Chia sẻ tại Tọa đàm "Liên kết giữa đại học – địa phương – doanh nghiệp: Hợp lực vì sự phát triển kinh tế và xã hội" vừa được tổ chức ngày 22-2, lãnh đạo Đại học Quốc gia TP HCM cho biết đã hợp tác với hàng trăm tập đoàn lớn như Samsung, Intel, VinaCapital, Becamex IDC... Trong quá trình đào tạo, Đại học Quốc gia TP HCM cung cấp 20.000 nhân lực chất lượng cao mỗi năm cho TP HCM và khu vực phía Nam.
Đặc biệt, đóng góp 53% nhân lực thiết kế vi mạch tại TP HCM. Giai đoạn 2020-2024, có 225 dự án nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ được triển khai thực hiện, tập trung vào lĩnh vực AI, dữ liệu lớn, tự động hóa,...
Cũng liên quan đến nhân lực bán dẫn, nhiều cơ quan quản lý và doanh nghiệp vùng Kyushu của Nhật Bản đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác về nhân lực bán dẫn để tăng cường nhân lực trong chuỗi cung ứng chip.
Vùng Kyushu, được mệnh danh là "Đảo Silicon" của Nhật Bản, từng là thủ phủ về công nghệ cao, nhất là điện tử và bán dẫn. Khu vực này có nhu cầu 3.400 nhân lực bán dẫn mỗi năm, nhưng liên tục thiếu hụt. Với tiềm năng to lớn đang được thúc đẩy mạnh mẽ bởi Chính phủ Việt Nam, vùng Kyushu kỳ vọng sẽ có cơ hội hợp tác về nhân lực bán dẫn trong tương lai.

Cơ hội nghề nghiệp đầy hứa hẹn trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam
Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết sẽ có khoảng 1.000 chuyên gia công nghệ quốc tế sẽ đến Việt Nam để "hiến kế" cho sự phát triển ngành bán dẫn trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế về trí tuệ nhân tạo (AI) và Bán dẫn (AISC 2025).
Trong đó, có nhiều lãnh đạo và chuyên gia công nghệ từ các tập đoàn lớn như Google DeepMind, IBM, Intel, TSMC, Samsung, MediaTek, Tokyo Electron, Panasonic, Marvell...
Sự kiện hàng đầu thế giới về công nghệ AI và bán dẫn sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 16-3 tới đây tại Hà Nội và Đà Nẵng. Trong 5 ngày, hội nghị sẽ tập trung vào ứng dụng AI trong thiết kế và sản xuất chip, cũng như khai thác tiềm năng của kiến trúc bán dẫn tiên tiến. Sự kiện bao gồm hội thảo kỹ thuật, triển lãm công nghệ, diễn đàn chính sách cấp cao và hội thảo chuyên đề dành cho 100 lãnh đạo công nghệ hàng đầu.
Lãnh đạo NIC cho biết trước xu hướng bùng nổ như hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh các chính sách thu hút đầu tư và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực AI - bán dẫn, với các chương trình học bổng, miễn giảm học phí và trợ cấp chi phí sản xuất chip.
Với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn, việc triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu và xây dựng trung tâm đào tạo, nghiên cứu, vườn ươm về thiết kế, phát triển vi mạch bán dẫn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
Bình luận (0)