Theo chương trình khảo sát của Saigontourist tháng 3/2014, tôi tham gia chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ - đất nước gợi ký ức thuở nhỏ về giấc mơ những tấm thảm bay dệt bởi ngàn vạn sợi len đủ màu. Nhưng thực tế đặt chân tới đây, tôi mới tận tường Istanbul là một bức họa mosaic tạo bởi vô vàn miếng ghép văn hóa và tôn giáo đa sắc, thêm cả âm thanh cộng hưởng của quá khứ lẫn hiện tại.
Thời đại của công nghệ và toàn cầu hóa, không khó gì để thấy sự ảnh hưởng và lan tỏa văn hóa Đông và Tây ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ hay Istanbul lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Vị trí địa lý độc nhất đã tạo nên những sự giao thoa và hòa hợp giữa Âu và Á đến từ trong bản chất của mọi vật thể hiện hữu và trong tâm hồn, lối sống của mỗi người dân Istanbul, hoàn toàn không phải là sự du nhập hay vay mượn từ bên ngoài. Một tuyệt tác có một không hai sản sinh từ hàng ngàn năm giao thoa bởi các cuộc chinh chiến của các đế chế và các hành trình du nhập của các tôn giáo. Một sự khác lạ thật đẹp, chỉ có ở Istanbul.
Ngắm tulip Thổ Nhĩ Kỳ
Tôi đến Istanbul cuối tháng 3, ngỡ ngàng trước sắc màu rực rỡ của tulip khoe vẻ đẹp kiêu sa trong nắng. Ở bất kỳ đâu, dọc theo bờ biển, nép bên các bức tường cổ rêu phong, bên ô cửa sổ, những bến cảng đông đúc hay trên đường giao thông nhộn nhịp, đều thấy những cụm tulip, những luống hoa nhỏ xinh rung rinh trong gió. Một chị bạn từng đến Istanbul năm ngoái, nay thốt lên “Bữa nay nhìn Istanbul lạ quá!”.
Như để chứng minh cho thế giới thấy tulip không xuất xứ từ Hà Lan (dù xứ sở của cối xay gió đã nhanh chân biến Hội hoa Keukenhof thành vườn hoa tulip nổi tiếng toàn cầu), người Thổ để mặc cho khách thưởng lãm tulip của họ theo cách giản dị nhất, bởi tulip sinh ra ở đất này cũng tự nhiên như hơi thở thường ngày vậy. Tulip ở Thổ không bị co cụm lại thành một nền công nghiệp “những luống hoa cả trăm như một” khiến người muốn xem cũng phải quy về một điểm đến. Ở Thổ, bất chợt thấy tulip, ngẫu nhiên thấy tulip và dĩ nhiên thấy tulip ở khắp nơi, ngay trong những ngóc ngách sinh hoạt bình dị nhất và bên các đền đài nguy nga nhất. Thích nhất là tulip hiện diện cùng cỏ cây hoa lá ở những nơi đời thường nhất, chạm ánh nhìn vào đâu, nơi ấy trở nên lãng mạn ngay tức khắc bởi một nụ tulip vừa vươn lên đón ánh mặt trời. Không phải trả tiền vé vẫn được ngắm tulip hài hòa giữa thiên nhiên và con người, xem tulip làm mềm mại phố phường, ngắm tulip dệt trên những bức thảm và duyên dáng nổi lên trên trang phục, khăn choàng của người phụ nữ...
Chỉ có con đường trải thảm đỏ
Khi xe vào khu vực Old city - thành cổ của Istanbul, bức mosaic trước mắt tôi chợt biến đổi, màu quá khứ bỗng nổi lên đậm nét.
