Hệ thống nói trên sử dụng các camera gắn trên cao để phát hiện các trận hỏa hoạn và nhà sập theo thời gian thực, từ đó cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan như cảnh sát, sở cứu hỏa và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản để kích hoạt nỗ lực cứu hộ nhanh hơn.
Trong số camera độ phân giải cao này, có 2 cái lắp đặt ở tòa nhà chính quyền vùng Tokyo, 1 cái gắn trên một cây cầu gần vịnh Tokyo và 1 cái gắn ở khu vực phía Tây vùng siêu đô thị này - theo giới chức địa phương và công ty Hitachi (nhà phát triển hệ thống).
Hãng tin Kyodo cho biết đây là hệ thống cảnh báo tích hợp AI đầu tiên được Cơ quan Thời tiết Nhật Bản bắt đầu vận hành vào tuần trước, sau khi có cảnh báo về một trận siêu động đất dọc theo rãnh Nankai - chạy giữa miền Trung và Tây Nam nước này.
Theo đánh giá của chính quyền Tokyo vào năm 2022, một trận siêu động đất ở rãnh Nankai có thể tạo ra sóng thần cao 2-2,6 m dọc theo khu vực vịnh Tokyo.
Nguy cơ xảy ra một trận động đất như vậy ngay bên dưới Tokyo là 70% trong vòng 30 năm tới. Nếu động đất nổ ra ở phía Nam Tokyo, số người chết có thể lên tới 6.100 người trong khi khoảng 194.000 tòa nhà đổ sập.
Từ nay đến tháng 3 năm sau, sẽ có thêm 2 camera hoạt động trên tháp Tokyo Skytree, mở rộng phạm vi bao quát lên gần như tất cả 23 phường của thủ đô và các vùng ở khu vực phía Tây.
AI sẽ rà soát các cảnh quay từ camera để phát hiện khói hay nhà cửa hư hỏng, sau đó thể hiện thông tin kèm bản đồ lên màn hình. AI cũng xác định các khu vực có nhiều nhà gỗ, giúp cơ quan chức năng ưu tiên phản ứng ở những nơi có nguy cơ thiệt hại nặng hơn.
Trước đây, các camera được vận hành thủ công nên khó có thông tin chính xác ngay sau khi thảm họa xảy ra.
Bình luận (0)