“Hoan hô trường của chúng ta
Cửu Long chín cửa vượt qua khó gì!
Hành trình xe đạp cùng đi,
Chung tay bảo vệ dựng xây môi trường”
Đó là những cảm xúc của thầy Nguyễn Phước Thiện - Chuyên viên Khoa lữ hành Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn - sau chuyến hành trình qua 9 cửa sông.
Hành trình kết nối
Trước tình trạng nước biển xâm thực tại các cửa sông vùng ĐBSCL gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân, Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn đã tổ chức chuyến “Hành trình qua 9 cửa sông - Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” bằng xe đạp trong 5 ngày (từ ngày 1 đến 5-12). Bên cạnh các hoạt động chính như tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ môi trường; phổ biến phương cách ứng phó với biến đổi khí hậu; tặng quà cho học sinh địa phương; tổ chức lớp học miễn phí nâng cao nhận thức du lịch cộng đồng, chương trình còn có các buổi giao lưu văn nghệ đầy xúc động và ấm áp.
Lễ xuất phát tại Nhà hát Thành phố
Sáng 1-12, sau lễ xuất phát tại Nhà hát Thành phố, các bạn sinh viên Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn chia thành 3 đội: đội đạp xe, đội hậu cần và đội văn nghệ xuất phát theo lộ trình TP HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng. Ông Trương Nam Thắng, cán bộ quản lý cao cấp về phát triển đào tạo nhân lực ngành du lịch của Dự án EU, cho biết: “Qua hành trình này, mỗi người sẽ là một tuyên truyền viên để giúp cho cộng đồng, các địa phương nơi chúng ta đi qua nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực thực hành du lịch, đóng góp cho sự phát triển du lịch bền vững”.
Khoác lên người màu áo đồng phục, đội đạp xe bắt đầu chuyến hành trình hơn 250 km, mang những chiếc xe đạp đến với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại 4 tỉnh miền Tây. Đồng thời, thông điệp: “hãy hành động vì môi trường xanh - sạch - đẹp”, “rác là nguồn gây ô nhiễm, hãy làm sạch rác ở mọi nơi” cũng được truyền tải đến người dân trong suốt chặng đường đoàn đã đi qua.
Thông điệp bảo vệ môi trường theo đoàn trong suốt hành trình
Gọi chuyến hành trình là hành trình kết nối bởi tôi có thể thấy được sự gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên trong đoàn và sự truyền tải yêu thương từ các bạn đến với người dân địa phương. Sự hỗ trợ của đội hậu cần để đảm bảo an toàn trong suốt chuyến đi, sự khơi màu của đội văn nghệ trong những đêm giao lưu, sự nỗ lực vượt đường xa của đội đạp xe... tất cả những cố gắng ấy đều vì một mục đích chung: “mang thông điệp, trao nụ cười” đến các em nhỏ và người dân ở những vùng miền còn nhiều khó khăn.
Chinh phục cửa sông
Bên cạnh các hoạt động thiện nguyện, chuyến đi còn là cơ hội để các bạn sinh viên Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn rèn luyện thể lực, trao dồi kiến thức về lịch sử, văn hóa của từng vùng đất đã đi qua. Vượt hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, đoàn đã chinh phục các cửa sông vùng ĐBSCL: cửa Tiểu, cửa Đại, đập Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu, cửa Định An và cửa Trần Đề. Riêng Ba Thắc ngày nay chỉ còn là một con rạch nhỏ. Đứng tại cây cầu Cồn Tròn nhìn dấu tích con sông xưa, chúng tôi không khỏi luyến tiếc về “một dòng sông đã mất”…
Sông nước miền Tây nơi bến đò Tiệm Tôm (Bến Tre)
Phải thức dậy thật sớm để kịp chuyến đò, mỗi ngày đạp xe từ 70 - 80 km, dù có những lúc thấm mệt nhưng các thành viên đều rất phấn khởi cho chuyến hành trình vượt sông này, có lẽ đó là niềm đam mê khám phá, thích trải nghiệm của những người làm du lịch chăng? Những sự cố về xe, những cơn khát, những con đường gồ ghề, những lần vận chuyển xe lên xuống bến đò giữa cái nắng trưa… cũng không quật ngã ý chí của các thành viên khi được bù lại bằng những kiến thức, những phút giây hòa mình với cuộc sống sông nước miền Tây - nơi nhìn quanh chỉ là xuồng ghe giữa mênh mông con nước phù sa, chỉ là những loài cây ngập mặn xanh xanh hai bên bờ…
Vận chuyển xe xuống đò
Ở mỗi chặng đường, tôi nhìn thấy sự đoàn kết, tinh thần đồng đội, sự quan tâm hỗ trợ nhau được phát huy triệt để từ ly trà đá đường của thầy Công, sự bám sát đoàn của thầy Hừng, Hoàng Tùng, Huỳnh Tâm đến những kí hiệu ra dấu, thông báo của các thành viên ở những đoạn đường khó đi, rẽ trái - phải…
Dọc chuyến hành trình, đoàn còn dừng lại tại cầu ông Lãnh (Quận 4), chợ Gò Công (Tiền Giang), chợ Bình Đại (Bến Tre), ấp An Phú (Bến Tre), chợ Long Hữu (Trà Vinh) và các khu vực bến đò… để phát tờ rơi tuyên truyền, phổ biến với người dân địa phương về vấn đề bảo vệ môi trường; dọn rác tại khu vực chợ, trường học… Sự hưởng ứng, giúp đỡ từ những người miền Tây đôn hậu phần nào tiếp thêm động lực để các thành viên tiếp tục lăn bánh đến gần hơn với vùng sông nước.