Được xây dựng vào khoảng năm 660 trước công nguyên và từng là kinh đô của 3 đế chế La mã, Byzantine và Ottoman, thành cổ Istanbul phủ lên mình tầng tầng lớp lớp những tấm áo thời gian. Mật độ quá khứ ở đây quá sống động, phong phú với sự hiện hữu bề thế của những di tích lịch sử nổi tiếng như thánh đường hồi giáo xanh Blue Mosque của thời đế quốc Ottoman với nhiều chi tiết được ghép từ gốm sứ đầy màu sắc. Tên gọi này cũng liên quan đến số lượng những viên gạch men xanh dương phủ khắp thánh đường. Hay khu bảo tàng nhà thờ Thánh Sophia với thiết kế phần mái vòm lớn nhất thế giới (đường kính khoảng 31 m). Bên cạnh quy mô khổng lồ và bí ẩn về kỹ thuật kiến trúc vốn được đánh giá là “thay đổi lịch sử khoa học kiến trúc”, đây còn là nơi hiện hữu của đạo Thiên Chúa và đạo Hồi trong cùng một công trình: hình ảnh Đức mẹ Maria ôm Chúa Giê su, bên cạnh là những biểu tượng bằng chữ Ả Rập. Ở đây, đường biên giới của tôn giáo dường như được xóa nhòa nhờ sự dung hòa tinh tế của chính bản sắc riêng từng tôn giáo. Một sự hòa hợp tự nhiên, không hề gượng ép.
Nhà thờ Thánh Sophia
Thánh đường hồi giáo Blue Mosque
Khó có thể đến hết các đền thờ, thánh đường, cung điện ở Istanbul, nhưng bạn không nên bỏ qua những điểm tiêu biểu nhất, như cung điện lớn nhất Topkapi của các hoàng đế Sultan thời đế chế Ottoman được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1985, Cung điện Dolmabahce, Hippodrome Square của triều đại Byzantine, Quảng trường Taksim, hệ thống bức tường thành và hồ nước ngầm thời La Mã…
Nếu có dịp trở lại Istanbul, tôi vẫn muốn tham quan lại cung điện Dolmabahce được vua Abdulmecid xây dựng từ năm 1854. Đây hiện là bảo tàng trưng bày hàng ngàn hiện vật cổ từ khắp nơi trên thế giới. Để bảo tồn công trình này, mỗi ngày chỉ cho phép tối đa 2.000 người vào tham quan, phải đăng ký trước theo đoàn có hướng dẫn viên, nhất thiết đi theo lộ trình duy nhất đã được trải bằng thảm đỏ, không được sử dụng máy chụp ảnh hay quay phim, không dừng lại quá lâu ở mỗi căn phòng để đảm bảo sự luân chuyển liên tục các đoàn tham quan... Âu cũng là phép tắc cần thiết để càng trân trọng những giá trị nhân loại còn lại đến hôm nay.
Bên trong Dolmabahce, các tuyệt tác tinh xảo được lưu giữ gần như nguyên vẹn, hàng trăm bức họa phủ kín gần 300 căn phòng, đồ cổ bài trí tinh tế khắp các phòng và hành lang, hàng trăm thiết kế đèn chùm tuyệt đẹp, những bức thảm khổng lồ với hàng trăm họa tiết sống động, phòng thư viện lưu giữ nhiều bộ sách cổ quý hiếm bọc bằng da, cầu thang pha lê mạ vàng nơi tay vịn, với các thanh cột được làm hoàn toàn bằng pha lê và phát sáng lấp lánh dưới phần mái vòm bằng kính lấy ánh sáng tự nhiên...
Dolmabahce thực sự còn là một bộ sưu tập của một thời chinh chiến và giao thương, với những đồ vật và món quà đến từ hầu hết các quốc gia khác ở châu Âu và châu Phi. Sự lôi cuốn của Dolmabahce còn ở chỗ, gần 300 căn phòng trưng bày trong cung điện này đều có một thiết kế hoàn toàn riêng biệt từ họa tiết, màu sắc, rèm cửa sổ, với hầu hết các loại vật liệu từ kim loại, gỗ, kính, đá cẩm thạch, pha lê, men sứ, lụa, thảm len…
Đôi lúc tôi đã muốn phá quy tắc, ước được rời con đường trải thảm đỏ một chút, dừng lại lâu hơn ở căn phòng đẹp nhất có mái vòm khổng lồ chuyên tổ chức yến tiệc. Dưới chân tôi là tấm thảm trải sàn rộng hơn 100 m2, các cột khổng lồ bằng gỗ ốp đá cẩm thạch sáng bóng và trên đầu tôi lơ lửng bộ đèn chùm khổng lồ thắp sáng bởi hơn 6.000 bóng đèn. Mỗi khi tổ chức tiệc hay khiêu vũ, cần 10 ngày và hơn 200 người trang trí cho căn phòng này. Chỉ riêng bộ đèn chùm tỏa nhiệt từ trên trần cũng đủ sức làm ấm căn phòng như một lò sưởi.
