Trao đổi về vấn đề này, PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng - Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho rằng dù virus cúm A/H5N1 có khả năng gây bệnh ở các loài động vật có vú song việc lây nhiễm sang người là không dễ. Khả năng nhân bản của virus trong cơ thể động vật có vú bị suy yếu nên nguy cơ lây nhiễm trực tiếp sang người là rất thấp.
Theo bác sĩ Dũng, cúm A/H5N1 là một loại virus gây bệnh chủ yếu cho các loài chim, bao gồm gia cầm như gà, vịt. Virus này dễ dàng lây lan giữa các cá thể trong những loài chim do có cấu trúc hemagglutinin giúp xâm nhập tế bào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, virus có thể đột biến khi xâm nhập tế bào các loài động vật có vú, như hổ, báo.
"Về việc hàng chục con hổ chết vì cúm A/H5N1, khả năng lây nhiễm sang người tại vườn thú là thấp, song vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa cẩn thận. Cần cách ly các con hổ bị bệnh, vệ sinh và khử trùng khu vực chuồng trại, xử lý xác hổ đúng cách. Nhân viên vườn thú và du khách cần được trang bị đồ bảo hộ như găng tay, khẩu trang và hạn chế tiếp xúc các động vật nhiễm bệnh" - bác sĩ Dũng lưu ý.
Để ngăn chặn sự lây lan của virus cúm A/H5N1, cụ thể là trong môi trường vườn thú, việc tuân thủ các biện pháp an toàn sinh học là cần thiết. Cần tránh tiếp xúc với gia cầm hoặc động vật bị bệnh; thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên và nấu chín kỹ thực phẩm từ động vật. Nhân viên làm việc, tiếp xúc với động vật cần được bảo vệ bằng đồ bảo hộ chuyên dụng và tuân thủ các hướng dẫn từ cơ quan y tế.
"Dù nguy cơ lây lan cúm A/H5N1 từ hổ sang người là thấp song việc thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp kiểm soát tình hình và bảo vệ sức khỏe cộng đồng" - bác sĩ Dũng khuyến cáo.
Bình luận (0)