Góp ý vào tờ trình Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) dành nhiều thời gian để bàn về văn hóa đọc.
Theo ông, chúng ta đều biết lợi ích của việc đọc sách. Đọc sách là thói quen rất quan trọng trong việc giúp học tập suốt đời.
Đọc sách khác rất nhiều so với cập nhật thông tin, kiến thức trên không gian mạng. Đọc sách giúp thấu hiểu chính mình và cảm thông với người khác. Còn đọc lướt tin trên mạng không đầy đủ nội dung, dễ suy nghĩ phiến diện dẫn đến xu hướng muốn đả kích người khác hoặc ủng hộ thái quá.
Ông Cảnh nhấn mạnh, thói quen đọc hết một cuốn sách giúp ta hình thành thói quen làm việc đến nơi, đến chốn; còn đọc lướt trên mạng tạo thói quen hời hợt, không tập trung.
ĐB Cảnh cho rằng người Việt chúng ta cần cù nhưng dễ thỏa mãn, hiểu biết nhanh nhưng ít học từ đầu đến cuối. Cởi mở nhưng không kéo dài. Tiết kiệm nhưng cũng hoang phí do sĩ diện hoặc phô trương. Thích tụ tập nhưng thiếu kỹ năng trong hoạt động nhóm.
"Những điểm yếu này của người Việt có thể khắc phục nếu chúng ta tạo thói quen đọc sách trong toàn xã hội" - ông Cảnh khuyến nghị.
Theo ông, sách sẽ giúp nhận ra giá trị của những quy tắc ứng xử trong cuộc sống, những chuẩn mực đạo đức, có cái nhìn tích cực, thấu hiểu, chia sẻ với người xung quanh, phê phán thói hư tật xấu, từ đó hình thành trong mỗi người cách nghĩ tích cực hướng tới cái đẹp, tới lợi ích bản thân trong mối quan hệ với lợi ích xã hội. Đây chính là góp phần vào xây dựng văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt.
Tuy nhiên, muốn người khác đọc sách thì mình nên đọc trước. Nhưng hiện nay "cha mẹ muốn con đọc sách để giảm bớt thời gian sử dụng các thiết bị điện tử, nhưng phần lớn cha mẹ không đọc sách" – vị đại biểu cho hay.
Nhân cách trẻ trước đây được hình thành qua giáo dục văn hóa, đạo đức từ thầy cô, phụ huynh, xã hội. Trẻ hiện nay khá tự do, bị tác động nhiều từ các thông tin thiếu chọn lọc nên hướng trẻ đọc sách sẽ giúp giảm khoảng cách thế hệ, đứt gãy văn hóa, giúp trẻ hoàn thiện về nhân cách.
Do vậy, ngành giáo dục nên có quy định giao cho các trẻ bậc tiểu học về nhà đọc sách và tóm tắt nội dung của sách để hình thành thói quen đọc sách.
Để tạo điều kiện cho mọi người đọc sách, chúng ta cần tạo không gian đọc sách ở nhiều nơi. Không gian đọc không chỉ ở các thư viện, phố sách, cà phê sách mà ở cả sân trường, bảo tàng, vườn hoa, công viên, phòng chờ sân bay, bến cảng, khách sạn, khu du lịch, khu vui chơi, trạm chờ xe bus, nơi chờ khám bệnh, nơi chờ giải quyết thủ tục hành chính ở các cơ quan công sở.
Bình luận (0)