Cả nước hiện có 272/289 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) với 443/512 dây chuyền kiểm định đang hoạt động, với công suất phục vụ trung bình tối thiểu một tháng là 637.920 phương tiện. Ngoài ra, do việc phân bố TTĐK không đồng đều về địa lý dẫn đến chỗ thiếu, chỗ thừa nên dự báo thời gian tới, với số lượng phương tiện kiểm định gia tăng sẽ dẫn đến nguy cơ ùn tắc tái diễn.
Lượng ô tô cần kiểm định tăng dần
Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày gần đây, lượng phương tiện đến kiểm định tại các TTĐK đang có xu hướng gia tăng tại Hà Nội và nhiều địa phương khác.
Ông Trần Quốc Hoan, Phó Giám đốc phụ trách TTĐK xe cơ giới 2903V (quận Đống Đa, TP Hà Nội), cho biết từ đầu tháng 12, lượng phương tiện đến kiểm định tăng dần. Trung bình mỗi ngày trên 100 chiếc, có ngày 170 xe - tiệm cận thời gian cao điểm quá tải đăng kiểm dịp đầu năm 2023.
"Chúng tôi đã động viên các đăng kiểm viên tăng ca, làm thêm giờ để kiểm định xe cho người dân. Nếu lượng xe chờ đợi nhiều thì chúng tôi sẽ ghi phiếu hẹn cho người dân, tránh cảnh phải chờ đợi lâu hay xảy ra ùn tắc giao thông trước trạm" - ông Hoan nói.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, nguyên nhân gia tăng lượng phương tiện đến kiểm định là do vào dịp cuối năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách tăng cao. Ngoài ra, người dân có nhu cầu đi lại nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm nên lượng phương tiện đến kiểm định đều tăng vào giai đoạn này. Cùng với đó, một lượng lớn các phương tiện thuộc nhóm được miễn kiểm định lần đầu, giãn chu kỳ kiểm định, tự động gia hạn kiểm định đến lúc phải thực hiện kiểm định.
Cục Đăng kiểm Việt Nam dự báo nguy cơ ùn tắc đăng kiểm có thể xảy ra tại 7 địa phương trong tháng 12-2023, gồm: Hà Nội, Đồng Tháp, Hà Giang, Kon Tum, Thừa Thiên - Huế, TP HCM và Trà Vinh. Trong tháng đầu năm 2024, nguy cơ ùn tắc có thể mở rộng ra một số địa phương khác, nhất là những tỉnh lân cận Hà Nội và TP HCM do các chủ xe từ 2 thành phố lớn này có thể di chuyển sang để đăng kiểm.
Đến nay, cả nước có khoảng 958 đăng kiểm viên bị khởi tố, xin nghỉ việc hoặc bỏ việc. Nhiều TTĐK bị tạm đình chỉ từ 1 đến 3 tháng. Thậm chí, một số TTĐK có nguy cơ bị đóng cửa do 100% đăng kiểm viên bị khởi tố. Điều này sẽ khiến việc đăng kiểm khó đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân trong dịp Tết Nguyên đán và những tháng tiếp theo của năm 2024.
Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết lượng ô tô cần kiểm định đang tăng dần, không chỉ ở Hà Nội, TP HCM mà còn ở các tỉnh, thành khác. "Cục đang cố gắng chỉ đạo phân bổ nhân lực để không xảy ra ùn tắc" - ông An nhấn mạnh.
Nhiều giải pháp chống ùn tắc
Để chủ động phòng ngừa tình trạng ùn tắc, Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các TTĐK vận động cán bộ, nhân viên tăng ca, làm thêm giờ kể cả ngày nghỉ, ngày lễ nhằm phục vụ người dân. Các TTĐK cần chủ động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt, khoa học việc bố trí, sắp xếp nhân sự, cơ sở vật chất kỹ thuật của đơn vị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trong việc kiểm định.
Các TTĐK cũng được yêu cầu chủ động liên hệ với một số địa phương có những đơn vị đăng kiểm dư thừa năng lực kiểm định để trưng dụng, bổ sung tạm thời lực lượng đăng kiểm viên, nhất là tại TP HCM và Hà Nội, nhằm khôi phục hoạt động dây chuyền kiểm định, tăng năng suất, giảm áp lực.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có văn bản báo cáo Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét cho phép cơ quan này và các TTĐK trên cả nước được lựa chọn một số đăng kiểm viên có chuyên môn vững nhưng bị khai trừ Đảng và xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, để ký hợp đồng lao động cho tới khi tòa án đưa ra xét xử.
