Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu Teikoku Databank, giá của tổng cộng 1.392 sản phẩm từ 195 nhà sản xuất thực phẩm lớn của Nhật Bản sẽ tăng trong tháng 9.
So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng sản phẩm tăng giá đã giảm 35,2%, tuy nhiên đây là lần đầu tiên con số này vượt quá 1.000 sản phẩm kể từ tháng 4-2024.
Cũng theo, Công ty nghiên cứu Teikoku Databank, bất chấp áp lực liên tục phải tăng giá trong bối cảnh chi phí nguyên liệu thô tăng và đồng yen yếu, các công ty vẫn thấy khó thực hiện việc tăng giá sản phẩm do lo ngại tác động đến mức tiêu thụ.
Trong bối cảnh đồng yen của Nhật Bản trồi sụt, đồng thời mức lạm phát luôn duy trì ở mức cao, nhiều lao động Việt Nam tại Nhật Bản "đau đầu" khi phải đối diện với bài toán chi phí sinh hoạt tăng do giá cả hàng hóa tăng mạnh.
Đặt chân đến Nhật Bản chưa đầy 3 tháng, anh Trần Minh Tân (quê Tiền Giang) khá sốc khi nghe tin nhiều mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm, rục rịch tăng giá. Hiện anh làm việc tại một cơ sở bảo dưỡng ô tô ở tỉnh Osaka, thu nhập dao động từ 18 - 20 man/tháng (tương đương 30-34 triệu đồng).
Để sang được Nhật Bản làm việc, anh được gia đình giúp đỡ bằng số tiền tích cóp bấy lâu. Do cha mẹ ở Việt Nam đã lớn tuổi và không còn khả năng lao động. Hàng tháng, anh Tân phải chia thu nhập thành hai phần: một phần nhỏ để trang trải chi phí sinh hoạt tại Nhật, phần còn lại gửi về phụ giúp gia đình.
"Hầu hết lao động Việt Nam sang Nhật làm việc đều phải trả nhiều chi phí cho bên môi giới, vì vậy, không chỉ riêng tôi mà nhiều người khác cũng phải cố gắng tiết kiệm để hoàn vốn nhanh nhất" - anh Tân chia sẻ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cả tại Nhật liên tục leo thang, số tiền tích cóp của anh ngày càng giảm. Đồng yen cũng liên tục trồi sụt, khiến anh chần chừ trong việc gửi tiền về cho gia đình.
Theo anh Tân, lạm phát chưa phải là nỗi lo lớn nhất đối với cộng đồng lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Điều đáng lo hơn là tính ổn định của công việc. Anh cho biết, trong nhóm khoảng 20 người đi cùng đợt với anh, nhiều người có công việc không ổn định. Các nhà máy ít khi cho tăng ca, dẫn đến thu nhập thấp. Vì vậy khi giá cả liên tục tăng, cuộc sống trở nên khó khăn hơn.
"Lạm phát" tại Nhật Bản cũng khiến chị Nguyễn Thị Tuyết Ngân (quê Hà Tĩnh) cũng rơi vào cảnh khốn đốn. Chị Ngân có gần 3 năm làm việc trong lĩnh vực chế biến thực phẩm tại tỉnh Tottori, thu nhập dao động từ 15-18 man/tháng (khoảng 25-30 triệu đồng).
Trước đó, tại Việt Nam, chị Ngân vốn là một hướng dẫn viên du lịch, vì vậy ngoài mục đích kiếm tiền, chị còn muốn trau dồi thêm ngôn ngữ, văn hóa, con người tại "đất nước mặt trời mọc". Vào các kỳ nghỉ dài, chị thường dành khoảng 2-3 man (tương đương 4-6 triệu đồng) để đi thăm thú một vài địa điểm ở nước Nhật Bản. Giờ đây, chị đành gác lại đam mê xê dịch, để ổn định cuộc sống.
Chị Ngân cho biết hằng tháng sẽ chi từ 3-4 man (khoảng 5-7 triệu đồng) để mua thực phẩm nấu ăn tại nhà. "Trước giờ tôi không có thói quen mua sắm nhiều, chủ yếu chỉ mua đồ ăn. Giờ đến chợ hay siêu thị, phải nâng lên, hạ xuống nhiều lần, xem xét kỹ từng mặt hàng. Giá cả tăng chóng mặt, còn lương vẫn vậy, nên phải căn ke từng đồng" – chị Ngân tâm sự.
Để tiết kiệm chi tiêu, chị Ngân chọn đi các chợ hoặc siêu thị ở xa để mua được các mặt hàng thực phẩm có giá phải chăng hơn. Ngoài ra, chị cũng hạn chế tối đa việc sử dụng tàu điện, chủ yếu di chuyển bằng xe đạp.
Bài toán về chi phí sinh hoạt có lẽ càng trở nên khó khăn hơn đối với người lao động Việt tại Nhật Bản. Bởi áp lực lớn nhất không phải đến từ giá nhu yếu phẩm mà đến từ giá điện và nhiên liệu.
Theo chị Ngân tiền điện, gas tăng giá mạnh mới là thứ đau đầu nhất. "Điều này còn "kinh khủng" hơn việc tăng giá thực phẩm. Bởi lẽ, giá thực phẩm tăng chỉ tính theo vài trăm yên và người lao động cũng có thể chủ động trong lựa chọn. Còn tiền điện thì bắt buộc phải sử dụng do đặc thù thời tiết tại Nhật Bản" – chị nói.
Không phải nặng gánh gửi tiền về Việt Nam cho gia đình, song vợ chồng chị Nguyễn Thị Nghiên (quê Hà Nội) cũng đối mặt với trăm mối lo vì sắp tới đây giá thực phẩm tăng "chóng mặt", chi phí sinh hoạt phí sẽ đội lên đáng kể. Chị hiện đang nghỉ thai sản, vì vậy mọi chi tiêu của gia đình phụ thuộc vào thu nhập của chồng.
Trước đó, để có chỗ ở rộng rãi hơn, vợ chồng chị vay một khoản để mua nhà, chi trả trước 1/3 và góp phần còn lại hằng tháng với mức lãi suất ưu đãi. Hiện tại, nỗi lo lớn nhất của gia đình chị là khoản vay này và chi phí lo cho con. "Để tiết kiệm chúng tôi chủ yếu nấu ăn tại nhà, ít đi tham quan, mua sắm. Gần đây, khi biết nhiều mặt hàng sẽ tăng giá, tôi và chồng đã tranh thủ mua các thực phẩm cần thiết để dự trữ. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Sắp tới, chúng tôi sẽ phải thắt chặt chi tiêu hơn nữa và hạn chế tối đa các khoản không cần thiết để tránh rơi vào tình trạng thiếu hụt hoặc phải vay mượn" – chị Nghiên nói.
Bình luận (0)