Nhìn tổng thể, kiến trúc của các công trình đền thờ, thánh đường Hồi giáo tại Istanbul mang thông điệp nghệ thuật kiến trúc phóng khoáng và năng động. Những mái vòm lớn che chở không gian rộng và linh thiêng bên trong, những cột trụ nguy nga tạo nên sự vững chãi cân bằng về thẩm mỹ và về kỹ thuật bảo đảm lực đỡ cho phần mái vòm khổng lồ. Đặc biệt, địa điểm xây dựng công trình luôn hài hòa cảnh quan thiên nhiên bên ngoài, có khoảng không gian rộng xung quanh bảo đảm yếu tố luân chuyển của vũ trụ qua các ô cửa tiếp nhận năng lượng ánh sáng, gió và giúp lan tỏa một cách thanh thoát tiếng cầu kinh Koran 5 lần mỗi ngày. Bước vào thế giới này, một người ngoại đạo như tôi cũng cảm nhận được ngay sự che chở đầy bao dung về tâm linh, tín ngưỡng lẫn kiến trúc.
Là một du khách đến từ phương xa, tôi cũng luôn cảm nhận được hơi thở của quá khứ phả khắp những ngôi nhà san sát mang kiến trúc cổ của đạo Hồi và những thánh đường Hồi giáo uy nghi hiện diện ở khắp nơi. Những dãy tường thành cổ kính, những mái vòm uy nghi hay những ngọn tháp nhọn sừng sững xen lẫn những công trình kiến trúc hiện đại như một phép so sánh làm đậm nét thêm hình ảnh của quá khứ.
Và tôi thích hiện tại sống động, nhộn nhịp diễn ra hằng ngày hằng giờ không ngưng nghỉ trên cây cầu nổi tiếng xuyên qua eo biển Bosphorus dài khoảng 30 km - một “dấu ngang” mảnh mai nhưng tuyệt mỹ bắt nhịp cho sự nối liền liên lục địa đầu tiên trên thế giới. Có hai cầu xuyên qua eo biển Bosphorus. Đầu tiên là cầu Bogazici (Bosphorus I) dài 1.074 mét hoàn thành vào năm 1973. Thứ hai là cầu Fatih Sultan Mehmed (Bosphorus II) dài 1.090 mét được hoàn thành năm 1988 cách cầu thứ nhất khoảng 5 km. Cây cầu này luôn có mặt trong những bức ảnh lưu niệm không thể thiếu của hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan Istanbul hàng năm. Tôi đã có một trải nghiệm khó quên khi du ngoạn bằng tàu khoảng 2 tiếng dọc theo biển Marmara để ngắm nhìn bao quát Istanbul từ ngoài biển và đến gần hơn với 2 cây cầu xuyên eo biển Bosphorus. Khá đông dân cư sinh sống ở các bờ của eo biển, với một bên dày đặc những đền đài, cung điện hướng ra biển, những khu villa nhà giàu dập dềnh du thuyền triệu đô neo trước cửa, những quán café kiểu cách sát bờ biển, những khoảng trống của những người thảnh thơi buông câu đánh cá… Tàu chạy chậm hơn khi đến gần cây cầu, đủ để ngắm nhìn ở vị trí gần nhất, để cảm nhận ý nghĩa đặc biệt của cây cầu nối liền lưu thông cho hàng trăm ngàn chiếc xe nối đuôi nhau qua lại giữa 2 châu lục mỗi ngày. Thân cầu mảnh tựa như một tấm vải lụa vắt ngang, hai phần trụ cầu kiên cố và vững chãi ở hai phía đầu cầu như một minh chứng cho sức mạnh của con người trong việc tạo nên sự gắn kết và nối liền không thể tách rời giữa 2 châu lục. Tôi thích hình ảnh này.