Trường hợp những đăng kiểm viên này bị tòa án xét xử nhưng cho hưởng án treo, Cục Đăng kiểm Việt Nam kiến nghị chưa thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên để tiếp tục ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn.
Đối với các TTĐK phải tạm đình chỉ hoạt động trong thời gian 3 tháng, kiến nghị được phép tiếp tục kiểm định lại ngay nếu có kết quả đánh giá đạt yêu cầu để phục vụ nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân và doanh nghiệp, tránh tình trạng quá tải của các đơn vị và thiệt hại không đáng có cho xã hội.
Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo người dân nên đăng ký lịch hẹn kiểm định qua App TTDK và đưa xe đến kiểm định theo đúng khung giờ lựa chọn đã được xác nhận. Ngoài ra, cần linh hoạt trong đăng ký trực tiếp, có thể tranh thủ về quê, đi công tác, du lịch để đăng kiểm xe tại các địa phương khác. Bên cạnh đó, chủ động kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các hư hỏng của phương tiện trước khi đi kiểm định.
Khi đưa xe đi đăng kiểm, người dân cần tra cứu cảnh báo tại mục "Phương tiện xe cơ giới cho chủ phương tiện" trong mục "Tra cứu dữ liệu" trên Cổng thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam để kiểm tra tình trạng phạt nguội và chủ động xử lý trước khi tới TTĐK. Cùng với đó, chuẩn bị giấy đăng ký xe hoặc giấy biên nhận giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện đang thế chấp của tổ chức tín dụng còn hiệu lực...
TP HCM: Chủ động phân bổ lưu lượng nhận hồ sơ trực tuyến
Ngày 16-12, ghi nhận tại một số TTĐK ở TP HCM như: 50-01S, 50-07V, 50-19D (quận Bình Tân); 50-04V (phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức)... cho thấy đều thông thoáng. Nhiều tài xế thở phào vì không xảy ra tình trạng chen chúc chờ kiểm định như thời gian trước.
Anh Phạm Quang Huy (ngụ quận Bình Tân; chủ xe tải) cho biết anh chạy xe đến TTĐK lúc 8 giờ 30 phút. Sau gần 2 giờ thì phương tiện được đăng kiểm xong. "Tôi nghe dự báo cuối năm nhiều khả năng ùn ứ đăng kiểm trở lại nhưng hôm nay đến kiểm định, xe không đông lắm. Việc kiểm định cũng khá nhanh nên đến chiều, tôi có thể về chạy tiếp đơn hàng mà lúc đầu dự định gác lại" - anh Huy phấn khởi.
Một phó giám đốc TTĐK tại TP Thủ Đức (TP HCM) cho biết việc tự động gia hạn đăng kiểm đã giảm đi lượng lớn xe cá nhân đến các trung tâm. Cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, để tránh xảy ra ùn tắc đăng kiểm, ảnh hưởng tới người dân, hiện các trung tâm đẩy mạnh hướng dẫn chủ phương tiện đăng ký đặt lịch hẹn kiểm định trực tuyến qua ứng dụng của Cục Đăng kiểm để thuận lợi cho việc kiểm định, hạn chế phải chờ đợi, gây ùn tắc tại các trung tâm.
Lãnh đạo trung tâm này cho hay căn cứ lịch hẹn trên ứng dụng TTĐK của Cục Đăng kiểm, hằng ngày, đơn vị đều chủ động phân bổ lưu lượng nhận hồ sơ trực tuyến, đến khi đủ sẽ ngưng nhận hồ sơ. Một số trung tâm còn vận động cán bộ, nhân viên tăng ca, làm thêm giờ để phục vụ người dân.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, trong tháng 12-2023, khoảng 145.000 xe sẽ đến hạn đăng kiểm. Trong khi đó, TP HCM hiện còn 37/53 chuyền kiểm định với khoảng 135 kiểm định viên làm việc với công suất tối đa (nếu làm việc cả thứ bảy, chủ nhật) đạt 2.280 chiếc/ngày, tương đương khoảng 60.000 chiếc/tháng.
Ý Linh
Bình luận (0)