Thực hiện kế hoạch của Bộ Công an về cao điểm tấn công tội phạm liên quan tín dụng đen, Ban Giám đốc Công an TP HCM đã chỉ đạo lực lượng công an toàn thành phố, trong đó chủ công là Phòng Cảnh sát hình sự, mở đợt tấn công truy quét tội phạm cho vay lãi nặng và các loại hình cho vay biến tướng.
Cái bẫy mang tên "dễ dàng"
Thời gian qua, Công an TP HCM liên tục phát hiện các đường dây cho vay lãi nặng trá hình dưới nhiều hình thức. Điển hình nhất là thủ đoạn tiếp cận qua mạng xã hội rồi "hỗ trợ" nạn nhân rất nhanh.
Hình thức cho vay đơn giản. Theo đó, người vay không cần chứng minh thu nhập, không cần thế chấp mà chỉ cung cấp chỗ ở hiện tại, số điện thoại di động, tài khoản Facebook, Zalo, giấy tờ tùy thân để lấy căn cứ cho việc đòi nợ sau này. Tiếp đấy, đối tượng cho vay cử người xác minh, khi yêu cầu được đáp ứng thì tiền được chuyển trực tiếp hoặc qua tài khoản ngân hàng.
Nếu người vay không trả nợ đúng theo thỏa thuận sẽ bị nhắn tin, gọi điện đe dọa, chửi bới, tạt chất bẩn vào nơi ở và bị miệt thị trên mạng xã hội. Những cách đòi này diễn ra liên tục nhằm khủng bố, tạo áp lực khiến người vay phải trả hoặc đáo hạn các khoản vay dẫn tới nâng mức nợ.
Với quyết tâm cao, Công an TP HCM, công an các quận, huyện, TP Thủ Đức đã triệt phá nhiều đường dây cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê dưới hình thức khủng bố tinh thần người vay hoặc người thân của họ.
Trong đó, giữa tháng 10-2023, Công an TP HCM bắt khẩn cấp Phạm Thái Minh, thường gọi là Minh "đen"; Trần Thị Thanh; Lê Nguyễn Hoàng Oanh vì "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Công an xác định nhóm Minh "đen" đã thu lợi bất chính hơn 2,8 tỉ đồng từ hành vi bất hợp pháp trên.
Còn từ tháng 5-2023, Công an TP HCM triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân bóc, xóa những sản phẩm quảng cáo sai quy định, đồng thời truy xét đối tượng hoạt động tín dụng đen.
Đơn vị đã phối hợp các cơ quan chức năng xử lý hành chính 43 trường hợp dán quảng cáo trái pháp luật. Đặc biệt, từ thông tin trên tờ rơi quảng cáo, công an các địa phương rà soát, lên danh sách 367 số điện thoại liên quan cho vay tài chính với gần 50 đối tượng nghi vấn hoạt động tín dụng đen. Từ đó, xác minh, điều tra và khởi tố 6 vụ án/32 bị can.
Nở rộ hình thức phạm pháp
Nhằm phát hiện các tổ chức, cá nhân cho vay lãi nặng trá hình, Công an TP HCM đã chỉ đạo Công an TP Thủ Đức, công an các quận, huyện tăng cường theo dõi, phát hiện kịp thời các trang mạng xã hội, website quảng cáo ứng dụng cho vay vi phạm pháp luật. Đồng thời, liên tục rà soát những cá nhân quảng cáo, đăng tải thông tin mời gọi, lôi kéo người dân vay qua ứng dụng.
Công an TP HCM cho biết hành vi của các băng nhóm cho vay lãi nặng rất chuyên nghiệp, lấy tiền thu lợi bất chính làm mục đích kiếm sống. Khi bị tố cáo, chúng lẩn trốn, thay đổi chỗ ở gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Công an TP HCM cũng phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn, gỡ bỏ những website, ứng dụng có liên quan đến hoạt động cho vay trái phép, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Đơn vị này nhận định thời gian qua một số đối tượng là người nước ngoài cấu kết với đối tượng trong nước thành lập những công ty trá hình cho vay tài chính, tín dụng phi ngân hàng để hoạt động cho vay qua ứng dụng di động nhằm thu lợi bất chính, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.
"Để vay tiền, người dùng phải tải ứng dụng, sau đó điền thông tin cá nhân kèm theo ảnh chụp. Các ứng dụng cho vay khi được cài đặt vào điện thoại sẽ yêu cầu quyền truy cập vị trí, danh bạ, thư viện ảnh, quản lý cuộc gọi, tin nhắn trên điện thoại người vay với mục đích gây áp lực đòi nợ khi người vay quá hạn thanh toán" - Công an TP HCM chỉ rõ thủ đoạn.
Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP HCM khuyến cáo người dân khi cần nguồn vốn làm ăn, kinh doanh nên liên hệ các tổ chức tài chính được nhà nước cấp phép hoạt động hay các ngân hàng để hưởng các chính sách ưu đãi với lãi suất phù hợp.
Không nên vay tiền lãi suất của các cá nhân, tổ chức hoạt động trái phép bởi sẽ có nguy cơ bị lộ lọt thông tin, danh bạ điện thoại, hình ảnh cá nhân và để các đối tượng quấy rối đến bản thân và gia đình. Mặt khác, các đối tượng có thể sẽ bán thông tin cá nhân cho những kẻ xấu khác để những kẻ này lừa đảo hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Để không rơi vào cạm bẫy
Những tháng cuối năm, nhu cầu vay tiền để giải quyết công việc của người dân tăng cao. Nắm bắt được xu hướng này, các đối tượng hoạt động tín dụng đen sử dụng nhiều chiêu trò như hỗ trợ tài chính, cho vay tiêu dùng, vay qua ứng dụng, lập các tài khoản hội nhóm trên mạng xã hội để dụ dỗ… Do không tìm hiểu rõ về cách tính lãi suất nên nhiều người bị sập bẫy, phải trả lãi gấp nhiều lần tiền vay gốc.
Dự báo diễn biến, phương thức hoạt động của tội phạm liên quan đến tín dụng đen thời gian tới còn nhiều phức tạp, Công an TP HCM đã và đang triển khai biện pháp đấu tranh. Tuy nhiên, để bảo vệ mình, mỗi người dân cần đề cao cảnh giác để không rơi vào bẫy tín dụng đen.
Sáng nay, 7-12, Báo Người Lao Động tổ chức Talkshow "Làm sao để không rơi vào cạm bẫy tín dụng đen?" với mục đích giúp người dân nhận thức rõ hơn nguy hiểm của việc vay lãi nặng. Người dân khi có nhu cầu vay thì cần vay ở đâu, thủ tục thế nào, trách nhiệm đối với khoản vay ra sao cũng sẽ được trao đổi, làm rõ.
Bình luận (0)