Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Katsuhiro Kubota từ Đại học Hyogo (Nhật Bản) cho biết con quái điểu mang những nét "lai tạp" này thực sự là bò sát: Nó thuộc về dòng dõi Điểu long răng khía (Troodontidae).
Điểu long răng khía là tập hợp một số loài khủng long chân thú giống chim, phát triển mạnh mẽ trong kỷ Phấn Trắng.
Sinh vật vừa được khai quật ở Nhật Bản được đặt tên là Hypnovenator matsubaraetoheorum, đã lang thang trên Trái Đất vào đầu kỷ Phấn Trắng, khoảng 112 đến 106 triệu năm trước.
Kích thước của các Điểu long răng khía rất đa dạng, từ cỡ một con kiwi cho đến một con đà điểu Nam Mỹ.
Bộ xương sau sọ còn nguyên khớp nối của Hypnovenator matsubaraetoheorum được tìm thấy tại khu vực hệ tầng Ohyamashimo ở TP Tambasasayama một cách rất vô tình.
Trong đó, các phần xương đầu tiên lộ ra từ năm 2010, khi chính quyền xây dựng một công viên. Các phần tiếp theo được thu thập rải rác các năm sau đó.
Cuối cùng, thông qua một quá trình nghiên cứu công phu, đến nay chân tướng về con vật kỳ quái đã được tiết lộ.
Đây là loài Điểu long răng khía đầu tiên được xác định ở Nhật Bản. Nó có họ hàng với Gobivenator mongoliensis được khai quật trước đó ở Mông Cổ.
Trước đó, một số loài Điểu long răng khía cũng lộ diện ở Trung Quốc và Canada.
Phân tích chi tiết cho thấy con quái điểu Nhật Bản vẫn còn sở hữu một số tàn tích của việc di chuyển bằng chi trước ở đôi "tay" đã dần phát triển thành hình dạng như cánh, cho thấy nó là một mẫu vật rất tốt để đại diện cho quá trình các loài điểu long tiến hóa thành chim.
Nghiên cứu chi tiết về con quái điểu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Scientific Reports.
Bình luận (0)