Cách đây vài tháng, chị H.T.K.L (TP HCM) nhận cuộc gọi từ số điện thoại 0947xxxxxx xưng là "Công an phường Đa Kao, quận 1" thông báo định danh điện tử mức 2 của chị bị sai sót, không đưa lên mạng được. Cả tin, chị đã đồng ý nhờ giải quyết.
Thấy "cá cắn câu", bọn lừa đảo dẫn dắt nạn nhân qua nhiều công đoạn với nhiều người, nhiều cơ quan công an khác nhau để rồi 3 ngày sau, chị bị bọn chúng lấy mất từ tài khoản ngân hàng 3 lần tổng cộng gần 1,5 tỉ đồng.
Để xử lý tình trạng các cuộc gọi rác làm phiền, thậm chí lừa đảo người dùng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản buộc các nhà mạng phải có trách nhiệm trong cuộc chiến dai dẳng nhiều năm chống sim rác. Các sim đang hoạt động theo quy định đều được gắn với chủ nhân cụ thể và được xác thực, đồng bộ hóa thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia. Thực tế, sim rác vẫn còn lộng hành, tiếp tục xuất hiện những cuộc gọi, tin nhắn xấu mạo danh, hù dọa, lừa đảo người dùng điện thoại di động. Bọn tội phạm này đã thách thức và bất chấp khi "dám" sử dụng các số thuê bao của các nhà mạng lớn. Từ sim rác nay thành cuộc gọi rác, tiếp tục ám ảnh công chúng và gây hại cho xã hội. Phải chăng đó là hậu quả của việc xử lý nửa vời, không đến nơi đến chốn, thậm chí không đủ sức răn đe?
Trong thời gian qua, nhà chức trách đã tiến hành thêm một biện pháp trong cuộc chiến phòng chống tội phạm dạng này là định danh cuộc gọi, tin nhắn. Trước hết, là định danh đối với các số điện thoại của cơ quan nhà nước (đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật…); các tổ chức - dịch vụ có quan hệ rộng với công chúng (như ngân hàng)… Khi liên lạc với người dân, các số điện thoại này sẽ hiển thị rõ ràng tên cơ quan. Người dân cẩn thận sẽ phân biệt được đâu là cuộc gọi chính danh.
Vì thế, trong khi vẫn tiếp tục thực hiện nỗ lực chống sim rác, quản lý chặt chẽ từng số thuê bao, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh truyền thông liên tục, thường xuyên để nâng cao ý thức của công chúng biết cách nhận diện và có thể chủ động tự bảo vệ. Các thông báo cho người dân cũng chỉ được cơ quan chức năng cập nhật qua những kênh truyền thông chính thức, bao gồm những tài khoản chính thức trên mạng xã hội.
Khi nhận báo cáo các số điện thoại mạo danh, lừa đảo, cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác minh, xử lý và hồi đáp cho người báo tin, đồng thời đưa lên các kênh thông tin chính thức để thông báo và răn đe. Bên cạnh đó, nhà mạng di động cần mạnh tay khóa ngay (trước mắt là có thời hạn) các số thuê bao vi phạm.
Bình luận (0)