Tại Chương trình Đối thoại chính sách năm 2024 với chủ đề: "Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững, tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng" do UBND TP HCM phối hợp với Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức ngày 18-9, Tiểu ban Du lịch, nhà hàng và khách sạn thuộc Eurocham nêu tình trạng xếp hàng dài chờ đợi tại quầy xuất nhập cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất tác động tiêu cực đến ấn tượng đầu tiên và cuối cùng của du khách, củng như hình ảnh của thành phố.
Cơ quan này kiến nghị cần bảo đảm đủ nhân viên phụ trách xuất nhập cảnh, nhất là vào thời gian cao điểm. "Nhiều nhà đầu tư nước ngoài băn khăn vì sao phải mất thời gian quá lâu mới có thể qua cửa an ninh ở sân bay?" - đại diện tiểu ban này đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Công Hoàn, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cho biết sân bay Tân Sơn Nhất đang phục vụ hơn 41 triệu lượt hành khách/năm, vượt qua công suất thiết kế ban đầu từ 28-30 triệu lượt. Trong khi đó, nhà ga mới (T3) với công suất 20 triệu lượt hành khách đang được xây dựng và dự kiến đến 30-4-2025 mới đưa vào hoạt động. Từ năm 2026, sân bay Long Thành mới đưa vào khai thác.
Với cơ sở hạ tầng quá tải như vậy, lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất cho rằng khó tránh khỏi hạn chế về chất lượng dịch vụ, sự đông đúc lúc cao điểm.
"Liên quan việc xuất nhập cảnh, những năm qua, UBND TP HCM đã có nhiều chỉ đạo, làm việc với công an cửa khẩu - lực lượng đầu tiên tiếp xúc với hành khách, trong đó gồm cả doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến Tân Sơn Nhất.
Nhiều giải pháp đã được triển khai, như lắp đặt thử nghiệm nhập cảnh tự động, nhưng việc chuyển đổi kỹ thuật số đòi hỏi cập nhật hệ thống dữ liệu. Cảng sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến đóng góp, làm việc với công an cửa khẩu và các đơn vị liên quan để cải thiện chất lượng dịch vụ, đáp ứng được mong đợi của du khách khi tới TP HCM" - ông Hoàn nói.
Một số ý kiến còn phản ánh bất cập trong quá trình hoàn thuế GTGT. Công ty TNHH Thép Vina Kyoei (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra hoàn thuế GTGT tại công ty từ tháng 2-2023, thời gian 10 ngày.
Tuy nhiên, sau gần 1 năm rưỡi, đoàn kiểm tra gần đây mới gửi biên bản kiểm tra cho công ty, trong đó kết luận không đủ điều kiện hoàn thuế cho toàn bộ số thuế xin hoàn của doanh nghiệp là trên 88 tỉ đồng.
Đoàn kiểm tra căn cứ vào việc công ty có mua hàng của 8 nhà cung cấp thuộc các trường hợp rủi ro cao về thuế và hóa đơn để từ chối hoàn thuế, dù công ty đã cung cấp đầy đủ tài liệu để chứng minh các giao dịch này là có thật và thực tế đã diễn ra.
"Kết luận của đoàn kiểm tra là thiếu cơ sở pháp lý theo các quy định hiện hành về hoàn thuế GTGT. Việc từ chối hoàn của cơ quan thuế gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp" - Vina Kyoei băn khoăn.
Công ty này kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xem xét vấn đề hoàn thuế GTGT của công ty và chỉ đạo Cục Thuế xem xét, xử lý hồ sơ hoàn thuế một cách thấu đáo, phù hợp với các quy định hiện hành, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà đầu.
Tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư
Phát biểu với cộng đồng doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đã chia sẻ về bối cảnh địa chính trị và những thách thức kinh tế toàn cầu trong giai đoạn hiện tại. Ông cũng đưa ra định hướng phát triển bền vững mà TP HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đang hướng đến.
Về kiến nghị cụ thể của các nhà đầu tư ở từng lĩnh vực, như trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, ông Võ Văn Hoan thừa nhận giao thông, hạ tầng tại các tỉnh, thành phía Nam chưa phát triển nhiều. Hạ tầng là khâu yếu nhất ở phía Nam và đang được Chính phủ quan tâm đẩy mạnh đầu tư gần đây.
"TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, ĐBSCL luôn sẵn sàng hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, nhằm giải quyết các khó khăn về cơ chế, chính sách và lắng nghe những đóng góp từ phía doanh nghiệp. Thành phố cam kết tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, dài hạn vào khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam" - ông Võ Văn Hoan khẳng định.
Bình luận (0)