Ẩm thực: Kebab và còn hơn thế
Trở lại Việt Nam, tôi vẫn ngây ngất mỗi khi nghĩ đến hương vị bánh mì của Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi nghĩ món kebab của nước này ngon và được ưa chuộng khắp thế giới không hẳn bởi cách người ta vung dao điệu nghệ cắt mỏng từng lớp thịt nướng đang cháy xèo xèo và tỏa mùi thơm nức trên chiếc cột sắt bóng loáng xoay tròn mà thực khách bị quyến rũ chính bởi một phần tư góc bánh mì tròn đặc trưng Thổ: da bánh vàng nâu giòn rụm bọc lớp ruột xốp trắng mịn mềm thơm. Thiên đường kebab hiện ra trước mắt tôi, trên vỉa hè và trong cả nhà hàng, riêng với du khách Việt, cảm giác tìm kiếm kebab cũng giống như đang đi ăn quà vặt ở Việt Nam. Văn hóa ẩm thực đường phố ở Thổ sao mà đậm đà không khí phương Đông đến thế, món hàng rong đủ kiểu bày bán khắp mọi ngóc ngách, món ăn chuyển động thành nhịp điệu trên những chiếc xe đẩy giản dị và gần gũi.
Trong những ngày ở Thổ, tôi thích ăn bánh mì nhất (nhưng vẫn chưa hết những cái nhất như thế đâu!), và nếu phết lên trên lát bánh mì lớp pho mát dê trắng thì thơm mềm bùi béo nào bằng. Thổ cũng là thiên đường của ô liu ngâm muối, có thể ăn hàng ngày không chán, vị đậm đà béo ngậy đọng mãi trên lưỡi, hoặc cho cả chiếc bánh ngâm đường nhỏ xinh như bánh trôi vào miệng ngậm, bánh và vị ngọt nhanh chóng tan ra xua tan mọi mệt mỏi...
Bán món ăn vặt trên xe đẩy cũng là những người đàn ông thân thiện dễ thương có chất giọng ngọt như bánh ngâm đường. Khi họ cất lời mời chào bạn ăn hạt dẻ nướng hay chiếc bánh mì vòng truyền thống quét mật ong hoặc tẩm sô cô la nâu óng, quả khó chối từ. Thịt gà của Thổ dĩ nhiên không phải toàn gà tây, rất hợp khẩu vị người Việt vì thịt thơm dai chứ không bở mềm. Còn hơn cả kebab, tôi rất thích bánh “điếu thuốc” cigarette, trông khá giống chả giò của Việt Nam. Vỏ bánh cigarette rán vàng giòn bọc nhân trộn hành tây, khoai tây và một loại nước sốt đặc biệt, ăn vừa lạ miệng vừa có vị thơm ngon thân quen. Đi chơi khuya có thể ghé một kebab để ăn gà nướng hoặc nhấm nháp bát súp rau hoặc súp cá nóng, rất vừa miệng. Hóa ra những cảnh báo trước đó về ẩm thực Thổ khác vị khó ăn là thừa. Những gói mì tôi cẩn thận mang đi, vẫn nằm gọn trong va li, rồi lại phải mang về.
Ở xứ đàn bà không chạy chợ!
Người Việt thường nói vui rằng chỉ cần hai người đàn bà và một con vịt là thành cái chợ. Nhưng ở Istabul không có đàn bà chạy chợ, chỉ có những anh chàng đẹp trai phô diễn kỹ năng tiếp thị và quyến rũ khách bằng ánh mắt, nụ cười đẹp mê hồn.
