Nhà báo Trần Mai Hạnh đang cùng em trai mình là Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, có chuyến đi dọc chiều dài đất nước. Các ông thăm lại các đồng nghiệp, đồng đội cũ cũng như những địa danh lịch sử nơi các ông đã có nhiều kỷ niệm những năm kháng chiến chống Mỹ.
Nhà báo Trần Mai Hạnh sinh ngày 1-1-1943 tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp văn (nay là khoa văn Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) rồi làm báo tại Thông tấn xã Việt Nam.
Ông nguyên là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII, IX); Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (khoá VI, VII); nguyên Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, nguyên Uỷ viên Ban Lãnh đạo Liên đoàn báo chí các nước ASEAN, đại biểu Quốc hội khoá X…
Ông từng là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Trong quãng thời gian từ 1965-1975, ông có mặt trên các mặt trận, chiến trường trong Nam, ngoài Bắc.
Ông là Đặc phái viên TTXVN tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử trưa 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập.
Ông từng nhận Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam; Huy chương của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ); Huy chương Phêlích Enmuxa của Hội Nhà báo Cuba.
Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh có một số tác phẩm như "Nắng Thu Bồn", "Tình yêu và án tử hình", "Sụp đổ và tự thú", "Ngày tận thế", "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" (2017), "A war account 1-2-3-4.75" (phiên bản tiếng Anh của Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75), "Lời tựa một tình yêu", "Thời tôi sống"...
Trong đó, tiểu thuyết "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 hạng mục văn xuôi, giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015.
Bình luận (0)