Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết bất lợi, sóng to, gió lớn nên đoàn không thể trực tiếp lên Nhà giàn được. Vì vậy, các đại biểu chỉ có thể giao lưu, thăm hỏi, động viên các cán bộ, chiến sĩ trên Nhà giàn DKI/10 qua hệ thống bộ đàm.
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu, Phó trưởng đoàn công tác Đặng Ngọc Tùng đã thay mặt đoàn công tác gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DKI/10 đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc.
Ông xúc động bày tỏ dù cách xa đất liền, thời tiết khí hậu khắc nghiệt; điều kiện cuộc sống, sinh hoạt và đi lại vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DKI/10 trong những năm qua đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
"Chúng tôi ghi nhận và cảm ơn những đóng góp, cống hiến của các đồng chí đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn vững tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, tạo điều kiện quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước" - nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nói.
Với tình cảm gắn kết, luôn hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu, Quỹ học bổng Vừ A Dính; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai, tỉnh Hải Dương luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng, chăm lo phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; tích cực đi đầu trong tham gia các chương trình, mục tiêu xây dựng và phát triển biển, đảo; quan tâm, chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, Nhà giàn DKI; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội và mong các đồng chí có điều kiện, môi trường công tác tốt nhất.
Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa - Trường Sa chúc cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DKI/10 vững tay súng, đổi mới sáng tạo trong công tác chuyên môn, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Thay mặt cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DKI/10, thiếu tá Lê Đình Tiến, Chính trị viên Nhà giàn DKI/10, bày tỏ thông cảm cho đoàn công tác do điều kiện khách quan không trực tiếp lên Nhà giàn được. Đồng thời cho biết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DKI/10 rất vui và vinh dự được đón các đoàn công tác đến thăm, động viên lực lượng đang làm nhiệm vụ trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
Thiếu tá Lê Đình Tiến cho biết đây là món quà tình nghĩa vô giá, là nguồn cổ vũ động viên to lớn, kịp thời của cấp ủy, chỉ huy các cấp cùng đồng bào cả nước, giúp cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DKI/10 yên tâm công tác, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió.
Những năm vừa qua, Nhà giàn DKI/10 luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội, Quân chủng Hải quân, các cấp lãnh đạo. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội trên Nhà giàn DKI/10 được cải thiện đáng kể. Hằng năm, Nhà giàn DKI/10 được đón nhiều đoàn công tác ra thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ. Chính những dự quam tâm này đã giúp cho cán bộ, chiến sĩ hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, nêu cao sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện chiến đấu, giúp đỡ ngư dân vươn khơi bám biển.
Thiếu tá Lê Đình Tiến Xin khẳng định: "100% cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DKI/10 luôn đoàn kết, hiệp đồng, khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; bảo vệ vững chắc chủ quyền khu vực biển, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Dù có khó khăn, gian khổ đến đâu chúng tôi vẫn kiên trì bám biển, bám Nhà giàn với khẩu hiện "Còn người, còn Nhà giàn", xứng đáng là cột mốc chủ quyền trên biển của Tổ quốc".
Thông qua bộ đàm, đoàn công tác và các chiến sĩ trên Nhà giàn DKI/10 đã giao lưu văn nghệ, thể hiện tình cảm quân - dân khắng khít; gửi gắm tình cảm của nhân dân đất liền với các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ trên Nhà giàn. Tuy không trực tiếp lên Nhà giàn được nhưng các phần quà của đất liền đã được chuyển đến các chiến sĩ trên Nhà giàn.
Nhà giàn DKI/10 là 1 trong 15 Nhà giàn DKI được lắp đặt trên bãi cạn Cà Mau, thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. DKI là cụm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật được xây dựng dưới dạng các nhà giàn, trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, cách đất liền khoảng 250-350 hải lý. DK là chữ cái đầu viết tắt của cụm từ Dịch vụ - Khoa học kỹ thuật, được hiểu như một công trình phục vụ mục đích dân sự trên biển.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà cán bộ, chién sĩ và nhân dân đào Thổ Chu (hay còn gọi là đảo Thổ Châu). Đây là một quần đảo nằm trong vịnh Thái Lan, ở về phía Tây Nam đảo Phú Quốc và được xem là ở cực Tây Nam của Việt Nam. Toàn bộ quần đảo này cấu thành xã đảo Thổ Chu thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Trên đảo có bốn bãi biển là bãi Ngự, bãi Dong, bãi Mun và bãi Nhất, trong đó bãi Ngự và bãi Dong là lớn hơn cả.
Đây là đảo xa bờ nhất so với Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung. Từ lâu, các hải đồ của người phương Tây thường gọi đảo này là Poulo Panjang (nghĩa là "cù lao dài" hoặc "đảo dài").
Quần đảo Thổ Chu có vị trí đặc biệt quan trọng trong vùng biển Tây Nam. Những năm qua, quân đội cũng như tỉnh Kiên Giang đầu tư phát triển về mọi mặt kể cả về kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh.
Bình luận (0)