Nhặt rác tại ấp An Phú (Bến Tre)
Người dân tại chợ Long Hữu (Trà Vinh) đọc tài liệu tuyên truyền
Thương lắm miền Tây
Miền Tây Nam bộ - nơi hội tụ của những dòng kênh rạch, nơi gắn liền với những chiếc xuồng ghe xuôi theo con nước - luôn khiến lòng người đã đến đây rồi lại cảm thấy xuyến xao khó tả. Hành trình chỉ vỏn vẹn 5 ngày nhưng cũng đủ cho các thành viên có thể hiểu phần nào về cuộc sống của người dân nơi đây, sẻ chia phần nào những khó khăn mà họ đang trải qua. Ở mỗi chặng dừng chân, đoàn đều có buổi giao lưu văn nghệ tại địa phương đầy ấm áp và xúc động. Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn đã gởi tặng 55 chiếc xe đạp và 7.000 quyển tập cho các em học sinh xã Tân Thành (Tiền Giang), huyện Ba Tri (Bến Tre), xã Trường Long Hòa (Trà Vinh) và huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Cô Ngô Thị Quỳnh Xuân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, chia sẻ: “Tôi rất tự hào về những hành động thiết thực, từ lời ca tiếng hát đến sự san sẻ yêu thương mà các bạn sinh viên đã đem đến cho những người dân còn khó khăn ở các tỉnh miền Tây”. Đâu đó, có những đôi mắt rưng rưng niềm xúc động khi một bạn nhỏ tại xã Tân Thành phát biểu: ”Mẹ ơi, con đã có xe đạp rồi. Mẹ đừng lo cho con nữa nha”. Ôi, thương lắm, những mảnh đời bé nhỏ…
Các bạn sinh viên trao tặng xe đạp cho học sinh huyện Cù Lao Dung
Trong lễ tổng kết tại huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), Thạc sĩ Phan Bửu Toàn - Hiệu phó thường trực Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn - xúc động khi chuyến hành trình ấp ủ hơn 7 năm qua đã thành hiện thực: “Chỉ có tình người mới mang lại sự rung động thật sự”. Bằng nhiệt huyết và tấm lòng, các bạn sinh viên đã trở thành những người chiến thắng. Vượt qua chặng đường dài hàng trăm kilomet cùng những buổi chiều tất bật chạy chương trình, các bạn đã mang đến cho học sinh ở địa phương những niềm vui, những món quà đầy ý nghĩa, thắp lên nơi các em niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào yêu thương, niềm tin vào những tấm lòng nhân ái dìu dắt các em đến ngày mai tươi sáng hơn.
Sau buổi giao lưu tại khu du lịch biển Ba Động (Trà Vinh), bạn Nguyễn Ngọc Mạnh Cường - thành viên trong đoàn - chia sẻ:“Ngày thứ 3 tại Ba Động đã đi qua để lại trong tôi nhiều điều để nhớ. Nhớ ánh mắt và nụ cười của các em. Là sự ngượng ngùng và lúng túng khi tôi đến làm quen; là sự mong chờ, háo hức muốn nhận được quà; là sự hồn nhiên và sáng trong”.
Đội đạp xe trong niềm vui chinh phục chặng đường hơn 250 km đến với người dân miền Tây
Chuyến hành trình qua 9 cửa sông đã kết thúc tốt đẹp và để lại những kỉ niệm khó quên. Như lời cô Ngô Thị Quỳnh Xuân chia sẻ tại buổi lễ tổng kết: “Các bạn đã mang đến những việc nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn trong cuộc đời”, những khúc hát đẹp, những hành động ý nghĩa và những yêu thương mà Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn đã cho đi sẽ luôn luôn còn mãi nơi bạn, nơi tôi, nơi con nước mang nặng phù sa…
Bình luận (0)