Thử nghiệm được thực hiện ở vùng nông thôn phía Bắc thị trấn Taiki, tỉnh Tokachi - Nhật Bản.
Quan sát có thể thấy động cơ thử nghiệm phun ra ngọn lửa màu xanh và cam cao từ 10-15 m trong khoảng 10 giây.
Theo giám đốc điều hành của công ty hàng không vũ trụ tư nhân Interstellar Technologies, ông Takahiro Inagawa, chất lỏng "biomethane" (metan sinh học) cần thiết được tạo ra hoàn toàn từ khí sinh học trong phân bò lấy từ hai nhà máy sữa địa phương.
Ông Inagawa cho hay thí nghiệm này không chỉ xuất phát từ mục đích tốt cho môi trường mà còn để tận dụng nguồn nhiên liệu có thể sản xuất ở địa phương. Điều này giúp tiết kiệm chi phí, nhiên liệu cũng sẽ có hiệu suất và độ tinh khiết cao.
Ông Inagawa thậm chí cho rằng mô hình này có thể nhân rộng khắp thế giới.
Interstellar Technologies hợp tác với công ty sản xuất khí công nghiệp Air Water với hy vọng sử dụng nhiên liệu này để đưa vệ tinh lên vũ trụ. Công ty đồng thời làm việc với nông dân địa phương có sẵn trang thiết bị để xử lý phân bò thành khí sinh học mà Air Water thu thập và biến thành nhiên liệu tên lửa.
Khí sinh học có nguồn gốc từ phân bò vốn được sử dụng làm nhiên liệu ở nhiều nơi trên thế giới, ví dụ xe buýt ở TP Indore - Ấn Độ, thay cho các nhiên liệu khác gây ô nhiễm nhiều hơn.
Nhờ đó giảm được tác hại môi trường khổng lồ mà nền nông nghiệp các nước tạo ra - theo tổ chức Greenpeace là chiếm tới 14% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Khí "biomethane" của Air Water đang được các nhà máy sản xuất sữa địa phương cũng như các nhà máy khác sử dụng để sưởi ấm nhà ở, làm nhiên liệu cho xe tải và tàu thủy theo các chương trình thí điểm.
Ông Tomohiro Nishikawa, kỹ sư từ công ty Air Water, nhấn mạnh một Nhật Bản nghèo tài nguyên "phải đảm bảo được nguồn năng lượng trung hòa carbon sản xuất nội địa ngay bây giờ".
Cơ quan vũ trụ Nhật Bản JAXA đã khởi động sứ mệnh "Moon Sniper" đưa tàu vũ trụ lên mặt trăng vào tháng 9 vừa qua.
Song, lĩnh vực hàng không vũ trụ của Nhật Bản đang gặp phải nhiều vấn đề vào những năm gần đây với 2 sứ mệnh vũ trụ thất bại cũng như trục trặc trong việc phóng tên lửa. Hồi tháng 7, cuộc thử nghiệm tên lửa Epsilon S, đã kết thúc bằng một vụ nổ chỉ 50 giây sau khi phóng.
Bình luận (0)