theo đuổi công việc thổi hồn cho chè sen. Ông nhớ lại: “Tôi xuất ngũ khi đất nước vừa được thống nhất. Là thương binh bậc 4/4, tôi đã từng đau khổ, chán chường hết sức vì không biết làm gì để kiếm sống. Rồi một lần được uống loại chè sen do chính tay mẹ ướp, tôi tự hỏi tại sao mình không làm thứ này để phục vụ thú thưởng chè của người Hà Nội và người sành chè nói chung!”.
Cha mẹ ông Tuấn năm nay đã xấp xỉ 90 tuổi. Chính họ là những người truyền lại cho ông các bí quyết cơ bản nhất về cách ướp chè sen của các cụ ngày trước. Tuấn “chè” tiết lộ: “Ướp chè sen không có gì phức tạp nhưng không phải ai cũng làm được nếu không có sự kiên trì, tỉ mỉ. Càng làm, tôi càng thấy phải mày mò để tìm cách nâng kỹ thuật ướp chè sen lên, nhằm đem đến cho khách hàng những ấm chè thơm ngon hơn”.
Trân quý, thanh tao
Người uống chè không hẳn chỉ để thưởng thức một thức uống đậm hồn dân tộc. Uống chè sen Hà Nội, người ta có thể cảm nhận được cả sự thanh khiết, tinh túy mà hương sen mang lại cho vị giác lẫn tâm hồn. “Sen thì nhiều nhưng để ướp chè ngon thì sen Hồ Tây dứt khoát không thể thiếu. Sen Hồ Tây đã có từ nhiều đời, không hiểu có phải là do nhờ nước hồ hay không mà nó rất thơm nên người Hà Nội mới có thứ chè sen độc đáo để tự hào” - ông Tuấn bộc bạch.
Chúng tôi có mặt ở đầm sen của anh Trọng, người chỉ trồng sen để cung cấp cho ông Tuấn ướp chè, và được tận mắt chứng kiến từng công đoạn tỉ mỉ để làm nên loại chè sen nồng nàn hương vị đất trời, thiên nhiên. Hằng ngày, ông Tuấn phải dậy lúc 4 giờ để cùng các chủ đầm đi hái sen. Mùa sen chính vụ, mỗi ngày ông phải chắt lọc, đong, đếm hương thơm từ vài ngàn bông sen để ướp cho loại chè hảo hạng từ Tân Cương chuyển về.
Sen hái về được vặt hết lá, chỉ giữ lại nhụy hoa. Trên nhụy hoa có một hạt nhỏ, màu trắng sữa giống như hạt gạo, dân gian vẫn gọi là gạo sen. Đó chính là thứ được chắt lọc ra để ướp chè. “Hàng ngàn búp sen mới lấy được vài lạng gạo sen thôi. Để ướp được một ký chè sen, tôi cần khoảng 1.300 búp sen” - ông Tuấn tiết lộ.
Ông Vũ Anh Tuấn chắt lọc gạo sen để chuẩn bị ướp chè
Để tạo ra loại chè sen hảo hạng, khó có thể nói công đoạn nào và nguyên liệu nào quan trọng hơn. Tuấn “chè” giải thích: “Nguyên liệu chính tất nhiên là chè, tôi chọn loại trồng ở Tân Cương - đất trồng chè số 1 VN. Đồi trồng chè nguyên liệu cũng được tôi đặt hàng riêng và chỉ lấy loại chè búp loại một. Quy trình trồng chè nguyên liệu được đích thân tôi giám sát, sen làm nguyên liệu ướp hương cũng thế”.
Chè sen phải được ướp trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm nghiêm ngặt và phải do chính tay ông Tuấn thực hiện. Ông trải một lớp chè nguyên liệu Tân Cương thật mỏng rồi trải tiếp một lớp gạo sen đã chọn lọc.
