Quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) đô thị là một trong những giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm phát triển vận tải đô thị đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm thiểu tác động môi trường.
Nhiều thách thức
Trong đó, mục tiêu kinh tế phản ánh hiệu quả kinh tế, phát triển kinh tế và hiệu quả trong việc cung cấp phương tiện vận tải và dịch vụ, giảm phí đường bộ, phí dịch vụ bến bãi; mục tiêu về xã hội là an toàn và sức khỏe con người; mục tiêu về môi trường là giảm ô nhiễm không khí, tiếng ồn.
Quy hoạch phát triển giao thông đô thị ở Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng hiện nay, điều đầu tiên không khó để nhận ra là tốc độ tăng trưởng dân cư đô thị cao hơn tốc độ tăng trưởng dân số, gây áp lực dân cư, dẫn đến sự gia tăng nhanh các phương tiện giao thông, tập trung lớn tại các đô thị, nhất là TP HCM.
Theo số liệu báo cáo hằng năm tốc độ tăng trưởng ô tô đạt 12%/năm trong đó ô tô cá nhân đạt mức cao (trung bình tăng 17%/năm). Mật độ đường giao thông trên địa bàn thành phố là 2,34 km/km2 (theo quy định phải đạt 10-13,3 km/km2); diện tích đất dành cho giao thông đạt 13,04% (theo quy định phải đạt 24%-26%). Hiện, thành phố đang quản lý gần 9,2 triệu phương tiện, tăng 4,69% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó riêng ô tô, thành phố đang quản lý gần 934.500 xe; mô tô gần 8,3 triệu xe.
Cụ thể, TP HCM với gần 10 triệu phương tiện giao thông tạo ra gần 40 điểm ùn tắc mỗi ngày. Vấn đề ùn tắc giao thông diễn biến ngày càng phức tạp, công tác tổ chức giao thông đã có nhiều cố gắng song còn mang tính trước mắt, chưa đồng bộ và lâu dài. Hệ lụy tiếp theo ai cũng dễ nhận thấy là ùn tắc giao thông là nhân tố quan trọng làm tăng lượng khí thải phương tiện gây hiệu ứng nhà kính. Theo đó, người tham gia giao thông và người dân tại TP HCM phải chịu sự ngột ngạt ô nhiễm không khí.
Kế đến là thiếu cơ sở pháp lý chặt chẽ về quy định bảo đảm ô nhiễm môi trường trong quy hoạch phát triển GTVT đô thị. Tại Nghị định số 18/NĐ-CP ngày 14-2-2015 quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường có quy định các đối tượng quy hoạch giao thông vận tải phải thực hiện ĐMC. Tuy nhiên, do việc ĐMC được thực hiện theo khuôn mẫu của Bộ Tài nguyên và Môi trường nên thiếu tính nghiên cứu sáng tạo, các vấn đề khoa học mới chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch ngành, lĩnh vực như quy hoạch giao thông. Mặt khác hiện nay chúng ta còn thiếu quy hoạch và đầu tư bài bản đối với loại hình vận tải hành khách công cộng nhằm giảm ô nhiễm môi trường do phương tiện vận tải đô thị gây ra.
Những việc cần làm ngay
Để quy hoạch phát triển GTVT gắn với môi trường, thì việc tiên quyết phải thực hiện là phải có giải pháp hữu hiệu kiểm soát ô nhiễm khí thải do phương tiện giao thông gây ra, đặc biệt là các giải pháp về quản lý chất lượng phương tiện, tăng cường sử dụng nhiên liệu sạch, quy hoạch hợp lý các tuyến giao thông đô thị, tăng mật độ cây xanh, áp dụng các biện pháp giảm tắc nghẽn giao thông.
Ngoài ra, TP HCM cần vận hành và phát triển mạnh các loại hình giao thông xanh gồm xe đạp công cộng và xe buýt điện để giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, thay đổi thói quen của người dân trong sử dụng giao thông công cộng.
Đặc biệt, thành phố cần gắn thực hiện chỉ tiêu môi trường vào quy hoạch GTVT đô thị; thực hiện đồng bộ giải pháp cả về chính sách pháp luật lẫn các hoạt động theo hướng giảm phát thải đối với các phương tiện vận tải đô thị theo hướng tăng trưởng xanh.
Cuối cùng, TP HCM cần nghiên cứu đánh giá tác động phương tiện GTVT đến ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu xây dựng khung tiêu chí, chỉ tiêu trong quy hoạch GTVT đô thị theo hướng giảm nhẹ biến đổi khí hậu, khuyến khích phát triển các khu vực đô thị trên nền tảng vận tải hành khách công cộng.
Qua so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, mức tiêu chuẩn khí thải hiện tại áp dụng đối với ô tô tham gia giao thông tại thành phố là thấp. Vì vậy, TP HCM cần áp dụng tiêu chuẩn khí thải cao và tiến hành đăng kiểm một cách nghiêm ngặt; nghiên cứu đề xuất chính sách, giải pháp và lộ trình giảm phương tiện cá nhân, tăng thu hút vận tải hành khách công cộng.
Bình luận (0)