Việc nhận diện và phân tích các biểu hiện tư tưởng trong nội bộ là rất cần thiết, để từ đó có biện pháp phù hợp nhằm nâng cao tính thống nhất, đoàn kết và hiệu quả hoạt động
Trong nội bộ của tổ chức Đảng, tư tưởng của đảng viên có thể có nhiều biểu hiện khác nhau, phản ánh sự nhất quán hay bất đồng trong quan điểm, chính sách, cũng như thái độ đối với nhiệm vụ chính trị.
Khác biệt là bình thường
Về cơ bản, đảng viên hiện nay có sự thống nhất đối với các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, với những định hướng của cấp ủy và tổ chức Đảng, từ đó đồng lòng trong việc thực hiện các nhiệm vụ. Hầu hết đảng viên thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, choàng gánh lẫn nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ, tạo điều kiện cho sự phát triển chung của tổ chức và đơn vị.
Tuy nhiên, ở các tổ chức Đảng, nếu có sự khác biệt về nhận thức, tư tưởng và hành động thì cũng là điều bình thường. Chẳng hạn, một số đảng viên có thể thể hiện sự nghi ngờ hoặc lo lắng về các quyết sách, đặc biệt là những vấn đề liên quan các đổi mới chưa có tiền lệ hay thay đổi lớn.
Một số ý kiến có thể phản ánh sự thiếu tin tưởng vào khả năng lãnh đạo hoặc quản lý của các cấp ủy, dẫn đến tâm lý hoài nghi. Trong đó, sự tác động của các luồng thông tin không chính thống, thông tin xuyên tạc có thể dẫn đến việc dao động hoặc hoài nghi không có căn cứ về chủ trương, đường lối, nhân sự…
Bên cạnh đó, có thể các đảng viên có quan điểm khác nhau về cách thức thực hiện chủ trương, chính sách, giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị…, dẫn đến mâu thuẫn trong nội bộ. Thậm chí, tình trạng tham nhũng hoặc lạm dụng quyền lực cũng có thể làm xuất hiện các ý kiến trái chiều hay gây chia rẽ trong tổ chức.
Tác động từ các yếu tố khách quan hoặc việc dao động cũng có thể dẫn đến sự chuyển biến tư tưởng, khiến một số đảng viên không còn giữ vững lập trường như trước. Trường hợp đảng viên thể hiện mong muốn đổi mới, cải tiến cách tiếp cận nhằm phù hợp hơn với thực tiễn và nhu cầu phát triển, song do sự kìm hãm của lãnh đạo tổ chức Đảng và lãnh đạo đơn vị cũng có thể làm cho nội bộ không còn thuần nhất.
Ngoài ra, do tích tụ các vấn đề tiêu cực chưa được giải quyết triệt để - như: Mất dân chủ, bất bình đẳng; xử lý vấn đề về lợi ích chưa thỏa đáng; sự sắp xếp tổ chức, bộ máy gây ra trường hợp bị mất chức vụ hoặc phải thay đổi công việc không thuận lợi… - có thể khiến một số đảng viên không còn thể hiện sự nhiệt huyết, trách nhiệm trong các hoạt động của Đảng, từ đó dẫn đến không khí làm việc trở nên kém sôi nổi. Một số đảng viên có thể suy thoái về tư tưởng, kiến thức và năng lực không còn đáp ứng được yêu cầu nên tỏ ra thờ ơ, thiếu động lực trong công việc, hoặc do các khó khăn, áp lực từ nhiệm vụ cũng khiến họ "mất lửa".
Nâng cao trình độ lý luận chính trị
Tất cả điều đó có thể trở thành vấn đề về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên của tổ chức Đảng, của đơn vị. Việc nhận diện và phân tích các biểu hiện tư tưởng trong nội bộ là rất cần thiết, để từ đó có những biện pháp phù hợp nhằm nâng cao tính thống nhất, đoàn kết và hiệu quả hoạt động.
Do đó, công tác tư tưởng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mỗi đảng viên, trên tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau, góp phần củng cố, nâng cao bản lĩnh chính trị và tinh thần hợp tác trong nội bộ. Điều này có trách nhiệm đặc biệt của cấp ủy, bí thư chi bộ.
Giải pháp căn cơ là tổ chức Đảng, cấp ủy phải tạo điều kiện để đảng viên không ngừng nâng cao trình độ về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ để nắm bắt kịp thời và đầy đủ các chủ trương mới, cũng như đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Đảng viên cần thường xuyên tự học tập, nghiên cứu để cập nhật các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, từ đó nâng cao nhận thức và kiến thức chính trị. Trong nội bộ, cần tích cực chia sẻ những thông tin, kiến thức mới với đồng chí, đồng nghiệp để mọi người cùng nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và các vấn đề liên quan trực tiếp đến tổ chức Đảng, đơn vị.
Trong sinh hoạt chi bộ, cần quan tâm tổ chức các chuyên đề về lý luận chính trị; về đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh; về những vấn đề mới đang được dư luận quan tâm liên quan đến đơn vị… Đảng viên nên chủ động chia sẻ, gợi ý, giáo dục chính trị, tư tưởng cho nhau, từ đó nâng cao nhận thức cho đồng chí của mình. Từng người có thể đề xuất, tham gia xây dựng chương trình học tập về tư tưởng, lý luận chính trị cho bản thân và cho các đảng viên khác một cách phù hợp.
Bên cạnh đó, khuyến khích đảng viên trong chi bộ trao đổi ý kiến, thảo luận về các vấn đề tư tưởng, chính trị, nhất là về những vấn đề đang có quan điểm khác nhau. Việc này giúp tạo sự đồng thuận và thống nhất trong nhận thức.
Cấp ủy, bí thư chi bộ cần định hướng, quán triệt để đảng viên lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, từ đó xây dựng môi trường làm việc tích cực, thân thiện cũng như tạo ra không khí thảo luận cởi mở. Trên cơ sở đó, từng đảng viên có thể phát hiện mâu thuẫn, khúc mắc trong tư tưởng của đồng chí để kịp thời có biện pháp giải quyết, đồng thời giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, tạo điều kiện cho nhau phát triển và hoàn thiện bản thân, cũng như trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Làm gương để tạo động lực
Điều quan trọng là mỗi đảng viên cần thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, quy định của Đảng, nội quy của cơ quan, làm gương cho người xung quanh, trong đó có những đảng viên khác.
Đảng viên là lãnh đạo đơn vị, bí thư, cấp ủy viên càng cần thể hiện tính nêu gương. Đồng thời, mỗi người cần tham gia tích cực những hoạt động của Đảng, của đơn vị, các phong trào…, từ đó tạo động lực cho đồng chí, đồng đội noi theo.
Bình luận (0)