Liên quan đến chùm ca ngộ độc tại TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai do ăn bánh mì, tính đến trưa 3-5 đã có 469 ca nhập viện, trong đó 1 ca là bé N.H.T.A (13 tuổi) điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM).
Còn tại TP HCM, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cũng tiếp nhận và đang điều trị 16 ca là học sinh tại 4 trường tiểu học trên địa bàn nghi do ngộ độc thực phẩm. Đa số các em nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy sau khi ăn sushi (cơm cuộn) bày bán trước cổng trường, một số em có ăn thêm bánh mì.
PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết các triệu chứng, biểu hiện mức độ nặng hay nhẹ tùy thuộc thực phẩm bị ôi thiu chứa ít hay nhiều độc tố. Thông thường, dấu hiệu ngộ độc xuất hiện từ 6 - 12 giờ sau khi ăn với các triệu chứng như đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt...
Bác sĩ Quang nhấn mạnh thời tiết nắng nóng gay gắt, đồ ăn để bên ngoài vài giờ sẽ có nguy cơ ôi thiu, việc bảo quản cũng khó khăn và không phải thực phẩm nào cũng có thể bảo quản lạnh. Vì vậy, những thực phẩm thừa không cần thiết thì nên bỏ đi.
Ngoài ra, với những nơi bán thức ăn số lượng lớn nếu cha mẹ mua cho con thì nên kiểm tra mùi vị, màu sắc trước khi ăn. Sau khi ăn để ý nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu như nôn ói, tiêu lỏng, kèm theo sốt nhiều… thì nên đến cơ sở y tế thăm khám ngay.
Với chùm ca ngộ độc tại Đồng Nai, theo bác sĩ Quang, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã cử đoàn chuyên gia về hồi sức cấp cứu đến Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai để hỗ trợ trực tiếp về chuyên môn. Bên cạnh đó, Sở Y tế TP HCM yêu cầu Bệnh viện Nhi Đồng 1 chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận các trường hợp nặng từ Đồng Nai chuyển đến.
Ngày 3-5, trong Công điện số 44, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai những biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Trong đó, yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các ngành chức năng tập trung cứu chữa các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm xảy ra tại TP Long Khánh.
Công an TP Long Khánh cho biết đã phối hợp nhiều đơn vị làm việc với những người liên quan vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì.
Bước đầu, cơ quan chức năng xuống cơ sở bánh mì Băng, nơi các bệnh nhân từng mua bánh mì ăn trước đó để lấy mẫu thức ăn đi giám định nhằm xác định nguyên nhân. Tiệm bánh mì này không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Lực lượng chức năng đã yêu cầu cơ sở tiếp tục tạm ngưng hoạt động kinh doanh cho đến khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Ng.Tuấn - B.T.C
Bình luận (0)