Văn hoá chợ Bazaar của người Thổ đã “xuất khẩu” đi khắp thế giới. Riêng ở Tây Âu, chợ Bazaar bao năm nay hiên ngang tồn tại và đàn ông Thổ dần chiếm lĩnh hầu hết những khu chợ bình dân, đánh bật cả người bản xứ về kỹ nghệ giao tiếp với khách cũng như hàng hóa giá rẻ bất ngờ.
Đi khắp châu Âu đều thấy có những phiên chợ Bazaar nhưng nên đến Thổ ít nhất một lần để biết chợ Bazaar chính gốc như thế nào, hấp dẫn ra sao mà nhanh chóng nổi tiếng khắp thế giới đến thế.
Tôi gần như suýt lạc trong khu chợ Grand Bazaar dù anh chàng hướng dẫn viên của Saigontourist đã dặn đi dặn lại phải nhớ cho kỹ số cửa ra vào của khu chợ. Cảm tưởng mê cung của phiên chợ Ba Tư thuở ngàn lẻ một đêm vừa mở bung ra hút tôi vào đó vì sự hấp dẫn khó cưỡng. Bazaar có mọi thứ, trang sức vàng bạc đá quý, đồ cổ tinh xảo, thảm, đồ da thời trang, hàng tơ lụa, pha lê, gốm sứ, đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống từ siêu rẻ đến siêu đắt. Và hơn tất cả, Bazaar có không khí mua sắm sôi sục và lôi cuốn không hề giống bất kỳ nơi đâu.
Bước sang tuổi 563, Grand Bazaar hiện vẫn giữ kỷ lục là khu chợ trong nhà lớn nhất thế giới. Nhưng tôi sẽ nhớ đến Bazaar như một hộp màu lớn nhất thế giới - phiên chợ đầy màu sắc phép thuật, hễ bước vào sẽ bị mê hoặc ngay bởi những ánh mắt mời chào, những âm thanh thủ thỉ thuyết phục giữa bức phông màn sắc màu rực rỡ của hàng hóa. Màu da nâu rám nắng, sống mũi cao thanh tú càng làm cho đôi mắt người đàn ông Thổ trở nên sâu thẳm, vừa bí hiểm vừa quyến rũ. Thế rồi họ mỉm cười, cất tiếng mời chào khiến người mua như bị bỏ bùa mê. “Đừng quên mặc cả đấy”, những người đi trong đoàn nhắc nhở tôi. Tôi tỉnh rồi! Hẳn người Thổ có lý khi giữ phụ nữ ở nhà và để đàn ông chạy chợ.
Nghe nói áo khoác da ở chợ Thổ đẹp và rẻ, tôi cùng hai phụ nữ trong đoàn bước vào hàng quần áo. Một người đàn ông đẹp như tượng thần hiện ra, cất giọng mật ngọt nhỏ nhẹ đề nghị giúp đỡ, nói là làm, anh chàng hết lòng chiều chuộng khách hàng nữ dù không có đúng chiếc áo khoác chúng tôi cần. Không bán được hàng mà giọng anh chàng vẫn nhẹ như gió thoảng “Thật tiếc quá. Ước gì tôi có thứ các cô cần. Nhưng tôi rất vui vì được nhìn thấy các cô cười”. Cuối cùng, cô bạn tôi cũng phải xiêu lòng khoác thêm áo da lên người. Một phụ nữ khác trong đoàn cũng không ngại khó để vác về Việt Nam chiếc bình gốm, phần vì thấy quá đẹp với những họa tiết lạ mắt, nhưng tôi nghĩ một phần cũng vì kỹ năng bán hàng của ông chủ hàng gốm. Chẳng cứ phụ nữ dễ thành “nạn nhân”, một du khách nam trong đoàn cũng bị một quý ông bán thảm đốn ngã, hì hục vác lên máy bay 20 tấm thảm nhỏ “về làm quà”.