Cứ thế, gần một tháng sau khi chè được “tắm” trong gạo sen, chè sen mới được ra lò. Công phu là thế nên giá chè sen chẳng rẻ chút nào: 3,5 triệu đồng/kg. “Chè sen là thứ quà biếu thể hiện sự trân quý, thanh tao. Khách hàng tìm đến nhà tôi thường chỉ mua vài lạng biếu người thân hoặc gửi đi nước ngoài” – ông Tuấn nói.
Áy náy vì “vùi liễu dập hoa”
Tuấn “chè” vừa được mời làm nhân vật chính trong chương trình Người Hà Nội của Đài Truyền hình VN về những người con của thủ đô luôn đau đáu với cái hồn của đất kinh kỳ nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Giờ đây, ông đã được xem là một nghệ nhân chứ không phải là người kinh doanh chè sen bởi đã tạo ra nó bằng chính tâm hồn.
“Tôi không sợ mất bí quyết gia truyền. Thực ra, rất nhiều người làm chè sen ở Hà Nội nắm chắc kỹ thuật ướp hương sen nhưng để làm ra thành phẩm được nhiều người nhớ đến lại là chuyện khác”- ông Tuấn thổ lộ. Nhiều người đặt vấn đề mua thương hiệu “Tuấn chè” để mở rộng sản xuất nhưng ông một mực từ chối. “Làm chè sen mà sản xuất đại trà thì không thể giữ được cái tinh túy trong sản phẩm nữa. Tôi không chạy theo số lượng vì chè sen là thứ cần phải trân trọng” – ông quả quyết.
Hằng ngày phải vặt hàng ngàn hoa sen, nhiều khi ông Tuấn cũng thấy mình có lỗi với loài hoa quân tử “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” này lắm. Ông tâm sự: “Có lúc tôi thấy áy náy vì cái công việc “vùi liễu dập hoa” của mình. Với những người nho nhã, chuyện đó là tối kỵ nhưng tôi cũng nghĩ mình làm ra loại chè sen thơm ngon, tinh khiết thì sẽ giúp bao nhiêu người cảm nhận được cái đẹp, cái trong lành giữa cuộc sống hối hả ngày nay. Hoa sen tiêu biểu cho cái tâm bất biến giữa cuộc đời vạn biến và nếu phải hy sinh cho một điều ý nghĩa như thế thì chắc là sen cũng không buồn”.
Đãi khách bằng “chè sen Nguyễn Tuân”
Cơ chế thị trường nhiều phen làm hại đến thanh danh của chè sen đất Hà thành. Người ta dùng những thứ hương liệu hóa học để tẩm, ướp cho chè rồi gọi đó là chè sen.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, thưởng thức chè sen phải mở lòng và cảm nhận bằng mọi giác quan thì mới thấy được sự tinh túy của nó.
Ông Tuấn gọi sen là loại hoa “thời trân” (chữ của nhà văn Nguyễn Tuân nói về những thứ chỉ có một giai đoạn ngắn trong năm và được người ta trân quý) và vì thế, chè sen cũng là món “thời trân”.
Những bình chè sen theo kiểu nhà văn Nguyễn Tuân từng mô tả được ông Tuấn bày đãi khách |
Trong một bài viết về thú thưởng chè sen, nhà văn Nguyễn Tuân từng miêu tả về cách uống chè sen công phu tới mức khó tin: Hoa sen đang ở dưới đầm sẽ được ngậm chè trong một đêm và sáng lấy lên pha với nước pha chè là những giọt sương đọng trên lá sen.
Thế nhưng, ở những đầm sen ven Hồ Tây, Tuấn “chè” vẫn thường đãi khách bằng loại chè sen theo cách cụ Nguyễn Tuân ngày trước đã mô tả.
Nghệ nhân ướp chè tiết lộ: “Chỉ có một điểm khác nho nhỏ là chè được tôi đưa vào hoa sen lúc sáng sớm chứ không phải vào buổi tối như cụ Nguyễn Tuân nói.
Hoa sen là loại hoa nở vào ban ngày chứ không phải buổi tối như hoa lài, hoa quỳnh nên lúc tỏa hương ban ngày, hoa mới quý”. |
Bình luận (0)