Ngày 2-7, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ ra mắt mô hình "Chính quyền thân thiện" trên địa bàn phường Tân Phong, TP Biên Hòa. Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức khẳng định việc xây dựng mô hình "Chính quyền thân thiện" được cả hệ thống chính trị xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Cải cách lề lối làm việc
Ông Võ Tấn Đức nhận định UBND phường Tân Phong là nơi đã áp dụng nhiều cách làm mới, sáng tạo trong hoạt động phục vụ cho người dân như: Thực hiện mô hình "60 phút vì dân - thân thiện hành chính" làm việc từ 16 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút vào thứ hai hằng tuần; tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; bố trí cán bộ hướng dẫn người dân làm hồ sơ giấy tờ và hồ sơ trực tuyến tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; giao trả hồ sơ miễn phí tại nhà cho người có công cách mạng, người khuyết tật, người già neo đơn…
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai ghi nhận tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, địa phương thời gian qua đã nỗ lực để mô hình "Chính quyền thân thiện" được triển khai thực hiện ở 11/11 đơn vị cấp huyện; ban hành kế hoạch, triển khai thành lập Ban Chỉ đạo và quy chế phối hợp, phân công nhiệm vụ để thực hiện hướng tới sự hài lòng của người dân.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức yêu cầu các đơn vị, địa phương phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức giải quyết công việc cho người dân phải tận tình, chu đáo luôn thực hiện phương châm "4 xin" (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép), "4 luôn" (mỉm cười, nhẹ nhàng, lắng nghe, giúp đỡ) và "5 không" (không cửa quyền, hách dịch, gây phiền hà; không quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; không lợi dụng quyền hạn, chức vụ trong thực thi công vụ)…
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc thực hiện chính quyền thân thiện nhằm mục tiêu đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cơ sở từ "mệnh lệnh hành chính" sang "phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục"; xây dựng phong cách "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân"… Người đứng đầu chính quyền tỉnh Đồng Nai giao Sở Nội vụ sớm tham mưu ban hành bộ tiêu chí đánh giá mô hình "Chính quyền thân thiện" để làm thước đo đánh giá sự hài lòng của người dân.
Công nghệ số đến tận... tổ dân phố
Với mục tiêu phục vụ người dân, trong những năm qua, nhiều địa phương như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Tháp, Quảng Bình, Bình Thuận… đã tổ chức mô hình "chính quyền thân thiện" và được người dân đánh giá rất tốt.
Tại TP Đà Nẵng, UBND phường Tân Chính, quận Thanh Khê đã tổ chức mô hình "chính quyền thân thiện" từ tháng 3-2023. Ông Lê Hồng Nam, Chủ tịch UBND phường, cho biết trong khi thực hiện mô hình này, lãnh đạo phường thường xuyên quán triệt các quy chế, quy định về văn hóa công sở; đổi mới tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức. Đặc biệt, lưu ý cán bộ, công chức phải có thái độ tôn trọng, gần gũi, lịch sự, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân; hướng dẫn, giải thích đầy đủ, tận tình theo thẩm quyền.
Ông Lê Hồng Nam dẫn chứng, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, cán bộ, công chức phường được quán triệt thực hiện tốt văn hóa công sở với phương châm "tiếp cận nhanh, giải đáp nhanh và hoàn tất nhanh" nhằm giải quyết tốt các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND phường. Để triển khai mô hình này, phường đã ủy quyền chứng thực chữ ký, chứng thực sao y bản chính của Chủ tịch UBND phường cho công chức tư pháp - hộ tịch nhằm giải quyết nhanh chóng hồ sơ cho tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, phường Tân Chính cũng duy trì tốt các hoạt động trao hồ sơ tại nhà cho nhân dân; gửi thư chúc mừng các trường hợp đăng ký kết hôn, mới sinh con cũng như viếng tang, chia buồn đối với các gia đình có người thân qua đời trên địa bàn phường.
Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, phường Tân Chính thực hiện bộ mã QR về hướng dẫn bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền. Người dân có thể tra cứu các thông tin cần thiết liên quan đến thủ tục hành chính cần được giải quyết. Trong đó có nội dung hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến ngay trên thiết bị điện tử, điện thoại thông minh... để giảm thời gian, chi phí đi lại.
Bà Nguyễn Thị Lan, người dân phường Tân Chính, đánh giá từ khi phường thí điểm mô hình trên, nhiều thủ tục hành chính được thực hiện nhanh, gọn hơn, tạo thuận lợi cho người dân. UBND phường còn triển khai mô hình "Tổ dân phố ứng dụng công nghệ số gắn với chính quyền thân thiện với nhân dân". Mô hình đã giúp người dân được tiếp cận, hướng dẫn ngay tại tổ dân phố mà không cần phải đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính thông qua tổ công nghệ số cộng đồng.
Hỗ trợ doanh nghiệp
Một trong những đối tượng phục vụ được chú trọng ở mô hình "chính quyền thân thiện" chính là doanh nghiệp (DN). Đẩy nhanh các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho DN sẽ góp phần thúc đẩy nhanh kinh tế địa phương.
Tại TP Cần Thơ, lãnh đạo thành phố luôn có chỉ đạo sát sao các sở, ngành, địa phương bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực mình phụ trách để kịp thời tham mưu thực hiện các giải pháp phù hợp thúc đẩy phát triển sản xuất. Đồng thời, chủ động hằng tháng rà soát, tổ chức đối thoại với các DN sản xuất để tháo gỡ các khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục đầu tư và các thủ tục khác có liên quan; đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN, nhà đầu tư và các dự án đầu tư. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh TP Cần Thơ quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các DN hoạt động trên địa bàn được dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay.
Cùng cách làm, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết: "Lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp gỡ DN để tháo gỡ ngay trở ngại nếu DN có yêu cầu. Đồng thời, chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra ở nhiều huyện, xã xem các cấp có cải cách hành chính đúng như chỉ đạo để phục vụ DN và người dân hay không? Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của tỉnh tăng 2 bậc, nhưng trong năm nay Trà Vinh quyết tâm tăng điểm các chỉ số thành phần bị giảm điểm để cải thiện, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho DN kinh doanh, sản xuất".
Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải sắp xếp thời gian gặp gỡ DN định kỳ hằng tháng; tổ chức đối thoại với DN hằng quý. "Giai đoạn vừa qua mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, lạm phát toàn cầu... nhưng các DN trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn để đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương cũng như cả nước. Tỉnh Kiên Giang luôn xác định đồng hành với DN, sẵn sàng tìm DN về với tỉnh. Cùng với chính sách của Chính phủ, Kiên Giang sẽ nỗ lực tạo thuận lợi nhất cho DN hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính" - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định.
Cải cách thủ tục đến từng cán bộ
Bà Phạm Thị Như Phượng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang (CIC Group), kiến nghị việc đồng hành với doanh nghiệp cần sát thực tế hơn. Doanh nghiệp mong muốn các cơ quan, ban - ngành tổ chức các buổi triển khai và hướng dẫn cho doanh nghiệp các quy định mới ban hành có liên quan đến các lĩnh vực: Đất đai, môi trường, xây dựng, xuất nhập khẩu, thuế, tiền lương và lao động... "UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, chia sẻ với doanh nghiệp và xuyên suốt từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở và đến từng cán bộ thực hiện" - bà Phượng đề xuất.
Bình luận (0)