Ngày 11-12, tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS - Bộ Tư pháp) đã tổ chức tổng kết công tác năm 2015 và nhiệm kỳ 2011-2015, định hướng nhiệm kỳ 2016-2020 và nhiệm vụ trọng tâm, phương hướng chủ yếu năm 2016.
Khó thu hồi tiền tham nhũng
Theo báo cáo của Tổng cục THADS, trong năm 2015, ngành THADS thụ lý hơn 791.400 vụ việc. Trong tổng số gần 596.000 vụ việc có điều kiện giải quyết, ngành này đã giải quyết được hơn 89%, vượt 1% chỉ tiêu Quốc hội giao. Tổng số tiền thụ lý trên 125.956 tỉ đồng; trong đó trên 56.300 tỉ đồng có điều kiện giải quyết và đã xử lý đạt 76%, thấp hơn 1% so với chỉ tiêu. Về thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước, đã giải quyết trên 3.043 vụ việc, thu trên 15.700 tỉ đồng đối với các vụ liên quan đến tín dụng, ngân hàng.
Tuy nhiên, năm 2015, ngành THADS có gần 257.500 vụ việc với số tiền trên 83.000 tỉ đồng phải chuyển sang giải quyết trong kỳ sau, tăng 48% về số tiền so với năm 2014.
Theo ngành THADS, nền kinh tế còn khó khăn, thị trường bất động sản chưa khởi sắc trở lại nên nhiều tài sản, nhất là bất động sản, đã kê biên, thẩm định giá nhưng rất khó bán. Nhiều vụ việc phải định giá lại nhiều lần vẫn không có người mua. Tính đến hết ngày 30-9, cả nước có trên 14.600 vụ việc đã kê biên, thẩm định giá nhưng bán đấu giá không thành, tương ứng với số tiền trên 17.558 tỉ đồng. Trong đó hơn 10.000 vụ việc bán đấu giá từ 3 lần trở lên vẫn không có người mua.
Theo ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, những năm gần đây có nhiều vụ án hình sự liên quan đến tham nhũng, thu hồi tài sản cho nhà nước, giá trị phải thi hành lớn nhưng khả năng thi hành thấp do tài sản của đương sự có giá trị rất nhỏ, không đủ bảo đảm thi hành án, nổi cộm là vụ Vinashin, Vinalines, vụ Huỳnh Thị Huyền Như.
Cán bộ nhũng nhiễu
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết một số đơn vị có biểu hiện chạy theo thành tích trong thời điểm cuối năm; số việc hoãn, trả đơn, ủy thác thi hành án chiếm số lượng lớn với gần 51.000 vụ và trên 20.751 tỉ đồng. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành ở một số đơn vị, địa phương còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều việc còn chậm, nhất là tại các cục và chi cục. Qua kiểm tra, phát hiện nhiều nơi có dấu hiệu buông lỏng quản lý và đã phải xử lý kỷ luật cả lãnh đạo cục, chi cục...
Về công tác cán bộ, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhìn nhận chưa thực sự “đi trước một bước”, chất lượng tham mưu ở cả cấp tổng cục và cấp cục còn hạn chế; kỷ cương, kỷ luật tại một số đơn vị chưa nghiêm; số lượng công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật còn nhiều như ở tỉnh Gia Lai, An Giang...; vẫn còn có nơi để xảy ra tình trạng cán bộ tham ô, nhận hối lộ như ở Chi cục THADS huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), Chi cục THADS huyện Châu Thành (Tiền Giang), Chi cục THADS TP Hội An (Quảng Nam)... gây phiền hà cho các bên đương sự, bức xúc xã hội.
Gia tăng số vụ phải bồi thường
Năm 2015, có 14 vụ việc về bồi thường nhà nước trong lĩnh vực THADS, tăng 12 vụ so với năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2011-2015. Trong số đó có 1 vụ việc đang tiến hành chi trả tiền, 2 vụ đã ra quyết định bồi thường, 5 vụ đã ra quyết định bồi thường hoặc đang xem xét ra quyết định nhưng đương sự có đơn khởi kiện. Số vụ còn lại ngành THADS đang thụ lý.
Trước tồn tại này, Bộ Tư pháp đã có văn bản chấn chỉnh, yêu cầu các cơ quan THADS chú trọng thực hiện đúng trình tự, thủ tục khi thi hành án nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng để xảy ra sai sót, vi phạm dẫn đến việc phải thực hiện trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Bình luận (0)