Ngoài nhà vô địch AVC Challenge Cup 2024 cử sang lực lượng gần như mạnh nhất, 6/7 đội bóng tham dự giải đấu ở Thượng Hải lần này đều chỉ đưa đến thành phần tuyển trẻ, thậm chí đội trẻ của cấp CLB như Trẻ Thượng Hải (Trung Quốc), U17 Trung Quốc, U21 Canada, U22 Pháp, CLB Air Asia (Thái Lan), CLB Red Sparks (Hàn Quốc)…
Việc tham dự giải giao hữu quốc tế Future Star được xem là một phần trong kế hoạch chuẩn bị của đội tuyển nữ Việt Nam hướng tới các giải đấu chính thức còn lại trong năm 2024. Theo HLV Nguyễn Tuấn Kiệt, đội tuyển Việt Nam dự định xem giải đấu là cơ hội cọ xát cho nhiều tuyển thủ trẻ như Trà My, Như Quỳnh, chưa kể 3 thành viên đội tuyển U20 được bổ sung cho chuyến đi lần này là Vân Hà, Đặng Hồng và Quỳnh Hương.
Quan điểm kế thừa, tiếp nối hoặc tăng cường cơ hội cọ xát cho các cầu thủ trẻ tại những giải giao hữu là không sai nhưng vấn đề là tại sao Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam không cử đội tuyển nữ U20 quốc gia tham dự giải cho "danh chính ngôn thuận"? Ê-kíp này vừa xếp hạng 5 Giải Vô địch trẻ châu Á, chính thức giành suất tham dự Giải Vô địch U21 nữ thế giới năm 2025. Nếu được tranh tài, học hỏi kinh nghiệm từ nhóm đối thủ đồng trang lứa hoặc chênh lệch 1-2 tuổi, chẳng phải quá tốt cho tuyển U20 Việt Nam hay sao?
Đội tuyển nữ Việt Nam hiện là cái tên thật sự nổi bật ở khu vực cũng như châu lục khi 2 năm liên tiếp vô địch AVC Challenge Cup, 2 lần liên tiếp được dự FIVB Challenger Cup, xếp hạng 4 chung cuộc ở Giải Vô địch châu Á 2023 lẫn Asian Games 19. Sẽ ra sao nếu như đội thi đấu không thành công ở giải đấu gồm toàn đội bóng trẻ?
Bình luận (0)