Mới đây, tại cuộc thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội tại kỳ họp thứ 9, ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, đánh giá dù đã có nhiều chính sách phát triển nhà ở xã hội song nguồn cung còn hạn chế.
Ông cũng chỉ ra rằng giá nhà ở xã hội hiện nay còn cao so với thu nhập của người lao động.Ông Hạ phân tích: "25 triệu/m2 với người thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng rất khó để mua được nhà ở xã hội. Hay giá thuê nhà nếu ở mức 6 triệu đồng/tháng vẫn là cao so với đối tượng cần nhà ở xã hội, bởi họ chủ yếu thu nhập thấp, công việc bấp bênh".
Làm việc tại một công ty giày da ở quận Bình Tân, TP HCM 20 năm nhưng đến nay gia đình chị Nguyễn Thị Cẩm Nho (quê Đồng Tháp) vẫn ở trọ.
Thu nhập hiện tại của chị khoảng 9 triệu đồng/tháng, có thể lên tới 12 triệu đồng nếu tăng ca đều. So với trước, mức thu nhập này đã tăng nhiều nhưng vẫn chỉ vừa đủ để sống.
Vật giá leo thang, trong khi các chi phí thiết yếu như tiền thuê trọ, ăn uống, nuôi con, gửi trẻ, y tế... liên tục tăng. Tiền lương chị chỉ đủ chi tiêu cơ bản và gửi một ít tiền về quê phụ giúp cha mẹ già. "Không dư được đồng nào để tiết kiệm, nói gì đến chuyện mua nhà hay lo cho tương lai con cái" - chị Nho bộc bạch.

Điều kiện sống của người lao động hiện nay khá thấp do nhà trọ chật hẹp, bí bách
Từng có lúc chị hy vọng sẽ sở hữu một căn nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh, thời điểm ấy, nhà ở nơi đây có giá khoảng 1 tỉ đồng cho căn hộ 50m². Nhưng giấc mơ an cư sớm vụt tắt khi chị biết phải có sẵn ít nhất 200 triệu đồng để thanh toán trước và thu nhập ổn định để trả góp hơn 8 triệu đồng/tháng. "Với đồng lương công nhân, không có tài sản thế chấp, tôi không đủ điều kiện vay ngân hàng. Cuối cùng đành ngậm ngùi bỏ cuộc" - chị Nho kể.
Hiện cả gia đình chị Nho gồm ba người đang sống trong căn phòng trọ chật chội, mùa nắng thì oi bức, mùa mưa lại thấp thỏm lo ngập nước. Không gian sống thiếu thốn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày mà còn khiến con chị thiệt thòi hơn so với bạn bè cùng tuổi.
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP thương mại cơ khí Tân Thanh, TP Thủ Đức, cho rằng hiện nay tiền lương của người lao động chỉ vừa đủ ăn, đủ mặc, việc để tích lũy rất hạn chế nên khó "mơ" nhà ở xã hội. Ông rất mong chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ linh hoạt theo hướng cho thuê nhà với giá tốt nhất để cải thiện điều kiện sống, hoặc bán với giá ưu đãi cho công nhân.

Thu nhập thấp khiến công nhân khó tiếp cận nhà ở xã hội
Còn ông Trần Châu Giang, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP dịch vụ bảo vệ Long Hải (quận Phú Nhuận) nhận xét Luật Nhà ở năm 2023 đã bổ sung thêm một số đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, trong đó có công nhân, lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp,…
Tuy nhiên thực tế thì các thủ tục, điều kiện mua nhà loại hình này còn khá phức tạp, công nhân lao động khó lòng đảm bảo được, phải thực hiện nhiều thủ tục, giấy tờ để xác nhận các điều kiện. Vì vậy, ông Giang đề xuất có thêm các cơ chế, đơn giản hóa quy trình, thủ tục về các điều kiện thụ hưởng nhà ở xã hội đối với công nhân lao động để họ dễ dàng tiếp cận, thực hiện khi muốn mua nhà ở xã hội.
Bình luận (0)