Tôi nghĩ vấn đề cốt lõi trong nghệ thuật bán hàng của người Thổ vẫn là sự bắt mắt của hàng hoá cũng như “nghệ thuật” của chính người bán món hàng đó. Trong lần mua sắm ở Ý, tôi cũng có cảm giác như vậy, mấy anh chàng bán hàng ăn vận như tài tử, quỳ xuống mời tôi thử giày và kiên nhẫn chờ khách thử cho bằng ưng ý thì thôi. Chợ Thổ chính là một cuốn phim vì sắc màu văn hóa và sự sống động bao hàm cả cái đẹp trong đó. Khác hẳn kiểu bán mua ở chợ Đồng Xuân tại Hà Nội, nơi người bán hầu như không quan tâm nhiều vẻ bề ngoài và ít chịu tương tác với khách du lịch quốc tế. Còn chợ Bến Thành ở TP HCM đã có phần tân tiến hơn ở khu bán hàng lưu niệm.
Đi chợ Thổ chỉ khổ hướng dẫn viên, luôn miệng giục khách phải chú ý theo đoàn, nhưng một khi đã vào mê hồn trận “shopping” này thì ai cũng như bị thôi miên, chẳng muốn về. Nhưng khi cần trả giá thì hầu như ai cũng tỉnh táo, có lẽ văn hoá mặc cả của người Việt đã ngấm trong máu, trỗi dậy mạnh mẽ kịp thời, không cần hướng dẫn viên nhắc lần thứ hai. Cô bạn đi cùng tôi trả giá rất ác liệt, anh chàng bán hàng có đẹp trai đến mấy, nói thách êm tai đến mấy cô vẫn nằng nặc công thức “từ 200 USD xuống còn 20 USD”. Dĩ nhiên có lúc cô thành công. Còn tôi thì chọn được một đôi mắt thần thuỷ tinh đeo bằng dây tết sợi, thêm một vài hạt màu bằng đá, thứ quà lưu niệm phổ biến nhất ở Bazaar. Âu cũng là muốn lưu giữ đôi mắt đẹp cuốn hút thẳm sâu khó quên của người Thổ, ước gì mình có một đôi mắt thật tinh tường để trải nghiệm hết những gì đã thấy ở Istanbul, và cũng là để mong sớm được trở lại xứ sở đẹp lạ lùng này.
Mách Bạn:
-Hiện có nhiều công ty tổ chức tour Thổ Nhĩ Kỳ. Riêng Saigontourist là công ty tiên phong tổ chức tour Thổ Nhĩ Kỳ và liên tuyến Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp từ TP HCM và Hà Nội. Tham khảo tour tại www.dulichhe.com hoặc 08.38279279.
-Tại các thánh đường Hồi giáo có ghi thời gian cầu nguyện 5 lần/ngày, nên tránh tham quan vào thời gian này. Phụ nữ nên mang theo khăn choàng lớn để che tóc, và mặc quần dài, áo dài tay khi vào các đền thờ, thánh đường.
-Chú ý những nơi có quy định cấm quay phim, chụp hình. Tuyệt đối không chĩa thẳng ống kính chụp phụ nữ đạo Hồi hay những người đang cầu nguyện.
-Không được mang theo thức ăn được chế biến từ thịt heo vào nhà hàng. Tất cả các nhà hàng có dòng chữ Halal food có nghĩa là không phục vụ thực đơn thịt heo.
-Chú ý không làm ồn, cười nói to hay ăn uống, nhai sing-gum khi ở trong thánh đường.
-Nên thử món ăn truyền thống kebab, tất cả các nguyên liệu thực phẩm (trừ thịt heo) khi được nướng theo kiểu xoay và nướng được gọi chung là kebab. Món Kebab truyền thống gồm thịt bò hoặc thịt cừu nướng ăn kèm cơm hoặc gói trong vỏ bánh bột mì được cả thế giới biết đến như món ăn đặc trưng của xứ sở thảm bay.
-Món ăn đường phố khá nổi tiếng là hạt dẻ nướng rất ngon và bùi. Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 80% sản lượng xuất khẩu hạt dẻ của toàn thế giới.
-Không chỉ là quê hương của hoa tulip, Thổ Nhĩ Kỳ còn là quê hương của thánh Paul, Ông già Noel, nhà viết ngụ ngôn Aesop.
Bình luận (0)