Đêm 22 rạng sáng 23-11-1940, khởi nghĩa bùng nổ đồng loạt tại hầu hết các tỉnh Nam Kỳ với tinh thần quật khởi, quyết liệt, hăng hái, trong đó mạnh mẽ nhất là ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long...
Cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện
Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch ở các xã, tập kích nhiều đồn bót, tiến đánh một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu, đường... Ở nhiều nơi, chính quyền địch hoang mang, tan rã, nhất là hệ thống tề ngụy ở cơ sở, nhờ đó chính quyền cách mạng được thành lập. Lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở những nơi đã thành lập chính quyền cách mạng và trong các cuộc biểu tình. Nhiều nơi chính quyền cách mạng đã đưa bọn phản cách mạng ra xét xử. Ruộng, thóc của địa chủ tay sai được chia cho nông dân nghèo…
Nhưng do thông tin về khởi nghĩa bị lộ, thực dân Pháp đã có nhiều biện pháp đề phòng, ứng phó và ngay sau đó đã thực hiện khủng bố khốc liệt, càn quét dữ dội các vùng khởi nghĩa, hòng tiêu diệt chính quyền cách mạng... Tính từ ngày 22-11 đến 31-12-1940, thực dân Pháp gây ra hơn 5.000 vụ bắt bớ; hàng ngàn người bị xử tử, tù đày, tra tấn vô cùng tàn bạo. Nhân cơ hội này, địch đã xử bắn nhiều cán bộ kiên trung của Ðảng bị bắt từ trước khởi nghĩa, như Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Ðăng Lưu...
Khởi nghĩa Nam Kỳ tuy thất bại nhưng đã có ý nghĩa thêm lần nữa hun đúc lòng yêu nước của nhân dân ta từ Nam chí Bắc. Khởi nghĩa Nam Kỳ là một biểu hiện sinh động về phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân và để lại những bài học quý báu, có thể vận dụng trong giai đoạn hiện nay.
Đình Ấp Vuông, xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP HCM ngày nay, nơi phát ra tiếng mõ trong đêm 22 rạng ngày 23-11-1940 kêu gọi nhân dân trong ấp tham gia khởi nghĩa. (Ảnh: TƯ LIỆU)
Đường lối phù hợp thực tiễn
Đó là bài học về cụ thể hóa đường lối của Đảng phù hợp với thực tiễn địa phương, đặt địa phương trong mối tương quan với cả nước và có sự phối hợp giữa các địa phương trong cả nước. Các phong trào cách mạng phải được đặt trong sức mạnh chung của toàn quốc. Hiện nay, trong phát triển kinh tế, bài học này cần được vận dụng một cách sáng tạo và phù hợp, như trên cơ sở các chủ trương, đường lối của Đảng, cần phải xây dựng thành các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể gắn với điều kiện đặc thù của từng địa phương, trong đó phải phát huy lợi thế so sánh của địa phương đó, đồng thời tăng cường giữ liên kết vùng, liên kết các địa phương với nhau, tránh tình trạng từng địa phương có định hướng phát triển nhưng còn rời rạc, thậm chí cạnh tranh nhau, không tạo nên sức mạnh chung.
Đó là bài học về công tác chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để một chủ trương, định hướng có thể thực hiện thành công, đặc biệt là chuẩn bị về các nguồn lực, kế hoạch triển khai, công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện... Trong đó, việc chuẩn bị các nguồn lực là rất quan trọng, bao gồm nguồn lực vật chất (con người, phương tiện, tài chính…) và nguồn lực tinh thần (sự đồng thuận, sự quyết tâm, tinh thần hăng hái hưởng ứng của các lực lượng…). Cần xác định rõ vai trò của từng lực lượng và có sự gắn kết, phối hợp giữa các lực lượng, trên tinh thần phát huy tốt nhất sức mạnh đại đoàn kết của các lực lượng, các thành phần. Bất kỳ sự chuẩn bị thiếu chu đáo nào cũng có thể làm một phong trào cách mạng, một hành động cách mạng không diễn ra và đạt kết quả như mong muốn.
Nhân lên sức mạnh từ sự đồng lòng
Đó là bài học về việc giữ vững sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và quần chúng; không ngừng xây dựng lực lượng cách mạng trong quần chúng; khơi dậy và nhân lên sức mạnh vĩ đại từ sự đồng tâm hiệp lực của quần chúng. Trên thực tế, các phong trào, hành động cách mạng đều phải có sự tham gia của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chẳng hạn, trong công tác chăm lo cho người lao động gặp khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, bên cạnh vai trò rất quan trọng của tổ chức Công đoàn thì sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, nhà hảo tâm… đều có ý nghĩa đặc biệt, góp phần vào kết quả chung của việc chăm lo đó. Trong đó, không phải chỉ có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp mới quan trọng mà chính sự chung tay của các chủ thể khác như chủ nhà trọ, nhà hảo tâm… cũng góp phần vào thực hiện định hướng "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Đó là bài học về tính khoa học của kế hoạch lãnh đạo khi thực hiện các phong trào cách mạng, hành động cách mạng, lúc thắng thế cũng như lúc thoái bộ; đồng thời phải có những phương án, kịch bản cho những tình huống khác nhau để bảo đảm ít tổn thất nhất, ít mất uy tín nhất, phục hồi nhanh nhất... Sự vận động của các phong trào không chỉ có đi lên theo đường thẳng mà còn những lúc khó khăn, trở ngại; trong tình huống đó cần phải chuẩn bị giải pháp ứng phó ra sao, biện pháp động viên thế nào, các cách thức phục hồi cụ thể… để các hoạt động có thể tiếp tục diễn tiến và phát triển.
Bình luận (0)