Ngày 22-5, trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Nhật Bản, dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã tiếp các đối tác Nhật Bản.
1,5 tỉ USD hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư
Tại cuộc tiếp Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Saito Ken, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ METI thúc đẩy tăng cường liên kết kinh tế, hợp tác bảo đảm an ninh kinh tế giữa hai nước, hợp tác phát triển hạ tầng kỹ thuật số, kinh tế số, kinh tế xanh.
Phó Thủ tướng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác phát triển ngành logistics...; nghiên cứu về hướng hợp tác trong xây dựng thể chế, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam trong ngành bán dẫn và trong các ngành công nghiệp mới, trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, qua đó đáp ứng và hỗ trợ Nhật Bản giải quyết vấn đề già hóa dân số.
Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh sự hợp tác của METI với Việt Nam trong khuôn khổ Sáng kiến Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 ở Châu Á (AZEC) qua việc lập Nhóm công tác xúc tiến chuyển đổi xanh.
Bộ trưởng METI Saito Ken khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và công nghiệp với Việt Nam thông qua lĩnh vực số hóa, chuỗi cung ứng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng bền vững, phát triển năng lượng tái tạo; hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu thành nước có thu nhập cao vào năm 2045; khẳng định Nhật Bản sẽ hợp tác trong việc phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng mới, bán dẫn, kỹ thuật số, ô tô thế hệ mới.
Bộ trưởng thông báo Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong khuôn khổ sáng kiến 1,5 tỉ USD hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại các nước Nam Bán Cầu. Bộ trưởng Saito cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam có các biện pháp đảm bảo điện năng cho 2.500 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động ổn định tại Việt Nam.
Nhật Bản hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao
Tại cuộc tiếp 2 đồng Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế Nhật - Việt trong Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) ông Masayuki Hyodo, Chủ tịch tập đoàn Sumitomo, và ông Masayoshi Fujimoto, Chủ tịch tập đoàn Sojitsu:
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao việc KEIDANREN và các cơ quan liên quan của Việt Nam nhất trí triển khai giai đoạn 1, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, nhằm cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.
Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban hợp tác kinh tế Nhật - Việt thúc đẩy doanh nghiệp thành viên KEIDANREN tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực mới như công nghệ cao, bán dẫn, đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất ôtô, điện tử, thiết bị y tế, dệt may,...; hỗ trợ Việt Nam đào nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực bán dẫn đáp ứng nhu cầu của 2 nước; tổ chức đoàn doanh nghiệp đối thoại chính sách với Việt Nam; định kỳ hàng năm phản ánh kịp thời các vướng mắc, cùng phối hợp giải quyết, tạo thuận lợi và hấp dẫn cho môi trường đầu tư của Việt Nam.
Ông Hyodo cho biết KEIDANREN coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất; coi trọng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và sẽ tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp thành viên mở rộng đầu tư tại Việt Nam; khẳng định các thành viên trong KEIDANREN mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.
Ông Fujimoto nhấn mạnh quyết tâm thúc đẩy các thành quả cụ thể về hợp tác trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, trong khuôn khổ Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới; nhấn mạnh việc Nhật Bản mong muốn chia sẻ kiến thức trong đào tạo nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam.
Huy động nguồn vốn xanh từ Nhật Bản
Tại cuộc tiếp Thống đốc Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) Hayashi Nobumitsu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị JBIC cung cấp vốn cho Việt Nam với điều kiện ưu đãi để thực hiện các dự án trong khuôn khổ AZEC; hỗ trợ các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo,…; thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, tiếp cận và chuyển giao công nghệ mới như hydrogen, ammonia, thu hồi, lưu trữ carbon…
Về dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Phó Thủ tướng khẳng định đây là dự án đầu tư tiêu biểu, quy mô lớn được lãnh đạo và người dân hai nước rất quan tâm; hoan nghênh việc thời gian vừa qua Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn đã có kết qủa kinh doanh tích cực; khẳng định sự cần thiết phối hợp chặt chẽ giữa hai bên để thúc đẩy hoạt động hiệu quả của dự án.
Chia sẻ với ý kiến của Phó Thủ tướng, Thống đốc JBIC Hayashi Nobumitsu khẳng định JBIC sẽ tích cực đồng hành, hỗ trợ Việt Nam cả về vốn, công nghệ và đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực mới trong khuôn khổ AZEC; khẳng định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp Nhật Bản. Thống đốc Hayashi mong muốn cùng phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để tiếp tục thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam cũng như giải quyết các khó khăn trong một số dự án; bày tỏ quyết tâm sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan trong dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Tổ chức diễn đàn, hội thảo kinh doanh hằng quý
Tại cuộc tiếp Chủ tịch điều hành Hội đồng thúc đẩy Ngoại giao nhân dân Nhật Bản (FEC) Matsuzawa Ken, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị FEC thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có nhu cầu như cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác lao động, phát triển cung cấp nguồn điện…
Phó Thủ tướng đề nghị FEC tiếp tục quan tâm thúc đẩy giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu tại cả Việt Nam và Nhật Bản; quan tâm, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Chủ tịch điều hành FEC Matsuzawa Ken cam kết thúc đẩy thực chất quan hệ với Việt Nam, trong đó dự kiến phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản hằng quý tổ chức diễn đàn, hội thảo kinh doanh, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản với các đối tác Việt Nam; tiếp tục thúc đẩy giao lưu nhân dân hai nước.
Các thành viên của FEC bày tỏ quan tâm thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là đào tạo kỹ sư IT đáp ứng nhu cầu hai nước, trong đó Nhật Bản được dự tính thiếu khoảng 800.000 kỹ sư đến năm 2030; đầu tư phát triển nguồn điện sạch như điện sinh khối, giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trung hòa các bon đến năm 2050.
Bình luận (0)